Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng » Pháp luật - Xã hội » Hiểm nguy đe dọa lều học sinh chơi vơi nơi sườn núi ở vùng cao

Để theo học được con chữ, nhiều học sinh vùng cao xứ Thanh đã phải dựng lều tạm bợ trên sườn núi làm “nhà bán trú”, khó khăn thiếu thốn khiến nơi đây nảy sinh nhiều hệ lụy. Mặc dù đã có hai dãy nhà bán trú, thế nhưng một nửa học sinh trường THCS Mường Lý vẫn phải ra ngoài dựng lều ở tạm bợ. Điều đáng nói, trong những chiếc lều phên nứa xiêu vẹo đó, không ai có thể bảo đảm sự an toàn cho các em khi có mưa lớn, bão lũ… ốm đau, bệnh tật rình rập.

  • >> Hàng trăm học sinh hoảng sợ vì bị “rút” máu

  • >> Cậu bé đeo mặt nạ được phẫu thuật tách ngón

  • >> Vì sao học sinh “sợ” các môn học xã hội?

  • >> Hàng ngàn học sinh Hà Nội nghỉ học vì rét

  • >> Cảnh giác với bút “ma thuật”

Khó khăn con đường tìm chữ

Từ thành phố Thanh Hóa, chúng tôi phải đi gần 300 cây số ngược lên phía Tây mới đến thủ phủ của huyện Mường Lát. Tiếp tục cuộc hành trình, từ trung tâm thị trấn Mường Lát, chúng tôi lại tiếp tục đi gần 30 cây số qua những cung đường đất ngoằn ngoèo, khúc khuỷ được bao bọc bởi lớp sương mờ, một bên là vách đá dựng đứng, bên kia là vực sâu hun hút, cuối cùng cũng đến được xã Mường Lý. Đây là xã nghèo nhất huyện, con đường độc đạo vào trung tâm xã uốn lượn theo hình chữ U, chỉ vừa cho một chiếc xe máy di chuyển.

Những căn lều được dựng lên để học của học sinh huyện Mường Lát

Sau nửa ngày đường, đập vào mắt chúng tôi là sự lạnh lẽo, hoang vu của núi rừng. Cái đói, cái nghèo hiện rõ qua sự hồn nhiên ngây thơ của những đứa trẻ đang lấm lem nô đùa. Gặp chúng tôi, ông Đinh Công Đại, Chủ tịch UBND xã Mường Lý lắc đầu ngao ngán: “Ở đây bà con nghèo khó, đường xá khó khăn”. Chỉ tay lên sườn núi ngất ngưởng, ông Đại cho chúng tôi xem gần 100 chiếc lều được các em học sinh dựng lên để học chữ.

Năm học 2012 – 2013, trường THCS Mường Lý có 308 học sinh bán trú. Để đảm bảo việc học của các em được thường xuyên, đầy đủ, năm 2010, Nhà nước đã hỗ trợ huyện, xã xây dựng hai khu bán trú cho học sinh, nhằm giúp các em có nơi ở để yên tâm học tập khi xa nhà. Thế nhưng, 2 dãy nhà bán trú với 20 phòng, mỗi phòng chỉ ở được 8 em , tính ra chỉ giải quyết được 160/308 học sinh. Số học sinh còn lại phải ra ngoài dựng lều ở tạm. Vì vậy, vào đầu năm học, phụ huynh học sinh ở các bản xa của xã Mường Lý lại gồng gánh cọc tre, phiên nứa, lá cọ,… lên trung tâm xã để dựng lều cho con em mình ở để đi học.

Đến thăm chiếc lều ọp ẹp của các em Thào Thị Da (bản Chà Lan), Mo Thị Xị (bản Trung Tiến 2) và em Trăng Thị Dởi (bàn Chà Lan), cả 3 em đều là học sinh lớp 7A. Trong chiếc lều lụp xụp, tạm bợ, hở cả 4 phía, gió rừng thổi ràn rạt làm cho chiếc lều chỉ chưa đầy 4m2 càng thêm lạnh lẽo. Tâm sự với chúng tôi, em Thào thị Da, dân tộc Mông, cho biết: “Nếu mùa hè, chúng em ở ba, bốn người thì đúng là chật thật. Nhưng thời tiết mùa đông như bây giờ, ở ba,bốn người có khi lại ít quá. Vì bọn em không có nhiều quần áo ấm, chăn cũng không đủ dày, nên chỉ có mỗi cách ở đông người để sưởi ấm cho nhau mà thôi”.

