Hùng Vương tạo ra cú hích mới tại Agifish sau thương vụ M&A cách đây 3 năm Agifish vốn là thương hiệu mạnh ngành thủy sản với bề dày lịch sử gần 30 năm nhưng trải qua nhiều thăng trầm. Công ty là một trong các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đầu tiên đột phá vào thị trường Mỹ. Nhưng có giai đoạn, quản trị doanh nghiệp ở Agifish chậm đổi mới, công ty không theo kịp những thay đổi nhanh chóng trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, đánh mất dần vị thế và thị trường. Tình hình thay đổi với sự xuất hiện của ông Dương Ngọc Minh, chủ tịch HĐQT công ty CP Hùng Vương. Năm 2010, Hùng Vương mua và nắm cổ phần chi phối tại Agifish trong một thương vụ M&A được thị trường nhìn nhận là thân thiện.
“Agifish quen nề nếp cũ, không chịu cải tiến. Khi Hùng Vương vào, anh Minh đưa luồng gió mới vào quản lý, lấy thước đo là hiệu quả kinh doanh, mạnh tay đổi mới”, ông Ngô Phước Hậu, chủ tịch HĐQT Agifish nói. Theo công bố của hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), nửa đầu năm nay, Agifish đạt kim ngạch xuất khẩu gần 63 triệu đô la Mỹ, tăng 28% so với cùng kỳ. Trong danh sách “top ten” các doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu, Agifish đứng hạng, thứ hạng cao nhất trong nhiều năm gần đây. Agifish đạt tăng trưởng doanh thu trung bình 36%/năm trong giai đoạn 2010-2012.
Vài năm qua, Dương Ngọc Minh là tên tuổi làm nóng thị trường mua bán và sáp nhập công ty trong lĩnh vực thủy sản. “Agifish là công ty có năng lực sản xuất, có thị trường nhưng không phát triển dù có lãnh đạo am hiểu ngành. Ông Minh đánh giá: “Khó khăn của công ty ở tài chính và quản trị doanh nghiệp”. Trước khi nắm 51,08% cổ phần Agifish, ông Minh đã có sự bàn bạc thống nhất với lãnh đạo công ty, hai bên đồng thuận, thay đổi. Hùng Vương chi phối Agifish, nhưng ông Minh chỉ ngồi ghế phó chủ tịch HĐQT, và chỉ sắp xếp lại nhân sự cũ chứ không đưa người mới về. Thay vì kiêm nhiệm chức vụ tổng giám đốc như trước, ông Hậu giám sát, hỗ trợ ban điều hành từ ghế chủ tịch HĐQT. Bên cạnh hỗ trợ về tài chính, Hùng Vương truyền đạt các kinh nghiệm cho công ty con.
Bài học lớn nhất là quản lý chi phí. Trước đây định mức chế biến 1 kg cá phi lê thành phẩm của Agifish từ 2,8-2,9kg cá tra nguyên liệu. Bằng cách kiểm soát chặt chất lượng nguyên liệu đầu vào, Agifish từng bước giảm định mức xuống còn 2,4-2,5 kg và đang giảm tiếp. Có Hùng Vương chống lưng, Agifish chủ động hơn về nguyên liệu. Công ty nâng công suất các nhà máy chế biến lên 200 tấn cá/ngày, thay vì mức 150 tấn cá/ngày như trước, góp phần giảm chi phí. Sẵn thương hiệu, khi quản lý tốt chi phí, lợi nhuận của công ty năm 2010 tăng 200% và năm 2011 tăng 50% so với năm tài chính liền kề. Năm 2013, Agifish đứng trước cơ hội lớn khi được hưởng thuế suất chống bán phá giá 2 cent/kg, thấp nhất trong số các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam ở thị trường Hoa Kỳ.
(Forbes VN)