Một thợ săn ở Thanh Hóa trong lần đuổi theo con thú đã vô tình giẫm phải mảnh xương người. Lần theo dấu vết, ông kinh hãi phát hiện sâu trong hang núi có hàng trăm bộ quan tài bằng thân gỗ độc mộc nằm la liệt…
Hang Ma (xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) được người Thái bản địa quan niệm là mảnh đất của “thần linh”, của “âm hồn người xưa”. Cửa hang nằm khuất sau những tán cây rừng rậm rạp giữa sườn núi Pa Cáng, ở độ cao hàng nghìn mét so với mực nước biển. Nhiều người, đặc biệt là phụ nữ, cả đời không dám bén mảng tới chân núi này vì sợ “đánh thức giấc ngủ của thần linh”.
Ông Lương Văn Tướng (50 tuổi, ở bản Khó, xã Hồi Xuân), người đầu tiên phát hiện ra hang Ma cho biết, đã nhiều năm nay kể từ ngày động quan tài trên đỉnh núi được phát hiện, thói quen lên rừng săn bắn, kiếm củi, hái nấm… của người dân trong vùng dường như ít hẳn. “Không phải người dân đã no đủ, đã chán cái nấm, cái măng mà đơn giản là vì họ sợ làm kinh động đến những linh hồn từ rất lâu rồi chọn rừng núi làm nơi yên nghỉ”, ông Tướng chia sẻ.
Bên bếp lửa dưới căn nhà sàn chiều đông, ông Tướng kể về buổi sáng tình cờ phát hiện ra cửa hang bí hiểm này. Vốn là tay sắn bắn lão luyện, có tài đoán hướng con vật để đặt bẫy, ông Tướng thường lên núi Pa Cáng săn thú khi rảnh rỗi. Một hôm sau khi đặt bẫy, ông ngồi rình nhưng suốt từ sáng đến chiều vẫn không con thú nào sập bẫy. Trên đường xuống núi ra về, ông phát hiện con thỏ rừng lấp ló bên mỏm đá. Nhanh tay giương cung, mũi tên xé gió lao đi, găm vào hông con vật khiến nó chạy thục mạng lên sườn núi.
Nghĩ con vật sớm muộn gì cũng ngấm thuốc mà gục, ông Tướng bám theo, nhưng cứ chạy mãi, chạy mãi mà con thỏ vẫn chưa chịu ngã. Đến một cửa hang thì mất dấu nó. Nghĩ con thỏ vào hang ẩn nấp, ông Tướng rón rén đi vào trong. Bỗng ông khựng người khi thấy la liệt xương trắng và quan tài độc mộc. “Hoảng hốt, tôi nhảy tót lên cửa hang ngồi thở. Nhưng vì tiếc công sức cả ngày ngồi rình, tôi lấy hết can đảm tiến sâu vào trong hang lần nữa cho đến khi chân vô tình vấp phải những khúc gỗ mục”, ông Tướng nhớ lại.
Lúc khúc gỗ bị bật lên, ông giật thót mình khi thấy chiếc đầu lâu lăn lông lốc. Trước mắt ông Tướng là hàng chục cỗ quan tài mục ruỗng nằm la liệt dưới nền đất và trên vách hang cùng một số mảnh gốm vỡ. “Lấy hết can đảm, tôi dò dẫm tiến sâu vào trong hang và lạnh toát người khi xung quanh ngổn ngang những mảnh xương đùi, xương sườn… Quá sợ hãi, quên cả con thú, tôi chạy thục mạng về bản kể lại cho mọi người nghe”, ông Tướng kể tiếp.
Ban đầu nghe ông kể chuyện trên núi Pa Cáng có hang hòm, dân bản chẳng ai tin, còn bảo ông bịa chuyện ma quỷ để hù mọi người với thâm ý dọa trai bản sợ mà không lên rừng săn thú để ông “ăn mảnh một mình”. Bị hàm oan, tức mình ông Tướng dẫn mấy trai bản đốt đuốc trèo lên núi ngay trong đêm. Nhưng khi đứng dưới chân núi Pa Cáng, nhìn đường đi chót vót, phải leo lên vách đá dựng đứng thì ai cũng lắc đầu ái ngại. Thuyết phục mãi, nhóm trai bản mới đi hết quãng đường.
