Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng » Pháp luật - Xã hội » Hẩm hiu thưởng Tết giáo viên miền núi

Đối với nhiều giáo viên vùng cao các tỉnh miền Trung, thưởng Tết là chuyện phù phiếm, xa vời. Năm nay cũng vậy, vẫn ký trà, bịch hạt dưa, gói bột ngọt nhưng có trường còn không lo nổi cho giáo viên

Điểm trường bản Ngược, thuộc Trường Tiểu học Pa Nang, huyện Đakrông – Quảng Trị tuềnh toàng, nằm chênh vênh bên dòng suối có khoảng 50 học sinh của 4 khối học, do 3 giáo viên (GV) đứng lớp giảng dạy. Đã 6 năm gắn bó với trường bản Ngược nhưng khi nói về chuyện thưởng Tết, thầy Nguyễn Đình Cường tâm sự:  “Chỉ có ký hạt dưa hay gói bột ngọt do nhà trường tặng thôi”.

Không dám nghĩ đến!

Thầy Nguyễn Văn Cường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Pa Nang, cho biết trường có 50 cán bộ, GV. “Hằng năm, quỹ Công đoàn (CĐ) chỉ có thể tặng GV gói bột ngọt, ký hạt dưa trị giá khoảng 100.000 đồng gọi là động viên nhưng năm nay khó khăn quá, chưa biết có được vậy không” – ông băn khoăn. Theo ông Mai Huy Phương, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đakrông, hầu như tất cả các trường ở huyện chỉ thưởng Tết cho GV bằng những món quà như vậy.

Bám trụ dạy học ở xã Pa Nang, huyện Đakrông - Quảng Trị hết sức vất vả nhưng giáo viên rất ngậm ngùi vì thưởng Tết èo uột. Ảnh: QUANG TÁM

Trà, hạt dưa, bột ngọt… cũng là phần thưởng Tết chủ yếu cho GV nhiều trường miền núi ở tỉnh Thừa Thiên – Huế. Thầy Châu Viết Bình, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Khe Tra, huyện Nam Đông, day dứt: “Năm trước còn có quà cho anh em nhưng năm nay, do quỹ CĐ cạn kiệt nên chắc không có”. Theo ông Lê Quang Thẩm, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Nam Đông, thậm chí có trường còn không lo nổi cho GV gói quà, nói gì đến tiền thưởng Tết.

“GV vùng cao chúng tôi có bao giờ dám nghĩ đến chuyện thưởng Tết đâu. Mỗi năm, Tết đến, được nhận gói quà từ CĐ trường trị giá khoảng 100.000 đồng là phấn khởi lắm rồi” – thầy Phạm Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Vĩnh Kim, xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh – Bình Định, ngậm ngùi. Hầu hết các trường ở Vĩnh Thạnh hiện đều không có kế hoạch thưởng Tết. Ông Đào Văn Minh, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết chuyện thưởng Tết cho GV ở huyện chủ yếu trông chờ vào các mạnh thường quân nhưng năm nay vẫn chưa có đơn vị, cá nhân nào đăng ký hỗ trợ.

Một lớp học ở huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam).

Tại huyện miền núi An Lão – Bình Định, GV cũng được thưởng Tết như mọi năm, vẫn là ít bánh mứt. Ông Nguyễn Văn Phiên, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện An Lão, trăn trở: “Năm nào cũng vậy, GV các trường ở huyện đều không được thưởng Tết”. Theo ông Trần Đức Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định, từ trước tới nay, chưa bao giờ ngân sách dành phần thưởng Tết cho ngành giáo dục nên các trường phải tự lo. CĐ ngành chỉ có thể gửi công văn đề nghị các địa phương chú ý, quan tâm chăm lo cuộc sống của GV khó khăn trong dịp Tết.

Năm có, năm không

Khi chúng tôi đề cập chuyện thưởng Tết, nhiều GV Trường Tiểu học – THCS Trà Xinh, huyện Tây Trà – Quảng Ngãi đều bật cười. “Thưởng Tết đối với GV vùng cao chúng tôi là chuyện quá phù phiếm” – một thầy giáo bộc bạch. Cô hiệu phó Nguyễn Thị Kim Anh, người đã gắn bó với trường này vài chục năm, trải lòng: “Tết đến, GV chúng tôi được phụ huynh học sinh tặng những bó rau, mớ măng rừng, vài cây bánh tét hay ít cá. Về phía ngành giáo dục, phần thưởng Tết lớn nhất cho GV chỉ là ít dầu ăn, vài ký hạt dưa nhưng năm có, năm không”.

Không chỉ Tây Trà, với GV ở nhiều huyện vùng cao khác của Quảng Ngãi như Minh Long, Sơn Tây, Ba Tơ, Sơn Hà…, chuyện thưởng Tết cũng trở nên quá xa xỉ. Thậm chí có GV đã hơn 20 năm trong nghề nhưng chưa một lần nhận được thưởng Tết. Theo ông Trần Ngọc Tựu, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi, sở vẫn chưa có kế hoạch thưởng Tết cho GV nhưng tình hình này thì “rất khó”.

Giáo viên miền núi cần có chế độ hỗ trợ, ưu đãi nhiều hơn

Tại Quảng Nam, ông Nguyễn Tấn Thắng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh, khẳng định năm nay, GV sẽ không được thưởng Tết dù các năm trước, mỗi người nhận được 100.000 – 200.000 đồng. “GV công tác ở vùng cao đã khổ, Tết đến lại chẳng thấy lương, thưởng gì cả, bà con bản làng thương thì tặng cho ít quà rừng núi thôi” – ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Nam Giang – Quảng Nam, rầu rĩ.n

Phần thưởng quý nhất

Dù thưởng Tết èo uột nhưng GV miền núi vẫn kiên trì bám lớp, bám trường và niềm vui, nguồn động viên của họ chính là học sinh. “Có lẽ phần thưởng lớn nhất của GV vùng cao như tụi tôi là khi đón Tết xong, các em đến trường đầy đủ, không còn bỏ lớp nữa” – cô Nguyễn Thị Kim Anh tâm sự. Cô Huỳnh Thị Hải Vân, cũng ở Trường Trà Xinh, cho biết chẳng những GV không được thưởng Tết mà nhiều năm trước, chứng kiến học sinh thiếu đói, nhiều người còn vận động nhau quyên góp tiền mua gạo, quần áo cho các em. Nhiều GV còn trích từ đồng lương ít ỏi của mình mua đôi dép, bộ đồ mới để học trò diện Tết.

Cô Huỳnh Thị Vân, Trường THCS Sơn Ba, huyện Sơn Hà – Quảng Ngãi, thổ lộ: “Tết đến, nhìn học trò vượt sông, lội suối đến thăm, chúng tôi cũng đủ ấm lòng. Đó là phần thưởng quý nhất chúng tôi nhận được”. “Nhiều GV mong học sinh đón xuân no ấm, đủ đầy hơn là chờ đợi thưởng Tết cho bản thân mình” – thầy Trần Duy Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Ba, khẳng định.

(BNLĐ)

Kết bạn với Thủ tướng trên Facebook
Thích và chia sẻ bài này trên Facebook

Hiện chưa có phản hồi nào.

Gửi phản hồi

  • Tổng bí thư

    Nguyễn Phú Trọng

  • Chủ tịch nước

    Trương Tấn Sang

  • Chủ tịch Quốc hội

    Nguyễn Sinh Hùng

  • Biển đảo Việt Nam

    Trường sa - Hoàng sa