Ngày 10/9, Bộ Công Thương cho biết, Quy hoạch đã xác định mục tiêu cụ thể từ nay đến năm 2015 cần kiện toàn, ổn định số lượng thương nhân, đảm bảo tối đa 150 đầu mối kinh doanh xuất khẩu gạo.
Tại Hội nghị công tác điều hành xuất khẩu gạo và triển khai thực hiện Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 10/9, Bộ Công Thương cho biết, Quy hoạch đã xác định mục tiêu cụ thể từ nay đến năm 2015 cần kiện toàn, ổn định số lượng thương nhân, đảm bảo tối đa 150 đầu mối kinh doanh xuất khẩu gạo.
Bên cạnh đó, cần gắn địa bàn hoạt động với các vùng sản xuất lúa hàng hóa lớn; từng bước củng cố, phát triển năng lực sản xuất, kinh doanh của đội ngũ thương nhân đã được triển khai.
Theo ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, có 3 tiêu chí để được cấp Giấy chứng nhận gồm: kho chứa, cơ sở xay, xát thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu phải nằm trên địa bàn các địa phương trong quy hoạch và ưu tiên thương nhân có vùng nguyên liệu hoặc thực hiện hợp tác, đặt hàng, liên kết với hộ nông dân trồng lúa. Đồng thời, Quy hoạch cũng đề ra tiêu chí, điều kiện nhằm duy trì Giấy chứng nhận như thành tích xuất khẩu và vùng nguyên liệu, hợp tác, liên kết, đặt hàng với người sản xuất lúa.
Bên cạnh đó, trong trường hợp cấp đủ số lượng 150 đầu mối theo Quy hoạch, Bộ Công Thương sẽ tạm dừng việc xem xét hồ sơ đề nghị của thương nhân. Khi có thương nhân bị thu hồi Giấy chứng nhận, Bộ sẽ xem xét, cấp Giấy chứng nhận cho thương nhân có hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, đáp ứng các tiêu chí, điều kiện theo Nghị định 109/2010/NĐ-CP và Quy hoạch này.
Đánh giá về tình hình xuất khẩu gạo, Thứ trưởng Bộ Công Thương – Trần Tuấn Anh nhận định, từ đầu năm đến nay thị trường gạo thế giới diễn biến phức tạp, có sự gia tăng nguồn cung và tham gia của một số nước mới đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam. Nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo đầu ra, duy trì thị phần và bảo vệ thị trường xuất khẩu gạo, cần có sự cải thiện trong định hướng thị trường, tăng cường phối hợp giữa các đơn vị, bảo vệ lợi ích chung.
Đặc biệt trong những tháng sắp tới, thị trường gạo thế giới dự báo sẽ tiếp tục khó khăn với lượng gạo tồn kho và dự trữ lớn, dẫn đến khả năng các nước xuất khẩu gạo sẽ xả hàng, đẩy hàng tồn kho ra thị trường. Do đó các doanh nghiệp Việt Nam phải khẩn trương xác định và đánh giá nhu cầu thị trường chính xác để tổ chức xuất khẩu phù hợp.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp ngành gạo trong điều kiện khó khăn này, Tổ điều hành xuất khẩu gạo thuộc Bộ Công Thương đã đề xuất nhiều giải pháp như, nỗ lực liên kết, phối hợp, bám sát các chương trình xúc tiến của quốc gia; đẩy mạnh tìm kiếm, phát triển những thị trường tiềm năng; định hướng chất lượng các hợp đồng xuất khẩu gạo, tránh nguy cơ bị hủy hợp đồng.
Trong đó Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đóng vai trò quan trọng ở khâu theo dõi, bám sát tình hình thị trường; thiết lập liên kết doanh nghiệp xuất khẩu – nông dân – tổ chức tham gia xuất khẩu gạo. Đặc biệt, VFA phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định nguồn cung, đảm bảo sản lượng gạo phù hợp cho hoạt động xuất khẩu của năm 2014, góp phần cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp.
(Việt Nam+)