Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng » Chính phủ Việt Nam » Kon Tum: Nụ cười ở Bờ Y và dấu ấn của Chương trình 135

Sau 2 năm kết thúc Chương trình 135 giai đoạn II, cuộc sống bà con các xã đặc biệt khó khăn tỉnh Kon Tum đã dần ổn định, nhiều hộ nghèo đã khá lên từ những hỗ trợ hết sức kịp thời, thiết thực, hiệu quả. 135 thực sự là chương trình mang lại sự đổi thay cho vùng đất này…

Cách đây hơn 10 năm, nhắc đến Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) là người ta liên tưởng  đến vùng đất hoang vu mà ở đó, đời sống đồng bào dân tộc còn mang tính tự cung tự cấp là chủ yếu, đường sá heo hút, nhiều nơi còn chưa có ánh điện lúc đêm về. Cái đói cứ đeo bám bà con không chỉ riêng mùa giáp hạt. Thời điểm đấy, tỷ lệ hộ nghèo tại xã chiếm 56%.

Nụ cười ở Bờ Y

Vậy mà khi quay lại đây và đi trên con đường bê tông trải dài theo những ngôi nhà tươm tất được hỗ trợ từ Chương trình 135 vào một ngày cận Tết 2013, tôi thật sự bất ngờ trước những đổi thay trong cuộc sống lẫn tư duy của đồng bào Ca Dong, Nùng, Tày, Brâu…

Làng tái định cư ở xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum - Ảnh: VGP/Việt Mai

Từ nguồn vốn 135 và Dự án giảm nghèo miền Trung, xã đã đầu tư xây dựng hơn 10 công trình lớn nhỏ, như: trường học, trụ sở làm việc của xã, bưu điện văn hóa, trạm y tế, hệ thống điện cao thế, đường giao thông nông thôn… với kinh phí hàng chục tỷ đồng.

Không chỉ chú trọng phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, bà con còn được hỗ trợ con, cây giống, đổi mới phương thức sản xuất để phát triển kinh tế. Các hộ đã được hỗ trợ gần 55.000 cây giống như bời lời, cao su, cà phê … và hàng ngàn con giống làm phương kế sản xuất. Đến nay, các cây đã bắt đầu phát triển đợi kỳ thu hoạch.

Đồng bào địa phương cũng đã khai hoang, cải tạo hơn 100 ha lúa nước, đào đắp hàng chục km mương, đập thủy lợi, dẫn nước vào các chân ruộng bậc cao và áp dụng kỹ thuật canh tác giúp tăng năng suất từ 30 tạ/ha lên 40 tạ/ha.

Cụ Y Yang (93 tuổi), thôn Iệc, xã Bờ Y, cho biết: “Xưa làng mình phải đi từ cánh rừng này qua cánh rừng khác cây lúa mới mọc, mới có cái ăn. Nay nhờ Đảng và Nhà nước cho cái nhà, cho cái cây cao su, cây bời lời, bày làm lúa nước, cuộc sống dân làng không còn đói, không còn tối như trước”.

Làng Iệc, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum

Con trai cụ Y Yang cho biết, hiện anh có 3 ha sắn đang trong mùa thu hoạch và 5 sào lúa nước nên gia đình dần có cuộc sống ổn định, không chỉ đủ ăn mà đã sắm được xe máy, ti vi.

Phó Chủ tịch UBND xã Bờ Y Nguyễn Duy Cường vui mừng trước những đổi thay mà Chương trình 135 đem lại. Từ cuộc sống bộn bề thiếu thốn mọi mặt, đến nay, đồng bào các dân tộc thiểu số đã biết áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật được tập huấn vào chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng, qua đó từng bước ổn định cuộc sống.

Hiện thu nhập bình quân toàn xã đạt 13,5 triệu đồng/người/năm, 8/8 thôn được sử dụng lưới điện quốc gia, đảm bảo cung cấp 99% điện sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân. Hiện xã chỉ còn 112 hộ nghèo, chiếm 4,9% (2012), giảm hơn 50% so với 10 năm trước đó.

Cuộc sống của bà con những xã đặc biệt khó  khăn thuộc các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông, Kon Rẫy của Kon Tum… cũng dần đổi thay từ khi có sự trợ giúp đặc biệt từ chương trình 135 của Chính phủ.

Thôn bản no đủ

Kon Tum là tỉnh miền núi, vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 52,3% dân số với 51 xã đặc biệt khó khăn và 36 thôn, làng đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II.

