Không thể phủ nhận những tiện ích từ mạng xã hội Facebook nhưng không ít học trò do thiếu kiểm soát, tự biến mình thành “nô lệ” trong thế giới này.
Đốt” thời gian trên “phây”
Vừa ra chơi, nhiều nhóm học sinh (HS) trường THPT T.V (TPHCM) cùng tụm đầu vào những chiếc điện thoại cài ứng dụng “phây” (Facebook) để “tám” về một trạng thái nào đó được chia sẻ mà nhiều HS quan tâm.
Họ cùng bàn luận, phân tích những nội dung, hình ảnh hay những comment (bình luận) mới vừa được đưa lên. Có bạn còn tranh thủ luôn giờ nghỉ giải lao chỉ vài phút để đưa lên những trạng thái mới hoặc gửi đi phản hồi nào đó ngay trên điện thoại của mình.
Tại khối lớp 10, một nhóm khoảng 5 – 7 em ngồi trong lớp cùng bàn về kế hoạch đi du ngoạn trước Tết đang được đăng tải trên Facebook. Nữ sinh tên Ngọc Tuyết í ới: “Hoàng “tồ” đâu, lại xem ý kiến của mày bị chửi bét nhè luôn nè”. Cậu học trò được nhắc đến lúc này đang nằm gục xuống bàn… ngủ ngon lành, mặc cho bạn đánh thức cậu chỉ ú ớ rồi lại nhắm mắt lại vì đêm qua thức đến gần 2 giờ sáng “canh” Facebook.
Ngọc Tuyết cho biết, hôm nào lớp hoặc nhóm có hoạt động, sự kiện chung gì đổ lên Facebook thì nhiều bạn trong lớp đều thức rất khuya để cập nhật, phản hồi liên tục. “Nhiều hôm em nhắc mình đúng 12 giờ là đi ngủ nhưng lại ráng thêm chút, gửi đi gửi lại thì đã đến 1 – 2 giờ sáng. Lên “phây” là cách “giết” thời gian hiệu nghiệm nhất, mỗi ngày em mất 3 – 4 giờ cho nó”, Tuyết bộc bạch.
Đó chỉ mới là bề nổi của việc học trò nghiền Facebook. Không ít HS xem Facebook là nhật ký hàng ngày của mình nên mọi hoạt động ăn chơi, ngủ nghỉ đều cập nhật liên tục. Có em còn dành nhiều thời gian chăm sóc, tỉa tót, chú trọng đến từng bức ảnh, từng nét trang trí… để gây sự chú ý.
Phó hiệu trưởng một trường phổ thông ở Q.3, TPHCM cho hay, nếu cách đây vài năm có một bộ phận học trò đến lớp với tinh thần mệt mỏi, lờ đờ, nằm rạp trên bàn vì nghiện game online thì bây giờ bộ phận này có thêm các em nghiện Facebook, kể cả HS giỏi.
Nhà giáo này đánh giá, dùng Facebook có thể không nguy hiểm như game online nhưng các em tham gia thiếu kiểm soát thì tốn rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến việc học và cũng không thích thú với các hoạt động xã hội.
“Có HS trong giờ học tay cũng bấm điện thoại xem Facebook hoặc quên làm bài, trong lớp ngủ gật vì thức đêm để lên Facebook”, bà hiệu trưởng cho biết.
Đến dự chương trình tư vấn dạy con dùng máy tính, chị Lê Thanh Thảo (ngụ ở Q.6, TPHCM) cho hay chị có hai đứa con, đứa con đầu tốt nghiệp lớp 12 từ năm ngoái, nhiều năm nay chỉ chơi game online, bỏ nhà đi liên tục nên vợ chồng chị đã “đầu hàng”. Nhưng với cô con gái thứ 2 đang học lớp 9, không nghiện game nhưng gần đây cũng suốt ngày ôm máy tính để lên Facebook và có rất nhiều bạn bè trên mạng.
