Chúng được gọi là những “tiểu hoàng đế” bởi sự chăm sóc kỹ càng đến mức thái quá của cả gia đình và chúng lớn lên thành những kẻ thiếu tin cậy, thiếu sức cạnh tranh, luôn bi quan và hèn nhát hơn hẳn thế hệ trước đó. Người ta đang tự hỏi, Trung Quốc sau này sẽ ra sao với một thế hệ con người như thế này?
Không phải đến bây giờ người ta mới nói về những tác hại tiêu cực của chính sách một con mà Trung Quốc áp dụng trong mấy thập kỷ qua nhưng khi một công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc về vấn đề này được công bố kết quả, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc mới thực sự “giật mình”.
Nghiên cứu mới nhất về thế hệ trẻ được sinh ra trong chính sách mỗi cặp vợ chồng chỉ được sinh một con của Trung Quốc cho thấy, những đứa trẻ này thường được cha mẹ, ông bà… cưng chiều quá mức, tạo điều kiện quá mức khiến người ta liên tưởng đến những vị “tiểu hoàng đế” của thời kỳ phong kiến. Hệ quả là những “tiểu hoàng đế” này lớn lên thành những người trưởng thành mang những đặc điểm khá giống nhau như: ít đáng tin cậy hơn, ít tính cạnh tranh, hay bi quan, sợ hãi, ít tận tụy, chu đáo, tỉ mỉ và đặc biệt là rất ít khi dám chấp nhận rủi ro, thất bại để thành công hơn… Những con người này khi tham gia vào xã hội Trung Quốc sẽ sản sinh một lực lượng lao động “sợ rủi ro” và kéo theo đó là số lượng. chất lượng doanh nghiệp, doanh nhân sẽ giảm đi một cách rõ rệt.
“Đức tính đáng tin cậy rất quan trọng. Nó không chỉ tạo ra một sự giao tiếp xã hội hoàn chỉnh mà trong kinh doanh, nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các cuộc đàm phán làm ăn, trong việc hợp tác với đồng nghiệp và cao hơn nữa là mối quan hệ giữa các công ty với nhau”, Lisa Cameron – một trong số những tác giả của công trình nghiên cứu nói, “Nếu chúng ta có một thế hệ người trưởng thành ít đáng tin cậy, điều đó sẽ khiến cho các cuộc thương thảo và giao tiếp trở nên khó khăn hơn rất nhiều”.
Trung Quốc bắt đầu áp dụng chính sách một con từ năm 1979 nhằm đối phó với tình trạng bùng nổ dân số. Hầu hết các cặp vợ chồng ở thành thị phải tuân thủ chính sách này.
Công trình nghiên cứu về những lao động được sinh ra trong chính sách một con được thực hiện bởi nhóm các nhà khoa học của trường ĐH Monash (Australia) và vừa được công bố trong tạp chí Khoa học chuyên ngành hôm 11/1 vừa qua.
Các nhà khoa học đã khảo sát và nghiên cứu dựa trên 421 tình nguyện viên là những người sinh ra trong các gia đình chỉ có 1 con trong khoảng các năm từ 1975 đến 1983. Những người này thường có một điểm chung là được hưởng chế độ dinh dưỡng và giáo dục tốt hơn hẳn đại đa số người dân Trung Quốc nhưng đồng thời họ cũng có những đặc trưng khá “nhạy cảm và gây lo ngại”. Cũng là những “con một” nhưng những người sinh từ năm 1975 đến 1978 (trước khi áp dụng chính sách một con) có khả năng thích ứng và phấn đấu cao hơn hẳn những người sinh trong giai đoạn 1979 – 1983.
“Thực ra kết quả này không khiến tôi ngạc nhiên”, Zou Hong – chuyên gia tâm lý của ĐH Bắc Kinh, người cũng có tham gia vào công trình nghiên cứu phát biểu, “Chỉ có những đứa trẻ trong gia đình một con mới được yêu thương, được cung cấp đầy đủ mọi thứ mà không hề phải cố gắng. Ở nhà là thế, nhưng khi ra ngoài xã hội, chúng không khác những người khác nhưng vì đã quen với sự được bảo bọc quá kỹ càng, chúng cảm thấy mất mát, và sợ hãi khi phải cạnh tranh”.
Cũng theo giáo sư Zou, chính các bậc cha mẹ đã “truyền sự sợ hãi” sang con cái mình. “Mỗi khi chúng ốm, các bậc cha mẹ thường là lo lắng và sợ hãi quá mức và sự sợ hãi đó đã truyền sang đứa con, biến chúng trở thành người quá nhạy cảm và luôn luôn lo lắng”, ông Zou nói.
Hồi năm ngoái, một tổ chức nghiên cứu chính sách của chính phủ Trung Quốc đã lên tiếng đề nghị các nhà lãnh đạo nước này từ bỏ dần dần chính sách 1 con và tiến tới cho phép mỗi gia đình có 2 con vào năm 2015. “Chúng ta đã phải trả những cái giá quá đắt cả về chính trị và xã hội bởi chính sách một con. Nó tạo ra những cuộc xung đột xã hội, chi phí hành chính quá cao, mất cân bằng giới tính trầm trọng và thậm chí là những hậu quả đau lòng như nạn phá thai hoặc giết chết trẻ sơ sinh là con gái bởi gia đình nào cũng nặng theo truyền thống trọng nam, khinh nữ”, báo cáo của tổ chức này viết.
Các nhà nghiên cứu Australia còn nhấn mạnh rằng, những đứa trẻ sinh ra sau năm 1979 thương lớn lên trong các gia đình quy mô nhỏ, trong một cộng đồng xung quanh đa số là những gia đình 1 con như thế nên tác động tâm lý của chúng là “có quán tính lớn hơn bình thường khá nhiều”.
Toni Falbo, giáo sư ngành giáo dục tâm lý của trường ĐH Texas (Mỹ) cũng đã từng có nghiên cứu về những đứa trẻ này, cho biết bà cảm thấy rất ngạc nhiên khi thấy chúng thể hiện những năng lực rất nghèo nàn và yếu ớt bất chấp các thử nghiệm được tiến hành nhiều lần và bằng nhiều phương pháp khác nhau.
Rõ ràng là những đứa trẻ ở Mỹ và ở Trung Quốc đang ngày càng quá khác nhau. ở Trung Quốc, chúng là đứa con duy nhất trong gia đình nên thường phải lớn lên cùng với rất nhiều những sự kỳ vọng khác nhau. “Thậm chí chúng còn phải trở thành đứa trẻ tốt nhất có thể. Trong khi đó, người Mỹ chỉ muốn con cái họ được vui vẻ và không cần phải đặt mục tiêu trở thành “đứa trẻ đẳng cấp thế giới” trong bất kỳ lĩnh vực nào”, bà Falbo nói.
Rất may là trong một số “tiêu chí chất lượng” và được nghiên cứu kỹ càng, những đứa trẻ sinh ra trong chính sách một con của Trung Quốc vẫn đạt điểm trung bình và giống với hầu hết những đứa trẻ cùng trang lứa khác, chuyên gia Falbo kết luận.
LT (BIFN)
Hiện chưa có phản hồi nào.