Bài viết thể hiện quan điểm hết sức phiến diện của tác giả nhưng để giữ tính chân thật cho bài viết nên BBT không sửa bất kì nội dung của bài.
Tuần rồi, cơ quan chức năng đã đưa ra lời giải thích cho việc tuýt còi “Bụi đời Chợ lớn”. Như truyền thống, đó là “Những cảnh thể hiện tính chất bạo lực gây hoảng loạn, ghê sợ hoặc phản cảm; loại bỏ một số lời thoại thô tục hoặc có tính chất kích động bạo lực”.
Rồi thì “các cảnh băng đảng xã hội đen ngang nhiên hoành hành, dàn trận thanh toán đẫm máu bằng dao, lưỡi lê trên nhiều đường phố, trong các ngõ hẻm của TPHCM mà tuyệt nhiên không có sự xuất hiện hay can thiệp của bất kỳ lực lượng nào”.
Hội đồng thẩm định với 9 thành viên thậm chí còn ghi trong biên bản mấy chữ búa tạ “không phản ánh đúng hiện thực của xã hội VN”.
Tóm lại, phải cắt, phải sửa, phải phản ánh đúng hiện thực xã hội. Không thì mời anh qua Mỹ.
Thật ra, chuyện cắt phim, kể cả bom tấn Hollywood đầy rẫy. Gần đây nhất lưỡi kéo Trung Quốc đã cắt bỏ không thương tiếc siêu phẩm Skyfall tất cả những gì liên quan đến việc buôn bán phụ nữ trong các nhà thổ ở Macao, đến việc điệp viên Trung Quốc bị bắn chết, hoặc bị tra tấn bởi Trung Quốc (mở ngoặc, lưỡi kéo ở đây bao hàm cả việc thay thế, chỉnh sửa, hoặc lờ luôn).
Bạn hỏi vì sao ư? Có lẽ là trong con mắt các nhà kiểm duyệt đầy tinh thần dân tộc có khi chỉ giản dị bởi điệp viên Trung Quốc phải giỏi hơn điệp viên Mỹ, như “Trăng Liên Xô tròn hơn trăng nước Mỹ”. Còn nhà thổ ư? Chỉ có ở Pháp. Nếu không tin xin mời xem Taken (Cưỡng đoạt).
Trở lại với “Bụi đời Chợ Lớn”, khán giả Việt sẽ vẫn được xem, nhưng là xem qua lăng kính của 9 vị đức cao vọng trọng toàn những giáo sư, tiến sĩ, đạo diễn lừng danh, sau khi tất tật những “chém giết kinh hoàng”, hay “lời lẽ thô tục” bị cắt bỏ do “không phản ánh đúng hiện thực xã hội”.
Nói đến hiện thực xã hội, hẳn nhiều người sẽ bật cười khi nghĩ đến cả trung đoàn CSCĐ được tăng cường cho TPHCM, nơi có Chợ Lớn lừng danh, hồi trước tết, trước tình trạng cướp giật quá lộng hành.
Nói đến việc phản ánh đúng hiện thực xã hội, lại nhớ đến “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư, có lần, một người có trách nhiệm cũng bảo: “Tôi không thích Cánh đồng bất tận. Câu chuyện về mối quan hệ gia đình, cha con trong truyện phản ánh không đúng cuộc sống, tâm tư người dân Cà Mau. Cả những tội ác trong truyện cũng rất hoang đường”.
Và thật buồn cười, Nguyễn Ngọc Tư phải kiểm điểm vì có ai đó không chịu nổi, không chịu chấp nhận cảnh “Đĩ vè vè bên lều thợ gặt”.
Và bởi vì thằng bụi đời của Charlie Nguyễn nó đâm chém. Và vì cô gái đĩ của Nguyễn Ngọc Tư nó làm đĩ, cho nên những bà đỡ ngay lập tức cắt liền, cấm liền, kiểm điểm liền. Không nói nhiều. Kể cả phim truyện nhựa, kể cả truyện ngắn. Sáng tạo gì thì cũng phải hiện thực, phải phản ánh đúng cuộc sống. Charlie Nguyễn, dù anh là Charlie nhé, bụi đời gì thì bụi đời dứt khoát không nói tục, không trộm cắp, không đâm chém. Chẳng hạn có đâm chém cũng phải bị công an bắt ngay. Và sau đó ăn năn hối cải, hoàn lương, trở thành một chủ trang trại, trồng chuối chẳng hạn.
Còn Nguyễn Ngọc Tư, chị cũng nhớ đó. Cà Mau, hay miền Tây dứt khoát không có ai tên là Đĩ, lại càng không có chuyện chính quyền đập vịt của dân.
(BLD)
Hiện chưa có phản hồi nào.