Từ xưa, xã hội Việt Nam đã có thái đột khắt khe với đánh bạc. Bằng chứng là Luật Hồng Đức, bộ luật đầu tiên của nước ta, đã dành hẳn một điều khoản quy định rõ mức hình phạt đối với tội đánh bạc ăn tiền. Theo bộ luật này, người tụ tập đánh bạc bị đánh 70 trượng, phạt tiền ba quan, và còn bị giáng cấp nếu là quan chức.
Tuy nhiên, đánh bạc ăn tiền, hành vi đi ngược chuẩn mực đạo đức vốn đã tồn tại trong xã hội Việt Nam suốt 500 năm qua, có thể sẽ không còn bị coi là trái pháp luật khi mà luật lệ trong việc kiểm soát hoạt động cá cược, đánh bạc ở Việt Nam đang có những thay đổi.
Quan điểm, chuẩn mực thay đổi
Cách đây mấy năm, Tiến sĩ Hồ Sơn Diệp ở Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn và nhóm của ông đã thực hiện công trình nghiên cứu xã hội về hoạt động cờ bạc ở TP.HCM. Một trong những điều làm ông ngạc nhiên là nhận thức và quan điểm của người dân về vấn đề này “thoáng” hơn rất nhiều so với trước đây. Trong suy nghĩ của nhiều người tham gia cuộc thăm dò, đánh bạc không đơn thuần chỉ là tệ nạn xã hội mà còn là một loại hình kinh doanh kinh tế, thậm chí có người còn cho rằng đó cũng có thể là một hoạt động thuộc phạm trù “giải trí”.
Nhóm đã thực hiện nhiều cuộc điều tra xã hội học khác nhau. Kết quả khảo sát 427 người, thuộc nhiều thành phần sống ở nội, ngoại thành TPHCM (một người có thể chọn nhiều ý theo thiết kế của bảng câu hỏi) cho thấy: có 188 trường hợp cho rằng hoạt động đánh bạc là một hoạt động giải trí, 188 trường hợp trả lời đó là một sinh hoạt văn hóa của người Việt Nam, 44 trường hợp trả lời đó là một nghề kiếm sống. Vẫn còn 221 người cho rằng đây là hoạt động thiếu lành mạnh, có nguy cơ làm tăng tệ nạn xã hội. Rõ ràng ý kiến không “ác cảm” với đánh bạc gần gấp đôi số phản đối.
Nhận thức và quan điểm về hoạt động đánh bạc của những người được hỏi cũng thay đổi theo độ tuổi và trình độ nghề nghiệp. Chẳng hạn đối tượng càng lớn tuổi, càng ít cho rằng đánh bạc là một hoạt động thiếu lành mạnh, là một nguy cơ làm tăng tệ nạn xã hội. Những cuộc phỏng vấn sâu cho thấy nếu như trước đây quan niệm “cờ bạc là bác thằng bần” từng áp đảo trong quan điểm của những người trên 45 tuổi, thì nay dường như họ đã phần nào chấp nhận hay chí ít không coi sự hiện hữu của nó là một thứ “tội”.
Xem ra kinh nghiệm sống phải tránh xa cờ bạc mà người xưa từng đúc kết đã không còn được số đông áp đảo xem là chuẩn mực, đặc biệt là giới kinh doanh trong khảo sát nói trên. Trong 61 đối tượng được hỏi là các doanh nhân (có thể chọn nhiều ý), chỉ có 12 lựa chọn cho rằng đánh bạc là hoạt động thiếu lành mạnh, có nguy cơ làm tăng tệ nạn xã hội; nhưng có đến 77 lực chọn xem đây là hoạt động giải trí, sinh hoạt văn hóa hoặc hoạt động kinh tế. Một số doanh nhân còn cho rằng đánh bạc là hoạt động vàng trong ngành công nghiệp giải trí, việc công nhận hoạt động casino ở Việt Nam và xây dựng hành lang pháp lý phù hợp sẽ mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách. Hơn nữa, nguồn lợi kinh tế sẽ không phải chi từ nguồn của các casino (sòng bạc) mà còn từ các dịch vụ đi kèm khác.
