“Ông ấy có ý chí vươn lên mạnh mẽ và như có quý nhân phù trợ”, người bạn học, bạn nghề kể chuyện về ông Vương Đình Huệ.
Người đồng nghiệp giản dị, thân thiện
Ở góc độ từng là đồng nghiệp, các giảng viên Học viện Tài chính đã đưa ra những nhận định về con người GS.TS Vương Đình Huệ với niềm tự hào và nhiều kỳ vọng.
Giám đốc Học viện Tài chính Ngô Thế Chi luôn coi GS.TS Vương Đình Huệ là người thân thiết hơn cả một đồng nghiệp, cho biết: “Vương Đình Huệ là một con người năng nổ, dám nghĩ dám làm, có sự quyết đoán cao. Hơn nữa, hồi giảng dạy, công tác tại Học viện Tài chính, ông cũng là người giản dị, thân thiện, được nhiều đồng nghiệp và sinh viên yêu quý”.
“Tôi rất ấn tượng với những việc GS.TS Vương Đình Huệ làm được ở Học viện Tài chính trước đây, hay trong vai trò Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông luôn hoàn thành tốt công việc được giao. Ở vị trí mới Trưởng ban Kinh tế Trung ương có khá nhiều thách thức, song tôi tin GS.TS Vương Đình Huệ sẽ làm tốt vai trò của mình. Kinh tế đất nước sẽ có những đổi thay”.
PGS.TS Bùi Thiên Sơn, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) chia sẻ: “Tôi với GS.TS Huệ không chỉ là đồng nghiệp mà còn là người bạn rất thân thiết. Sau khi đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài, Huệ mới về Học viện Tài chính làm việc. Viện trưởng Viện Tài chính cũ là thầy của Huệ. Ban đầu Huệ làm ở Khoa Kế toán, rồi lên Phó chủ nhiệm Khoa Kế toán, sau đó lên Hiệu phó trường.
Trong suốt quá trình công tác, Huệ luôn thân thiện gần gũi, khéo léo với mọi người nhưng cũng rất cương quyết trong công việc. Ông ấy biết phát hiện và sử dụng nhân tài. Ông ấy có ý chí vươn lên mạnh mẽ và như có “quý nhân phù trợ”. Tôi tin với sự quyết đoán cùng năng lực bản thân, GS.TS Vương Đình Huệ tiếp tục tạo nhiều dấu ấn mới trong vai trò Trưởng ban Kinh tế Trung ương”.
Gương sáng cho học trò
“Hồi nhỏ, Vương Đình Huệ học giỏi nổi tiếng xứ Nghệ. Nhờ thành tích học tập tốt mà Vương Đình Huệ từng được tỉnh Nghệ An tặng cho cả chiếc xe đạp. Giờ đây ở xứ Nghệ, không ít các thầy cô giáo đã lấy câu chuyện hiếu học và con người biết tôn sư trọng đạo của ông để nêu gương cho bao thế hệ học trò. Tuy giờ đã làm tới chức vụ Bộ trưởng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhưng thỉnh thoảng người ta vẫn thấy ông ghé thăm trường cũ hoặc thăm thầy cô giáo của mình năm xưa”, thầy giáo Hoàng Văn Thái, Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc 1, một trong những người bạn học cấp 3 với ông Vương Đình Huệ tâm sự.
Với những gì đã làm, GS.TS Vương Đình Huệ đã trở thành niềm tự hào của hàng nghìn sinh viên các khóa của Học viện Tài chính. Nhiều sinh viên đã bày tỏ niềm tin yêu và nỗ lực noi gương ông.
Nguyễn Văn Thanh, sinh viên Khoa Kế toán, Học viện Tài chính cho biết: “Dù bận rộn đảm nhiệm chức vụ quan trọng của Nhà nước nhưng thầy Huệ vẫn luôn nhớ tới nơi mình đã từng học tập, công tác. Ngày nhà giáo Việt Nam, thầy Huệ vẫn về trường thăm hỏi sức khỏe thầy cô, động viên sinh viên cố gắng học tập. Em mãi khắc ghi câu nói của thầy một lần về lại trường: “Không chỉ giảng dạy lý thuyết, chúng ta cần “đắm” mình cả trong thực tiễn đổi mới của đất nước. Cần nhìn và xem chúng ta đang đứng ở đâu trong lĩnh vực đào tạo của nền giáo dục nước”.
