Nguyễn Tấn Dũng » Pháp luật - Xã hội » Mã Đà – Một vùng đất bị “lãng quên” (Kỳ 1)

(Nguyentandung.org) – Mang tiếng là Việt kiều hồi hương nhưng con em họ, hàng loạt đứa trẻ vô tội không được quyền cắp sách đến trường; Mang tiếng là Việt kiều nhưng hầu như cả làng hơn 40 hộ dân, trên 50 em nhỏ đang sinh sống tại làng bè, Suối Tượng – Phân hiệu C3, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai không ai biết viết chữ nào. Lòng hồ Trị An nơi mà họ mưu sinh mỗi ngày có khi không đủ cho một bữa no. Quyền ăn ở và quyền học hành của trẻ em đã được hiến pháp thông qua, tuy nhiên ở nơi đây dường như chưa được xác lập minh bạch…!

Mã Đà – Đến mà thấy xót xa…!

Tháng 9, khi học sinh cả nước bước vào mùa tựu trường, trẻ em đúng tuổi đều được đến trường thì ở làng bè, Suối Tượng – Phân hiệu C3, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai có hàng loạt trẻ em đúng tuổi, quá tuổi không được đến lớp. Mỗi khi thấy người ta cắp sách đi học, chúng – những đứa trẻ “Việt kiều” cũng ao ước được như người ta. Nhưng niềm ao ước đó vụt tắt; có thể mãi mãi chúng sẽ không có cơ hội đến trường như khao khát…

Nhà cựu chiến binh thành nơi sơ cấp cứu.

Trẻ không được đến trường, lỗi tại cha mẹ?

Lý do mà các em bị khước từ, không được cái quyền đến lớp như các bạn cùng trang lứa vì không có giấy khai sinh. Cha mẹ các em trôi dạt nơi xứ người kiếm chén cơm đến khi về nước thì không có hộ khẩu. Mang tiếng là Việt kiều Campuchia, nhưng cả chục năm nay, hơn 40 hộ gia đình nơi đây đều không có mảnh đất cấm dùi phải ở đậu đất người dân hoặc ở làng bè. Không ai là biết chữ; trung bình mỗi hộ có 4 đứa con, tất cả đều không được đến trường.

Ở Phân hiệu C3, chỉ có một ngôi trường đề tên là trường Trung học cơ sở (THCS) nhưng thật chất là trường tiểu học. Trường chỉ có 4 lớp học, cơ sở vật chất thì nghèo nàn. Sở dĩ trường tiểu học nhưng lại treo bảng là THCS là do 2 trường tiểu học và THCS chỉ có 1 hiệu trưởng. Giáo viên giảng dạy thì ít, nhu cầu học chữ của những đứa trẻ ở đây thì nhiều. Thế nên khó đáp ứng nhu cầu dạy và học cho trẻ. Đó là đối với trẻ đủ điều kiện nhập học, còn những đứa không đủ điều kiện đến trường coi như phó thác số phận may rủi “trời định”. Nhưng số của tụi nhỏ kém may mắn, không giấy khai sinh nơi đây có lẽ đều không có duyên với “lớp học” chính thống và càng khó có duyên với con chữ. Có nghĩa là, nguyên cả vùng đất này, người biết chữ đếm trên đầu ngón tay, những người cha, người mẹ biết chữ thì ít, con cái lại đông thì làm sao dạy chữ cho con? Đó là chưa kể, hằng ngày những thế hệ trưởng thành trong gia đình phải đi đánh bắt cá trên sông Trị An để kiếm chén cơm thì lấy thời gian đâu quan tâm đến con trẻ. Khi mà chật vật với cuộc sống mưu sinh, trôi dạt từ nước bạn trở về thì con người ta chỉ nghĩ đến cái ăn, cái mặc trước mắt chứ tâm trí đâu lo xa hơn…?

Trời mưa, té bầm tím chân, em vẫn tươi cười vào lớp học.

Vì chưa bao giờ được đến trường, đến lớp nên nó trở thành cái khao khát khôn nguôi của lũ trẻ nơi này. Chúng (những đứa trẻ nghèo) đều chung ước mơ là được đến trường, đến lớp. Thương chúng khát chữ, một lần nọ, đoàn từ thiện ở TP.HCM lên đây phát quà rồi xin đến dạy chữ cho chúng. Chúng mừng, chúng học bất kể ngày đêm với ước mong được biết chữ để đi làm công nhân. Có đứa 15 tuổi mới chỉ được học chương trình lớp 3; có đứa 13 tuổi mới nghệch ngoạc tập viết số 1, 2, 3; có đứa 3 tuổi cũng tranh thủ học hát, học ca để sau này không ai dạy. Thấy chúng học, dân làng chài mừng vì không bằng cấp cũng chẳng sao, vì ít ra chúng cũng sẽ biết chữ để ký giấy tờ; không phải mập mờ, bị lừa như cha, mẹ chúng từng vướng phải. Nơi mà chúng học chữ là căn nhà của người dân cho mượn chứ chẳng phải trường lớp gì. Ban ngày chúng học chữ, ban đêm chúng trả bài cho “thầy cô giáo” bất đắc dĩ. Bởi, ban đêm nơi này không có điện. Ở ngay lòng hồ Trị An – nhà máy điện lớn nhất miền Nam mà không có điện để xài, tụi nhỏ gọi đây là “số phận”. Xót lại càng thêm xót.