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy giới lãnh đạo với giới trí thức vẫn còn giữ thái độ nghiêm khắc, cân nhắc về cái lợi và cái hại của hoạt động đánh bạc đối với xã hội. Trong 64 trí thức, văn nghệ sĩ được hỏi có đến 48 trường hợp xem đánh bạc là hoạt động thiếu lành mạnh, có nguy cơ làm tăng tệ nạn xã hội. Kết quả này ở nhóm lãnh đạo, có nguy cơ làm tăng tệ nạn xã hội. Kết quả ở nhóm lãnh đạo, quản lý là 43 trường hợp trên tổng số 56 người được hỏi. Theo ông Diệp, một số trí thức, khi trả lời phỏng vấn sâu cho biết họ nhìn thật rõ nguồn lợi kinh tế mà hoạt động đánh bạc mang lại và tệ nạn cần lên án vì nó không chỉ làm hại đến một người mà còn ảnh hưởng đến toàn xã hội trong bối cảnh phúc lợi và an sinh xã hội chưa được thiết lập phù hợp, Nhà nước chưa có các biện pháp khoa học để quản lý và giải quyết tốt các tệ nạn xã hội phát sinh từ hoạt động đánh bạc.
Châu Á thay đổi
Tuy nhiên một điều ai cũng biết là dù rằng những hệ lụy mà đánh bạc gây ra cho xã hội là rất lớn, nhưng đến bây giờ hình như chưa có một quốc gia nào có thể ngăn được hoạt động này. Đánh bạc không chỉ có sức hút ma lực với những ai đã lỡ vướng vào nó mà còn có sức quyến rũ mê hồn đối với chính phủ của nhiều quốc gia bởi nguồn tài chính mà ngành giải trí mang lại. Chấp nhận cho mở một dự án casino chính là đang xuất khẩu ngành dịch vụ giải trí tại chỗ. Người mê đỏ đen từ các nước láng giềng, nơi không có các sòng bạc hoặc không được phép vào chơi trong các sòng bài ở quốc gia của họ chắn chắc sẽ tìm đến. Ngược lại, không khai thác ngành dịch vụ này có nghĩa là chấp nhận nguồn thuế thu từ việc cấp giấy phép kinh doanh casino, cơ hội phát triển các ngành dịch vụ du lịch sẽ về tay những quốc gia cung ứng dịch vụ này. Đó là chưa kể, một phần thu nhập của những người mê đỏ đen trong nước đang được chuyển ra bên ngoài mà chính phủ không có cách gì giữ lại.
Các nhà xã hội học đã chỉ ra rằng xã hội càng phát triển, lớp người giàu ở châu Âu cũng như châu Á và các châu lục khác càng thích chi tiêu nhiều hơn cho nhu cầu giải trí, tiêu khiển khiển tại các casino cao cấp. Để đáp ứng nhu cầu này, trên thế giới đã có hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ cho phép kinh doanh casino và trò chơi điện tử có thưởng. Đánh bạc có vẻ như đã trở thành một nhu cầu giải trí của con người và ở nhiều nơi nó đã không còn thuộc phạm trù đạo đức để bị phán xét, cấm đoán như trước nữa.