Khi tận mắt chứng kiến hàng chục bộ quan tài nằm trong hang, mọi người mới tin vào phát hiện của ông Tướng. Những ngày sau, dân bản bảo nhau sắm lễ vật, mượn thầy lên núi cúng tế thần linh vì sự “xúc phạm đường đột” ấy. Từ đó về sau, người Thái ở bản Na Lặc đặt cho hang núi này tên gọi là hang Ma.
Muốn tiếp cận cửa hang, chỉ có một con đường duy nhất là chèo thuyền độc mộc từ bên hữu qua bờ tả dòng sông Luồng, sau đó men theo con đường mòn dưới chân núi. Lên lưng chừng sườn núi chỉ có cách bám vào những gờ đá mà leo, phía dưới là vực thẳm hun hút. Để đến được cửa hang còn phải vượt qua một vách núi dựng đứng cao chừng 10 m, lởm chởm những cạnh đá tai mèo nhọn hoắt. Ở đây còn có nhiều loài cây rừng sẵn sàng phóng độc dưới chân…
Khoảng hai giờ xuyên rừng, bám cây và nhũ đá vượt sườn núi thì đến cửa hang. Hang Ma khá rộng, trần hang chỗ cao nhất khoảng 7 m, rộng từ 3 đến 5 m, chiều dài hang ăn sâu vào lòng núi hút hút như không có điểm dừng. Trong hang hiện còn cả trăm bộ áo quan nằm ngổn ngang, hầu hết đã mục ruỗng, chỉ còn một số ít bộ nguyên vẹn, chuyển màu nâu sạm, phơi ra những thớ gỗ chắc nịch. Ngoài cỗ áo làm cho người lớn dài khoảng 2-2,5 m, phần thân rộng 40 cm còn có hàng chục bộ dành cho trẻ con dài chừng 1 m, lòng khoét rỗng, phần đầu rộng 30 cm, chân rộng 20 cm.
Đi sâu vào phía trong, không khí càng trở nên lạnh lẽo, ngột ngạt bởi mùi ẩm mốc, mùi tử khí. Phía cuối hang là một hố đen sâu hoắm, ăn thẳng xuống lòng núi và cũng có hàng chục bộ quan tài được quàn tại đây.
Sau sự phát hiện quan tài tại hang Ma có rất nhiều giải thích về chủ nhân của nó. Có ý kiến cho đó là quan tài của người Thái cổ vì người Thái từng sống ở đây rất lâu đời, những hang động phát hiện ở đây đều thuộc đất Mường Chự, tổng Cổ Nam, Mường Ca Da của người Thái xưa. Lại có ý kiến cho rằng đây là nơi an táng của những người thuộc thân tộc của tướng quân Khằm Ban (tức Phạm Hiếu, người đã giúp Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh vào thế kỷ 15).
Theo TS Phạm Văn Đấu, Hội Sử học Thanh Hóa, hình thức mộ táng bằng thân cây lớn khoét rỗng treo trên đỉnh núi Pa Cáng ở Quan Hóa cho đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn. Tuy nhiên với những cơ sở dữ liệu, hiện vật còn sót lại có thể khẳng định đây là tục táng của người Thái cổ. Bởi người Thái ở một số huyện miền núi, biên giới Thanh Hóa vẫn có phong tục đục thân gỗ làm hòm chôn cất người chết. Hiện nay trong mỗi gia đình, đặc biệt nhà có người cao tuổi phải có ít nhất 1-2 bộ hòm đục bằng thân gỗ tốt để dự phòng.
Giải thích vì sao người xưa kỳ công vận chuyển xác người và những bộ quan tài nặng hàng tấn đem táng trên đỉnh núi, TS Đấu cho rằng đối với người dân tộc miền núi, hang đá vốn được coi là linh thiêng. Ngày nay người Mường, Thái vẫn có nhiều lễ hội bên trong hoặc cạnh các hang núi vì họ quan niệm tổ tiên xưa của mình đã sinh sống trong hang núi. Hơn nữa hang núi cũng khá khô ráo nên dễ bảo quản, tránh sự xâm phạm.
(TNVN)
Hiện chưa có phản hồi nào.