Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma ngày 16-1 đã ký 23 sắc lệnh để hạn chế tình trạng bạo lực liên quan tới súng đạn và yêu cầu Quốc hội nước này nhanh chóng thông qua lệnh cấm vũ khí tấn công. Điều đáng nói là khi mà các sắc lệnh này vẫn còn chưa ráo mực, một cuộc tranh cãi liên quan đến vấn đề kiểm soát súng đạn đã bắt đầu nổ ra tại nước Mỹ với vô số những ý kiến trái chiều.
Những biện pháp mà Tổng thống B. Ô-ba-ma kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua bao gồm thẩm tra lý lịch với tất cả các đối tượng mua súng, đóng cửa một số địa điểm bán lẻ và trưng bày súng, cấm loại đạn bắn xuyên giáp và người sở hữu súng chỉ được sử dụng băng đạn có 10 viên trở xuống. Ngoài ra, các cơ quan chính phủ phải cung cấp các thông tin liên quan tới việc kiểm tra lý lịch người mua súng và nghiên cứu cách thức mới để ngăn những đối tượng thuộc diện “nguy hiểm” sở hữu súng.
Các sắc lệnh trên của ông B. Ô-ba-ma được coi là bước đi đầu tiên trong cuộc cải cách kiểm soát súng đạn lớn nhất tại Mỹ trong nhiều thập kỷ qua.
Theo Tổng thống B. Ô-ba-ma, hiện số người Mỹ thiệt mạng vì bạo lực liên quan đến súng đạn vẫn không ngừng gia tăng và vì lẽ đó, ông sẽ dùng tất cả quyền hạn của tổng thống để các đề xuất này được thực hiện. “Trong vòng một tháng sau khi 20 trẻ em yêu quý và 6 người lớn dũng cảm vĩnh viễn rời xa chúng ta tại Trường Tiểu học Sandy Hook, hơn 900 công dân Mỹ đã mất mạng vì súng đạn. Tôi đưa ra các đề xuất cụ thể này dựa trên kết quả đánh giá của ủy ban đặc trách do Phó tổng thống Giô Bai-đơn (Joe Biden) đứng đầu”, AFP dẫn phát biểu của ông B. Ô-ba-ma tại Nhà Trắng ngày 16-1.
Ngay sau khi các sắc lệnh được ký, nhiều quan chức Nhà Trắng thừa nhận các biện pháp mới sẽ gặp phải sự phản đối quyết liệt từ nhóm các nghị sĩ bảo thủ của Đảng Cộng hòa tại Quốc hội và Hiệp hội súng đạn toàn quốc (NRA). Gần đây, NRA đã liên tục tuyên bố sẽ chống lại bất kỳ nỗ lực hạn chế sự tiếp cận súng đạn nào. Trước và sau khi Tổng thống B. Ô-ba-ma công bố các biện pháp trên, nhóm vận động hành lang của NRA đã tung ra một quảng cáo chỉ trích kế hoạch của ông B. Ô-ba-ma khi bác bỏ đề nghị trang bị vũ khí cho nhân viên bảo vệ tại tất cả các trường học của Mỹ. Theo Hiệp hội này, trong quá khứ đã có nhiều đề xuất kiểm soát súng đạn bị thất bại và nỗ lực lần này của Nhà Trắng cũng sẽ đi vào ngõ cụt.
Một số ý kiến còn cho rằng, mọi đề xuất của tổng thống đều không thể chấm dứt được các vụ thảm sát và sẽ không thể giải quyết tận gốc vấn đề súng đạn tại Mỹ. Theo CNN, Cảnh sát trưởng quận Lin (Linn) thuộc bang Ô-rê-gơn (Oregon), ông Tim Mu-lơ (Mueller), thậm chí còn quả quyết rằng, ông sẽ không thực thi bất cứ nội dung nào trong số các đề xuất về kiểm soát súng đạn mà ông B. Ô-ba-ma đưa ra. Trong một bức thư vừa gửi cho Phó tổng thống Giô Bai-đơn, ông Tim Mu-lơ cho biết, những quy định đi ngược lại quyền công dân sẽ không thể được áp dụng.
Trong khi đó, Thủ lĩnh phe đa số của Đảng Dân chủ tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Ha-ri Rết (Harry Reid) tuyên bố, Thượng viện sẽ sớm đưa ra thảo luận và thông qua một dự luật liên quan tới bạo lực súng đạn. Người mẹ của một trong 12 người bị sát hại trong vụ nổ súng tại một rạp chiếu phim ở bang Cô-lô-ra-đô (Colorado) vào tháng 7-2012, bà Gie-xi-ca Ga-uy (Jessica Ghawi) tuyên bố hoàn toàn ủng hộ các biện pháp của Nhà Trắng, cho rằng nếu không sớm có hành động thì sẽ có thêm nhiều người vô tội thiệt mạng.
Nên biết rằng, để được thực thi một cách trọn vẹn nhất, các điều khoản táo bạo mà ông B. Ô-ba-ma vừa đề xuất cần có sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ.
Những ý kiến trái ngược nhau nói trên chứng tỏ nước Mỹ lại bắt đầu đối mặt với một bài toán mới đầy căng thẳng trong nỗ lực tìm ra biện pháp hữu hiệu nhất nhằm hạn chế tối đa những tiếng súng phi pháp.
NG (QD)
Hiện chưa có phản hồi nào.