Xu hướng này không chỉ đúng ở các nước phương Tây khi nhiều nước châu Á vì quyền lợi kinh tế quốc gia đã chấp nhận đánh đổi chứ không chịu bỏ qua cơ hội. Năm 2005, khi thảo luận về vấn đề ngân sách của Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long đã đề cập đến mô hình khu nghỉ dưỡng phức hợp (Integrated ressource-IR) trong đó có các sòng bạc và nhấn mạnh rằng nếu Singapore không thay đổi quốc gia này sẽ bị qua mặt trong một trật tự mới bởi các thành phố lớn đang tự làm mới mình. Sau khi Singapore không thay đổi quốc gia này sẽ bị qua mặt trong một trật tự mới bởi các thành phố lớn đang tự làm mới mình. Sau khi Singapore bãi bỏ lệnh cấm mở sòng bài, và không cấm cửa người bản xứ, Thủ tướng Thái Lan thời đó là Thanksin Shinawatra đã kêu gọi Quốc hội hợp pháp hóa ngành kinh doanh casino để phát triển kinh tế. Hai quốc gia khác là Malaysia và Indonesia cũng tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở casino hiện có…
Năm 2009, tạp chí National Geographic có một cuộc phỏng vấn với nguyên Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu về casino tại đảo quốc này. Khi ấy là Bộ trưởng cố vấn (Minister Mentor), ông Lý kể rằng ban đầu khi nghe những bộ trưởng trẻ trong nội các nói rằng Singapore phải có casino, ông phản đối ý tưởng này. “Tôi đã nói với Thủ tướng (Lý Hiển Long –NV), không, không thể làm điều đó vì casino sẽ mang lại tội phạm có tổ chức (mafia), rửa tiền cùng đủ loại tội phạm khác đến đây…”
Khi cây bút Mark Jacobson của tạp chí chấn vấn vì sao ông cấm tạp chí khiêu dâm Playboy trong khi lại cho phép mại dâm, ông Lý trả lời: “Đó là một phần của ngôi làng toàn cầu hóa và chúng ta phải thích nghi và sống (chấp nhận- NV) một đời sống đầy đủ mới thành công được!”.
Có lẽ chính ý tưởng trên đã làm ông Lý thay đổi quan điểm về Casino tại Singapore. “Tôi thấy nước Anh có casino, Thụy Sỹ có casino. Thế giới đã thay đổi rồi! Nếu chúng tôi không thay đổi, Singapore sẽ bị loại khỏi cuộc chơi…”, ông Lý nói.
Sự độc quyền của Macau ở châu Á nay đã lùi xa. Khi buộc phải tính toán giữa những tác động xã hội tiêu cực và những nguồn lợi mà ngành kinh doanh đánh bạc đem lại, những quốc gia từng bảo thủ không cho phép hợp pháp hóa casino đã phải cân nhắc sự thay đổi. Thậm chí cường quốc kinh tế thuộc loại hàng đầu thế giới là Nhật Bản trong bối cảnh kinh tế suy thoái đang xem lại vấn đề này, sau nhiều năm bàn thảo việc cho phép mở casino chưa ngã ngũ. Một bản tin của hãng thông tấn AFP cho biết có khả năng một bản dự thảo về hoạt động casino sẽ được trình lên quốc hội Nhật vào trước cuối năm nay.
Còn ở nước ta, những động thái gần đây của Chính phủ cho thấy xu hướng đang được cân nhắc. Các nhà hoạch định chính sách dường như đã nhận rõ thực trạng những năm gần đây về việc người Việt thử vận đỏ đen dưới nhiều hình thức, kể cả xuất ngoại, không còn là chuyện hiếm nữa.
Một kết quả điều tra xã hội học khác của nhóm nghiên cứu nói trên với 417 người sinh sống ở TPHCM cho thấy có đến 77,9% người cho rằng đối tượng tham gia hoạt động cờ bạc hiện nay tăng nhiều hơn so với 10 năm trước. Có đến 84,7% người cho rằng hoạt động đánh bạc ở TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung có xu hướng phát triển ngày càng mạnh mẽ, đa dạng và phức tạp.
Người xưa đã đúc kết “cờ bạc là bác thằng bần”. Nhưng người xưa cũng nhận xét “thương hải biến vi tang điền” (biển xanh biến thành ruộng dâu). Những gì là chân lý ngày xưa nay có thể không còn đúng nữa. Xã hội đã thay đổi và nhận thức của các nhà điều hành chích sách Việt Nam cũng đang thay đổi trong thời buổi toàn cầu của kinh tế thị trưởng đầy biến động ngày nay.
(Thời báo Kinh Tế Sài Gòn)