Nguyễn Tấn Dũng » Pháp luật - Xã hội » Xuất nhập cảnh “không thể đóng mở theo ý ta”

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam…

Người nước ngoài được xem xét cho thường trú phải có chỗ ở hợp pháp, thu nhập ổn định đảm bảo cuộc sống tại Việt Nam.

Người nước ngoài được xem xét cho thường trú phải có chỗ ở hợp pháp, thu nhập ổn định đảm bảo cuộc sống tại Việt Nam.

“Việt Nam đang hội nhập quốc tế nên nếu ta cứ đóng mở theo ý ta là không thuận đâu”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, sáng 10/9.

Theo Chính phủ, việc ban hành luật này là yêu cầu khách quan, cấp thiết hiện nay. Bởi các luật và văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vẫn còn những điểm bất cập.

Một ví dụ cụ thể là Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam quy định người nước ngoài sau khi nhập cảnh nếu có nhu cầu sẽ được xét cho chuyển đổi mục đích nhập cảnh. Lợi dụng quy định này, thời gian qua nhiều người nước ngoài đã vào Việt Nam với danh nghĩa tham quan, du lịch, sau đó xin chuyển đổi để thực hiện các mục đích khác, đặc biệt xin chuyển đổi ở lại lao động trong đó có nhiều lao động đang làm việc tại các dự án do Trung Quốc trúng thầu. Đây là vấn đề phức tạp mà các bộ, ngành, địa phương đang phải phối hợp giải quyết, tờ trình dự án luật nêu rõ.

Gồm 8 chương, 46 điều, theo Chính phủ, dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm đáp ứng được yêu cầu hội nhập nhưng đảm bảo giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình hiện nay.

Cụ thể dự thảo yêu cầu người nước ngoài vào làm việc có thu nhập tại Việt Nam phải có giấy phép lao động của cơ quan quản lý nhà nước về lao động trước khi nhập cảnh. Quy định người nước ngoài không được chuyển đổi mục đích nhập cảnh cũng đã được bổ sung.

Bên cạnh một số quy định chặt hơn, Chính phủ đề xuất mở rộng đối tượng cho thường trú là người nước ngoài không có giấy tờ chứng minh quốc tịch đang tạm trú liên tục tại Việt Nam từ trước năm 2000.

Việc cấp thẻ thường trú cho số này ngoài việc phục vụ công tác quản lý của cơ quan chức năng còn tạo tiền đề cho những người này xin nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch, hạn chế tình trạng người không quốc tịch ở nước ta, Chính phủ lý giải.

Tuy nhiên, người nước ngoài được xem xét cho thường trú phải có chỗ ở hợp pháp, thu nhập ổn định đảm bảo cuộc sống tại Việt Nam, tránh tình trạng người nước ngoài thường trú là gánh nặng cho xã hội, trong hoàn cảnh nước ta còn nghèo, đông dân.

Dự thảo luật giao Bộ trưởng Bộ Công an có thẩm quyền quyết định cho người nước ngoài thường trú tại Việt Nam.

Thẩm tra sơ bộ dự án luật, Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội đề nghị bổ sung vào các trường hợp được xét cho thường trú đối tượng người nước ngoài là sinh viên tốt nghiệp loại giỏi các trường Việt Nam, các nhà khoa học, chuyên gia giỏi đang sống và làm việc tại Việt Nam mà Việt Nam cần tranh thủ để phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị bổ sung nguyên tắc: “Giữ vững chủ quyền quốc gia và bình đẳng trong quan hệ quốc tế, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội” khi xây dựng dự án luật.

Cũng theo quan điểm của cơ quan thẩm tra thì dự thảo luật cần thể hiện rõ chính sách bảo hộ của Nhà nước đối với tính mạng và tài sản hợp pháp của người nước ngoài trong thời gian cư trú trên lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời, quy định rõ người nước ngoài phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi vi phạm pháp luật do mình gây ra (kể cả trách nhiệm về chi phí phát sinh do lỗi của họ), bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Đồng tình với việc tăng cường các quy định để khắc phục bất cập trong quản lý, song một số ý kiến thảo luận cũng cho rằng cần xem xét cụ thể hơn mối liên quan với các dự án luật khác để đảm bảo cho công tác đối ngoại và thu hút khách du lịch đến Việt Nam.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, dự án luật phải vừa chặt vừa mở, tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hiện và phù hợp với hội nhập quốc tế. “Nếu xuất phát từ ngại việc này việc kia mà kìm lại thì chưa ổn” Chủ tịch nhấn mạnh.

Theo số liệu từ hồ sơ dự án luật, tính đến tháng 6/2013, đã có 44.080.492 lượt người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, trong đó có 27.050.364 lượt tham quan du lịch, thăm thân, tăng trung bình 18,57% và đa dạng về quốc tịch; thu hút người nước ngoài vào 14.489 dự án của 98 quốc gia và vùng lãnh thổ (nhiều nhất là Nhật Bản, Đài Loan, Hàn quốc và Singapore) đầu tư tại Việt Nam (ở cả 63 tỉnh, thành trong cả nước) với tổng số vốn đăng ký lên tới 213,6 tỷ USD, có 11.519 dự án 100% vốn nước ngoài.

(VnEconomy)

Kết bạn với Thủ tướng trên Facebook
Thích và chia sẻ bài này trên Facebook
Tags: dự án, du lịch, Luật, Quản lý xuất nhập cảnh, quốc tịch, tham quan, thân nhân, thu hút đầu tư, xuất nhập cảnh, Xuất nhập khẩu
Share on Link Hay!  
Ý kiến bạn đọc
    • Tổng bí thư

      Nguyễn Phú Trọng

    • Chủ tịch nước

      Trương Tấn Sang

    • Chủ tịch Quốc hội

      Nguyễn Sinh Hùng

    • Biển đảo Việt Nam

      Trường sa - Hoàng sa