Nhưng có lẽ xót hơn, đó là lớp học dã chiến của đoàn từ thiện ở TP.HCM chỉ có thể dạy một thời gian ngắn. Không ai có thể đảm bảo dạy cho chúng biết hết các con số, biết đọc và hiểu tất cả câu văn một cách tròn vành, rõ chữ. Bởi đoàn từ thiện chỉ có thể dạy một thời gian rồi gián đoạn, không ai có thể gắn bó dài lâu với các em được. Hơn nữa đường từ TP.HCM đến Mã Đà mất 120 km, đường khá xa, lại có khúc vượt đường rừng trơn trợt nên không thể nói trước được ai sẽ đến với các em dài lâu. Ai rồi cũng có cuộc sống riêng, không thể lo mãi, gánh trách nhiệm với những đứa trẻ nghèo, đáng thương này. Nói cho đúng thì, quyền ăn học của trẻ nhỏ là trách nhiệm của cơ quan chức năng, là trách nhiệm của chính quyền địa phương, là trách nhiệm của Sở Giáo dục chứ không phải là trách nhiệm của các đoàn từ thiện. Thế nên, các em ở Mã Đà không được đến lớp cần sự quan tâm đúng mực hơn nữa của nhà chức trách, đơn vị liên quan. Đáng lẽ ra, vấn đề này phải được giải quyết từ lâu chứ không phải đợi đến phút giây này, khi mà các em đến 13 tuổi mới được học chữ ê, a thì có muộn quá không? Điều này có hợp lý với một đất nước ở thời bình và ngày càng hội nhập, phát triển???

Đã quá tuổi đến trường nên một trò được một thầy kèm, để học được nhiều hơn.

Phụ nữ sanh con… ở nhà?

Một bà mẹ, chưa đến 25 tuổi, có 4 người con đang sống ở làng bè bảo: “Con của em đến tuổi đi học rồi mà không thể đến trường vì không có hộ khẩu. Xin làm giấy tờ mà người ta không cho, bảo là phải xác nhận cái gì đó mà chúng em có biết chi mà đi làm giấy; không biết chữ thì lấy gì làm. Mà ở đây, mấy chục hộ dân cũng không ai biết chữ nên đành cho con tịt ngòi theo. Kệ chứ biết sao giờ, sau này chúng lớn lên cũng đi đánh bắt cá để sống, chứ biết làm chi đây”. Làng chài này, trung bình mỗi hộ có đến 6 người ở. Con cái nheo nhóc, có đứa 12 tuổi phải theo cha đi đánh cá, mẹ mới sanh em bé nên ở nhà chăm em. Không có cơ sở sinh sống, đánh bắt cá ngày có ngày không vậy mà người dân “Việt kiều” ở đây vẫn sanh con đều đều. Người dân dám đánh cược tính mạng khi “ở nhà sinh, sinh riết rồi quen chứ tiền đâu mà đi trạm. Đi tốn tiền, tiền đâu mà đi”, một bà cụ 75 tuổi nói.

Ở huyện Vĩnh Cửu này, nếu đến đây, ta sẽ thấy hàng loạt bất cập xảy ra. Thử hỏi, người dạy chữ không có, người tuyên truyền không có thì người dân làm sao biết được vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản; làm sao biết phải dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt. Mà theo họ nói thì thấy thương họ hơn: “Đẻ nhiều để sau này chúng đi bắt cá về nuôi mình. Nuôi chúng không tốn nhiều đâu, chỉ ăn cá, ăn rau thôi. Có gạo thì nấu cháo, không gạo thì ăn cái gì tìm kiếm được”. Đa phần người dân Việt kiều này không hiểu được, sanh con như thế thì con chịu thiệt thòi gì; họ có được tiếp cận thông tin đâu mà biết cho được???

Mỗi người phụ nữ thường sanh từ 4-6 con.

Khi cái nhà của chú thương binh được lấy làm cơ sở cấp cứu thì cũng đủ biết vấn đề an sinh của người dân nơi đây được quan tâm thế nào; đầy đủ ra sao. Nguồn nước mà người dân nơi đây sử dụng cho nấu ăn, tắm giặt, tất tần tật là nước sông đầy phèn, có khi mặn đắng. Điện chỉ có 3 tiếng/ngày; nhà nào sử dụng mỗi tháng phải đóng trên 100 ngàn, giá còn đắt đỏ hơn vùng khác – vùng sản xuất điện mà thế, người dân nơi đây cũng đành cam chịu. Nếu đoàn từ thiện mà không đến đây, không biết những thông tin thế này, đến bao giờ mới được những tấm lòng bao dung chia sẻ…?

Kỳ 2: Nước mắt ở Mã Đà

Thanh Trúc

Kết bạn với Thủ tướng trên Facebook
Thích và chia sẻ bài này trên Facebook
Tags: giao duc, học sinh, học sinh miền ngoài, Mã Đà
Share on Link Hay!  
Ý kiến bạn đọc
    • Tổng bí thư

      Nguyễn Phú Trọng

    • Chủ tịch nước

      Trương Tấn Sang

    • Chủ tịch Quốc hội

      Nguyễn Sinh Hùng

    • Biển đảo Việt Nam

      Trường sa - Hoàng sa