Học sinh Mường Lát phải dựng lều ven bìa rừng để được đi học

Chung cảnh ngộ lều chõng đến lớp, em Ngân Yến Đàm (HS lớp 9B), bản Mau, cho hay: “Chúng em rất muốn buổi đi, buổi về để được ở nhà, nhưng quãng đường từ nhà đến trường gần 20 cây số, toàn đường núi, có xe cũng không đi nổi”. Nếu ngày nào cũng lội bộ 20 cây số để đến trường thì các em chưa đến được trường đã phải quay về vì trời tối. Đó là chưa kể trời mưa gió, rét mướt phải nghỉ học ở nhà. Vì vậy hầu hết những ai muốn theo học đều phải dựng lều ở lại.

Đa số các em bán trú là con em của các bản xa, gia đình đều rất khó khăn. Ngoài giờ lên lớp, các em lại tranh thủ thời gian vào rừng hái rau, chặt củi mang về nấu. Số tiền bố mẹ cho, các em phải chắt chiu từng đồng để lo cho việc ăn học trên này. Hiểu được sự vất vả của gia đình nên các em chi tiêu rất tiết kiệm. Em Trăng Thị Dởi (12 tuổi), ở bản Chà Lan cho biết: “Cứ một tuần em về nhà một lần, vừa thăm nhà vừa để lấy gạo, sắn, mắm muối mang lên. Nếu có tiền thì ba mẹ cho thêm để lên đó em có tiền mua rau, mua cá mà ăn. Còn không, chúng em ăn cơm không qua bữa, có khi chỉ luộc mấy củ sắn ăn cho chắc bụng là được”.

Hệ lụy đằng sau lều chõng

Được biết số lều chõng của trường đang có là 50 lều, mỗi lều bình quân từ 3 đến 4 em ở. Như vậy, một nửa học sinh đang ngày đêm đối diện với rất nhiều khó khăn. Hàng ngày, một buổi đến trường, một buổi các em lại phải lên rừng kiếm củi, hái rau rừng về nấu ăn. Thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nước sinh hoạt nên việc tắm giặt đều phải ra suối. Muốn có nước nấu ăn, các em phải xách từng xô, khiêng từng chậu về dùng. Điều đáng nói, trong những chiếc lều phên nứa xiêu vẹo đó, không ai có thể bảo đảm sự an toàn cho các em khi có mưa lớn, bão lũ… Đó là chưa kể đến nguy cơ rắn rết, côn trùng…luôn rình rập, cũng như việc ăn uống của các em cũng không được đảm bảo.

Núi cao, suối sâu nhưng không ngăn nổi bước chân đến trường của các em học sinh Mường Lát

Em Vi Văn Thời (bản Sài Khao, HS lớp 9) cho hay: ” Có lần, khi ngủ dậy thấy chân mình đau nhức, không sao cử động được, sau khi được các bạn, thầy cô đưa sang trạm xá xã thì mới biết là do bị rết cắn, chứ nếu mà gặp rắn độc cắn chắc em cũng chết rồi”.

Điều khiến thầy Nguyễn Văn Hà, Phó hiệu trưởng trường cùng nhiều thầy cô trong trường trăn trở là làm sao để quản lý và đảm bảo được an toàn cho những học sinh đang tá túc trong những chiếc lán tạm. Chính vì thế, để quản lý được 50 lều chõng cheo leo trên đồi ấy, thầy cô lại phải thay phiên nhau đi kiểm tra, giám sát các em. Tuy nhiên, cái khó ở đây là các em đến từ nhiều dân tộc khác nhau, mỗi dân tộc lại có một phong tục, tập quán sinh hoạt khác nhau, nên việc quản lý gặp rất nhiều khó khăn.