Lần khác thầy bày tỏ: “Tôn sư trọng đạo là truyền thống, đạo lý của dân tộc. Lúc này, tình cảm của tôi đang rất lẫn lộn, có thể nói là ba trong một, vừa là học trò, vừa là nhà giáo nay lại trên cương vị Bộ trưởng Tài chính, lãnh đạo ngành. Được gặp lại trường ta, bạn mình, nhìn thấy cảnh cũ người xưa, gặp bạn bè thân hữu nguyên như ngày nào, tôi xúc động và rất hạnh phúc”. Đó là sự thể hiện những tình cảm sâu sắc của thầy Huệ với Học viện Tài chính, sự thân thiện của thầy khiến chúng em cũng rất xúc động”.
“Em luôn tự hào vì đã được học thầy Huệ, giờ em đã ra trường, có việc làm nhưng vẫn làm theo lời thầy răn dạy: “Sinh viên tài chính có thể giỏi về kiến thức tài chính nhưng cũng cần cập nhật hơn nữa kiến thức xã hội, ngoại ngữ, tin học. Có như vậy, chúng ta mới tự tin đi ra với thế giới bên ngoài”, cựu sinh viên Học Viện Tài Chính, Trần Đình Chung chia sẻ.
Nguyễn Văn Thanh, sinh viên Khoa Kế toán, Học viện Tài chính không giấu được vẻ tự hào: “Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Hụê và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đều là cựu sinh viên của trường. Thầy Huệ cũng là người đầu tiên viết cuốn sách về kiểm toán, giờ đang là sách giảng ở trường. Chúng em rất tự hào và noi gương các thế hệ đi trước”.
Dấu ấn mang tên… Vương Đình Huệ
Trong suốt quá trình đảm nhiệm công tác ở vị trí Bộ trưởng Bộ Tài chính, GS.TS Vương Đình Huệ đã tạo được nhiều dấu ấn bởi hai chữ “Vì dân” của ông.
Cụ thể, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã từng khẳng định như đinh đóng cột sẽ “chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định giảm giá xăng dầu” trong khi các doanh nghiệp ra rả kêu lỗ. Ông từng phát ngôn “Doanh nghiệp đừng có dọa Nhà nước” trong hội thảo “Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường ở Việt Nam hiện nay” tổ chức ngày 20/9/2011. Trong đó, Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định: “Bộ Tài chính không bỏ qua doanh nghiệp nào cả. Nếu cách điều hành của chúng tôi gây thiệt hại cho doanh nghiệp, chúng tôi chịu trách nhiệm và bồi thường. Nếu doanh nghiệp nào thấy lỗ quá không làm được thì rút lui. Kể cả Petrolimex, nếu không làm được chúng tôi sẵn sàng cho giải tán để lập Tổng công ty khác. Nhà nước không dọa ai và cũng không ai dọa được Nhà nước. Với tư cách là Bộ trưởng Bộ Tài chính, tôi xin tuyên bố sẽ không cho phép doanh nghiệp nào bỏ việc lưu thông xăng dầu, khó khăn nào cũng có thể giải quyết. Chúng tôi làm việc và điều hành có trách nhiệm, không phải vì 11 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, mà vì cả nền kinh tế và hơn 80 triệu người tiêu dùng xăng dầu trên lãnh thổ này”.
Ngay sau đó, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã cho lập đoàn kiểm tra việc tính giá xăng dầu, trích quỹ bình ổn của 4 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn nhất. Cuối tháng 12/2011, Bộ Tài chính đã công bố kết quả kiểm tra giá xăng dầu tại 4 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn và cũng chỉ ra được những bất cập trong quản trị doanh nghiệp, cách tính giá cơ sở, chi hoa hồng quá lớn; bất hợp lý trong cơ chế trích nộp, quản lý quỹ bình ổn…
Bộ trưởng Vương Đình Huệ một lần nữa lại tạo dấu ấn trong buổi đăng đàn sáng 31/10/2012 khi cho biết, Chính phủ đã cố gắng “co kéo” các nguồn để dự kiến bố trí được 20.700 tỉ đồng nhằm tăng lương tối thiểu từ 1,05 triệu đồng lên 1,15 triệu đồng. Tuy nhiên, bên hành lang Quốc hội ngay sau đó ông đã chia sẻ: “Cố gắng bố trí tăng thêm 100.000 đồng tiền lương mà còn nhiều ý kiến khác nhau, lo không đủ nguồn. Nói thật, ngân sách như tấm chăn, co chỗ này thì hụt chỗ kia. Tiền chỉ có vậy, muốn nâng lên cũng khó”.
HN (BKT)
Hiện chưa có phản hồi nào.