Tình hình kinh tế và đời sống của người dân trên địa bàn các xã trước khi có Chương trình 135 rất khó khăn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc; sản xuất chủ yếu là nông, lâm nghiệp phần lớn diện tích còn quảng canh năng suất thấp; công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển. Bên cạnh đó, một bộ phận đồng bào còn trông chờ, ỷ lại vào các chính sách đầu tư của Nhà nước, ý thức tự vươn lên xoá đói, giảm nghèo chưa cao.
Hệ thống thuỷ lợi chủ  yếu là các công trình thuỷ lợi nhỏ do người dân tự làm mang tính thủ công, do vậy diện tích lúa nước ít được chú trọng. Ngoài một số trung tâm xã có trường xây cấp 4, còn lại học sinh chủ yếu học trong các phòng học bằng tranh tre, nứa lá rất tạm bợ do vậy cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học.

Nhà sinh hoạt văn hóa

Cơ sở hạ tầng còn kém, đặc biệt là  mạng lưới giao thông đến các xã vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, chủ yếu là đường đất cấp phối chỉ đi lại được vào mùa khô do vậy chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Trong giai đoạn II (2006-2010), Chương trình 135 tại Kon Tum đã được đầu tư tổng mức 363,174 tỷ đồng, trong đó, hơn 50 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ cho gần 50.000 lượt hộ nghèo mua sắm trang thiết bị máy móc, hỗ trợ cây trồng – vật nuôi; vật tư sản xuất, khuyến lâm – nông – ngư.

Hiện nay, tại các xã đặc biệt khó khăn của Kon Tum, 72,2% số thôn có đường ô tô đi được hai mùa (mưa – khô); 94,5% số thôn và 93,5% số hộ được sử dụng điện; 70 xã có bưu điện văn hóa; nâng cấp, mở rộng mạng lưới điện trung, hạ thế; đầu tư xây dựng, nâng cấp và cung cấp trang thiết bị cho trung tâm y tế; hệ thống cấp nước sinh hoạthồ chứa nước; các trạm thuỷ lợi quy mô nhỏ,…

750 công trình hạ tầng (giao thông, thủy lợi, trường học, nhà văn hóa, …) được xây dựng từ Đề án Chương trình 135 giai đoạn II đều xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng thực tế của người dân, với tổng kinh phí 231 tỷ đồng. Đến nay các công trình đều đã hoàn thành, tiến hành bàn giao cho địa phương quản lý, hầu hết đã phát huy hiệu quả sử dụng.

Tuyến đường liên xã đến Bờ Y - Ảnh: VGP/Việt Mai

Các tuyến đường liên xã, liên thôn đã được hình thành, bê tông hóa giúp giao thương thuận tiện, cơ cấu kinh tế có bước chuyển mạnh, phá bỏ thế ốc đảo biệt lập bấy lâu nay.

Sau 2 năm, tỷ lệ hộ nghèo tại Kon Tum còn 23,34%, giảm gần 10% so với năm 2010.Thu nhập bình quân đầu người tại những hộ nghèo năm 2006 là 1,7 triệu đồng/người/năm, đến năm 2010 đạt 3,3 triệu đồng/người/năm đến nay đã tăng lên 5,87 triệu đồng/năm.

Phó Ban Thường trực Ban Dân tộc Kon Tum Đặng Luận đánh giá kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế-xã hội đã tạo tiền đề cơ bản để vùng miền núi, dân tộc của tỉnh Kon Tum có những chuyển biến rõ rệt về mọi mặt.

Thành công của Chương trình 135 là đã giải quyết một phần nhu cầu bức thiết về cơ sở hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn; trang bị phương tiện và kiến thức làm ăn cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, thay đổi tập quán canh tác, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, và là tiền đề để Kon Tum xây dựng nông thôn mới.

VM (VGP)

Kết bạn với Thủ tướng trên Facebook
Thích và chia sẻ bài này trên Facebook
Tags: Bờ Y, , Kon Tum
Share on Link Hay! Share on Facebook! Tweet This!

Hiện chưa có phản hồi nào.

Gửi phản hồi

  • Tổng bí thư

    Nguyễn Phú Trọng

  • Chủ tịch nước

    Trương Tấn Sang

  • Chủ tịch Quốc hội

    Nguyễn Sinh Hùng

  • Biển đảo Việt Nam

    Trường sa - Hoàng sa