Thầy Hà dẫn chứng, người Thái có tục ngủ thăm, vì vậy con trai, con gái ở cái tuổi 13 – 14 đã con bồng con bế. Một khi học sinh nam mà đã ưng một học sinh nữ thì với lều chõng thế này, khó lòng tránh khỏi việc các em sang “ngủ thăm”. Như vậy hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, nếu các em có bầu, lại phải bỏ học, và làm mẹ ở cái tuổi còn cắp sách. Lý giải cho việc này, thầy Hà giải thích: “Đó là phong tục của họ, mình không cấm được. Chúng tôi cũng chỉ biết nhắc nhở các em, tuy nhiên cũng chỉ mang tính chất động viên. Nhiều hôm đi kiểm tra, thấy học sinh nam nào ngủ trong lều nữ là chúng tôi kéo ra ngoài “huấn thị” nhưng chỉ được ngay lúc đó, còn khi mình đã về rồi thì làm sao đảm bảo là các em không tái phạm nữa”.

Được biết năm học vừa qua trường đã xảy ra 3 trường hợp ngủ thăm, dẫn đến có bầu phải bỏ học. Đó là trường hợp của em Thào Thị Giống (bản Muống 1), Thào thị Xoa (bản Muống 2). Thầy Mai Văn Dũng, Hiệu trưởng trường THCS Mường Lý cho biết: “Mặc dù biết khó có thể kiểm soát hết được các em nhưng do nhà trường không có kinh phí để xây khu bán trú đủ cho tất cả học sinh trong trường nên đành nhìn các em ở trong những chiếc lều tạm bợ. Với khả năng của mình, các thầy cô chỉ còn biết cố gắng thay phiên nhau kiểm tra, quản lý, động viên và nhắc nhở các em để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc”.

Để được học chữ ọc sinh ở mường lát phải đối mặt với vô vàn khó khăn

Tuy nhiên, điều đang khiến cho nhiều học sinh cũng như thầy cô lo ngại, đó là hai khu nhà bán trú đang có nguy cơ xuống cấp. Bởi nhà được xây trên nền đất cát, mặt đất không bằng phẳng, nền đất đá đã lún, có nhiều chỗ đất lở gần sát mép tường nhà. Một khi dãy nhà bán trú đó xuống cấp thì số lều chõng tạm bợ không chỉ dừng lại ở con số 50 lều mà có nguy cơ tăng lên 100 lều.

“Để đảm bảo an toàn cũng như tạo mọi điều kiện để các em có một nơi ở, học tập tốt nhất, sắp tới nhà trường sẽ cho xây dựng bếp ăn tập thể. Tuy chỉ giải quyết được một trong vô vàn khó khăn mà các em đang phải đối mặt nhưng đó cũng là sự động viên lớn, thể hiện được sự quan tâm của nhà trường đối với các em, để các em có thêm động lực học tập và phấn đấu”, thầy Dũng tâm sự.

Ông Đại cho biết toàn xã có 16 thôn bản, thế nhưng các thôn lại nằm rải rác theo sườn đồi, có thôn xa nhất cách trung tấm xã đến 20 km, nên để con em trong thôn được đến trường đầy đủ thì việc dựng lều chõng là không tránh khỏi. Bởi vậy, cần lắm sự ủng hộ, giúp đỡ của các quỹ hội để có thể xây thêm khu bán trú cho các em, để các em có nơi ăn ở, sinh hoạt và học tập.

VH (HLGVN)

Kết bạn với Thủ tướng trên Facebook
Thích và chia sẻ bài này trên Facebook
Tags: học sinh, , Mường Lát, vùng cao
Share on Link Hay! Share on Facebook! Tweet This!

Hiện chưa có phản hồi nào.

Gửi phản hồi

  • Tổng bí thư

    Nguyễn Phú Trọng

  • Chủ tịch nước

    Trương Tấn Sang

  • Chủ tịch Quốc hội

    Nguyễn Sinh Hùng

  • Biển đảo Việt Nam

    Trường sa - Hoàng sa