Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng » Quốc tế » Vì sao Trung Quốc muốn chia rẽ ASEAN?

Ngày 14/8, Mỹ cảnh báo (Trung Quốc) chớ nên có bất kỳ nỗ lực nào nhằm “chia để trị” tại khu vực Biển Đông đang có tranh chấp, đồng thời bày tỏ hy vọng Trung Quốc và các nước Đông Nam Á sẽ đạt được một thỏa thuận trong năm nay.

Phát biểu với các phóng viên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland khẳng định Mỹ mong muốn tất cả các nước đang đòi chủ quyền tại Biển Đông đạt được một thỏa thuận cho Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Bà nói: “Nỗ lực ‘chia để trị’ (ám chỉ tới Trung Quốc) và dẫn tới tình trạng cạnh tranh giữa những nước đang có tranh chấp (tại Biển Đông) sẽ chẳng dẫn đến kết cục như chúng ta mong muốn. Điều chúng tôi lo lắng nhất vào thời điểm này là căng thẳng đang leo thang giữa các nước liên quan. Vì vậy, cần có một thỏa thuận đáp ứng được nhu cầu của tất cả các bên”.

-asean_45

Thất bại của Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 45 được cho là một thành công trong việc "chia để trị" của Trung Quốc

Bà Nuland đưa ra tuyên bố trên sau khi một bài bình luận của hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc Tân Hoa Xã bác bỏ những cáo buộc rằng Bắc Kinh đang tìm cách tạo bất hòa trong khối ASEAN để gia tăng ảnh hưởng ở Biển Đông đang có tranh chấp, đồng thời tố cáo đây là âm mưu của các nước phương Tây nhằm tạo ra “sự mất niềm tin và hận thù giữa Trung Quốc với các nước láng giềng” – rõ ràng nói tới chiến lược trở lại châu Á mà chính phủ của Tổng thống Barack Obama thực thi gần đây.

Theo giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á tại Đại học New South Wales (Úc), sẽ là sai lầm nếu cho rằng những vụ tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và 5 nước đòi chủ quyền ở Biển Đông là kết quả của những quyết định mới đây của Mỹ. Ông Thayer khẳng định: “Việc đổ lỗi hoàn toàn cho Mỹ, hoặc nâng cao tầm quan trọng của Mỹ như một kẻ kích động, là hoàn toàn không đúng với sự thật. Những vụ tranh chấp này đã tồn tại rất lâu trước khi chính sách gọi là ‘trục xoáy châu Á’ được công bố”.

Bình luận của Tân Hoa Xã được đăng tải vào lúc Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì kết thúc chuyến công du 5 ngày ở Đông Nam Á, nơi ông tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng làm việc với các nhà lãnh đạo khu vực về việc hình thành một bộ qui tắc ứng xử để giảm căng thẳng ở Biển Đông. Theo giáo sư Thayer, chuyến đi của ông Dương Khiết Trì phần nào nhằm hạn chế hậu quả của sự thất bại của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – thất bại mà một số người cho là đã nêu bật những hành động mạnh tay của Trung Quốc để buộc ASEAN phục tùng Bắc Kinh.

ASEAN

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cảnh báo Trung Quốc không nên chia rẽ ASEAN

Cáo buộc nhằm vào Trung Quốc đã gia tăng hồi tháng 7, khi ASEAN không đạt được tiến bộ trong vấn đề Biển Đông tại Hội nghị thượng đỉnh tại Campuchia. Tổ chức này đã không thể ra một tuyên bố chung – lần đầu tiên trong vòng 45 năm được thành lập. Bế tắc này được nhiều người xem là xuất phát từ áp lực chính trị của Trung Quốc. Theo một số nhà quan sát, Bắc Kinh không muốn các nước thành viên ASEAN đoàn kết với nhau về vấn đề Biển Đông vì đối với Bắc Kinh, một ASEAN “bị chia rẽ” là có lợi cho chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông – nơi Trung Quốc muốn thương lượng trực tiếp và tay đôi với các nước liên quan. Ngoài ra, một ASEAN không đoàn kết cũng giúp “ghìm chân” Mỹ – nước đang chuyển hướng chiến lược về châu Á, một phần vì tiềm năng tăng trưởng của ASEAN, phần vì lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc.

Sự thay đổi chiến lược của Mỹ mang lại cơ hội mới cho Campuchia, Myanmar và Lào, nhưng giới chuyên gia cho rằng không dễ gì Trung Quốc chịu nhìn ảnh hưởng của mình tại ASEAN bị thu hẹp. Bà Bonnie Glaser, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Các vấn đề quốc tế (CSIS), nói: “Trung Quốc đã có khởi đầu mạnh mẽ và tham gia nhiều trong các nền kinh tế ASEAN, nên việc chuyển dịch sẽ không phải là điều dễ dàng. Thêm nữa, khi các quốc gia khác tiến vào thì Bắc Kinh sẽ tìm cách tăng cường ảnh hưởng để giữ vị thế và bảo đảm cân bằng”. Cuộc ganh đua giữa hai cường quốc sẽ tăng áp lực lên khối ASEAN trong thời điểm gay cấn nhất của lịch sử.

Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã có những hành động quyết đoán hơn để đòi chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông, nơi được cho là có một trữ lượng dầu lửa và khí đốt rất lớn và là nơi có những tuyến đường hàng hải vô cùng quan trọng cho kinh tế toàn cầu. Philippines, Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam cũng đòi chủ quyền một số khu vực của vùng biển này.

Nh.Thạch (Theo AFP,NHK,BBC/Petrotimes)

Kết bạn với Thủ tướng trên Facebook
Thích và chia sẻ bài này trên Facebook

Hiện chưa có phản hồi nào.

Gửi phản hồi

  • Tổng bí thư

    Nguyễn Phú Trọng

  • Chủ tịch nước

    Trương Tấn Sang

  • Chủ tịch Quốc hội

    Nguyễn Sinh Hùng

  • Biển đảo Việt Nam

    Trường sa - Hoàng sa