“Giờ trưa nghỉ ở lớp, cháu cũng ra quán internet để lên Facebook. Cháu nói thứ này không có gì độc hết nhưng giờ cháu học rất ít, một chút là phải bật máy xem Facebook thế nào rồi nên kết quả học tập của cháu hơn năm lại đây kém rất rõ mà giờ đã cuối cấp rồi”, người mẹ lo lắng.
Phải biết làm chủ bản thân
Nhiều phụ huynh đau đầu khi nhìn con mê mẩn “đốt” thời gian với Facebook, chưa nói đến việc kiểm soát thông tin, lời ăn tiếng nói của các em trên mạng xã hội. Có người phải dùng đến biện pháp mạnh như cắt tiền tiêu của con, cắt internet hay tìm đến các phần mềm ngăn chặn con vào Facebook.
Bà Lê Minh Hoa (chuyên viên đài 1080) cho hay bản thân bà gặp rất nhiều câu hỏi từ các bạn trẻ cho rằng nghiện Facebook là điều không đáng lo ngại nhưng các bạn chưa biết cách làm chủ bản thân. Thường thì khi vào Facebook rồi các bạn dễ bị lôi cuốn theo và quên luôn thời gian nên cần trước hết phải chủ động cài báo thức, hoặc nhờ người thân nhắc nhở mình.
Ngoài ra, cần phải xây dựng cho mình cách sống có kế hoạch dài hạn và ngắn hạn. Trong một ngày, chúng ra sẽ ưu tiên những công việc nào cần làm trước thì phải hoàn thành, không để những hoạt động giải trí, vui chơi khác ảnh hưởng đến công việc chính của mình.
Không phủ nhận những tiện ích của Facebook trong việc chia sẻ, kết nối nhưng ThS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (ĐH Sư phạm TPHCM) cũng cho rằng Facebook là một “mê cung” có sức mê hoặc rất lớn mà nếu thiếu kiểm soát rất dễ bị lôi cuốn bởi những giá trị ảo.
Nhiều học trò chỉ lo “tút” cho bức ảnh thật đẹp, chăm chút cho từng trạng thái… để lôi kéo mọi người, “đốt” rất nhiều thời gian. Điều này có thể lấn át cả chuyện học hành, cả sự giao tiếp với mọi người và nhiều hoạt động bổ ích khác của các em.
Khi người dùng thiếu tự chủ thì Facebook trở thành “kẻ cắp” đối với thời gian, sức khỏe. Bởi thế theo thầy Khắc Hiếu, mỗi người phải biết đặt ra những quy tắc như mỗi ngày chỉ vào 1 hay 2 giờ đồng hồ trong khoảng thời gian nào đó nhất định để tạo thành một thói quen.
“Trước khi thoát ra thì đừng đăng hình hay trạng thái mới để không phải băn khoăn việc phải vô xem là mình được bao nhiêu like, bao nhiêu bình luận. Khi đã thoát ra thì đừng đóng trình duyệt mà thoát khỏi tài khoản luôn”, thầy Khắc Hiếu chia sẻ.
Đối với phụ huynh, theo các chuyên gia, việc cấm cản kịch liệt con dùng Facebook chưa phải là biện pháp phù hợp mà cần giúp con sử dụng đúng cách, đúng mức vì chúng có những tiện ích không thể phủ nhận.
Phụ huynh cần có những quy ước với con trẻ như vào Facebook trong thời gian bao lâu, tránh những phát ngôn về chửi bới, nhục mạ hay bêu xấu người khác, biết chọn lọc những điều hay trên mạng xã hội… Nếu con vi phạm thì áp dụng những cách xử lý hay hình phạt nào để trẻ biết giới hạn của mình.
Đồng thời cha mẹ phải cùng con xây dựng những mục tiêu, công việc cụ thể trong học tập và cuộc sống thì khi đó dù có ham vui nhưng trẻ vẫn hiểu trách nhiệm với bản thân và cả mọi người xung quanh.
(BDT)
Hiện chưa có phản hồi nào.