Sau hơn 1 năm gặp trục trặc nghiêm trọng, siêu bom phá boong ke đã được Lầu Năm Góc bật đèn xanh, sẵn sàng cho các sứ mệnh ở nước ngoài.
Loại bom xuyên phá bê tông lớn nhất thế giới là GBU-57, còn có tên bom xuyên phá hạng nặng – MOP, cuối cùng đã được khắc phục lỗi kỹ thuật và sẵn sàng được triển khai.
Tạp chí Time dẫn tuyên bố từ Lầu Năm Góc cho biết, GBU-57 đã được hoàn thiện sau một thời gian dài đối mặt sự nghi ngại do tình trạng hỏng hóc kỹ thuật. Giới chức không tiết lộ bom hỏng hóc như thế nào mà chỉ cho biết đã hoàn thành tốt đẹp các cuộc thử nghiệm mới nhất tại căn cứ không quân Holloman và bãi thử White Sands, đều ở bang New Mexico.
Với chi phí 15 triệu USD/quả, siêu bom GBU-57 do Tập đoàn Boeing chế tạo dài 6,2 m, đường kính 0,8 m và nặng xấp xỉ 14 tấn. Như vậy, bom GBU-57 nặng hơn rất nhiều so với con số 2,3 tấn của loại GBU-28, vốn là “sát thủ boong ke” lừng danh mà nước Mỹ tự hào trong nhiều năm qua.
Theo Bloomberg, Boeing đã giao hàng từ cuối năm 2011 nhưng bom GBU-57 bị “trùm mền” cho tới nay vì trục trặc.
Hiện không quân Mỹ có trong tay khoảng 20 quả và sẽ trang bị cho máy bay ném bom B-2. Mỗi chiếc B-2 có thể mang 2 quả GBU-57 để xâm nhập sâu vào bên trong lãnh thổ đối phương và tấn công các hầm sâu dưới lòng đất.
Xuyên 60 m bê tông
Ngoài kích thước lớn, GBU-57 còn có sức công phá đáng sợ khi lõi bên trong chứa đến 2,5 tấn thuốc nổ. Bom này còn tích hợp khả năng dẫn đường nhờ hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GPS) để đảm bảo tính chính xác.
Sau khi được phóng đi từ máy bay, bom GBU-57 sẽ xuyên thấu các tầng bê tông cốt thép nhờ vào tốc độ cao kết hợp lớp vỏ cực cứng. Phía đuôi bom còn gắn hệ thống quạt đẩy giúp tăng tốc độ để xuyên phá sâu hơn. Sau khi đạt được độ sâu tối đa có thể, bom sẽ tự kích nổ phá hủy mục tiêu.
Tùy thuộc vào độ cứng của bê tông, bom GBU-57 có thể xuyên qua từ 8 – 60 m bê tông cốt thép trước khi phát nổ.
“MOP là vũ khí tích hợp GPS được thiết kế để chui vào tận nơi và hủy diệt mục tiêu nằm trong những căn cứ được bảo vệ cẩn mật. Phần vỏ của đầu nổ được làm từ hợp kim thép đặc biệt và thiết kế cho phép mang khối lượng chất nổ lớn trong khi vẫn duy trì được lực xuyên phá khi va chạm”, Time dẫn báo cáo các cuộc thử nghiệm mới viết.
Tuy tới nay, Lầu Năm Góc chưa tuyên bố gì về các sứ mệnh tương lai của quả bom “khủng” nhưng giới chuyên gia cho rằng Iran có thể là một mục tiêu tiềm tàng.
Lâu nay, Mỹ và Israel vẫn cáo buộc nước CH Hồi giáo che giấu các cơ sở hạt nhân xuống sâu trong lòng đất hoặc trong các ngọn núi để chế tạo vũ khí hủy diệt.
Theo Time, việc trang bị GBU-57 được đánh giá mang lại 2 lợi ích thiết thực cho Mỹ. Thứ nhất, Nhà Trắng đã có được một lựa chọn phi hạt nhân hữu hiệu để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran khi cần. Thứ hai, Israel chưa sở hữu được GBU-57 trong khi các loại bom phá boong ke của nước này lại khó ảnh hưởng các mục tiêu trên lãnh thổ Iran.
Do vậy, một số quan chức Mỹ cho rằng nhờ GBU-57, Washington sẽ có một “con bài” để ngã giá, thuyết phục Tel Aviv không đơn phương hành động.
Cũng đáng chú ý là thông tin về sự tái xuất của GBU-57 được đưa ra không lâu sau khi chính quyền Mỹ yêu cầu quân đội báo cáo về hệ thống đường hầm chằng chịt nằm sâu dưới lòng đất của Trung Quốc, được cho là có thể chứa đến 3.000 vũ khí hạt nhân.
(BTN)
Hiện chưa có phản hồi nào.