Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng » Quốc tế » Chính trị gia Trung Quốc kêu gọi đàm phán với Nhật

Cố vấn chính trị hàng đầu Trung Quốc – ông Jia Qinglin hôm qua (16/1) đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc và Nhật Bản nên giải quyết cuộc tranh chấp quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông thông qua đối thoại và tham vấn. Phải chăng Bắc Kinh bắt đầu dịu giọng sau cuộc đối đầu căng thẳng và đáng lo ngại với Tokyo ở vùng biển tranh chấp?


“Hai bên nên xử lý cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư một cách hợp lý nhằm đảm bảo rằng mối quan hệ song phương Trung-Nhật tiếp tục được duy trì trên con đường phát triển ổn định và lành mạnh”, ông Jia – Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia, Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) – cơ quan tư vấn chính trị hàng đầu của Trung Quốc, đã nói như vậy trong cuộc họp với cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama.

Ông Jia Qinglin (bên phải) trong cuộc gặp với cựu Thủ tướng Nhật Bản Hatoyama ở Bắc Kinh

Ông Jia Qinglin (bên phải) trong cuộc gặp với cựu Thủ tướng Nhật Bản Hatoyama ở Bắc Kinh

Ông Jia Qinglin cho rằng, mối quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Nhật Bản sẽ đem lại lợi ích căn bản và then chốt cho cả hai bên cũng như toàn khu vực và cộng đồng quốc tế.

Trung Quốc coi trọng mối quan hệ với Nhật Bản và sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm phát triển mối quan hệ song phương phù hợp với những thoả thuận mà hai nước ký kết trước đó, Chủ tịch CPPCC cho biết thêm.

Trong khi đó, cựu Thủ tướng Nhật Bản Hatoyama nói rằng, Tokoy cần hợp tác với Bắc Kinh trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu cũng như củng cố mối quan hệ hợp tác ở khu vực Đông Á. Cùng quan điểm với ông Jia, ông Hatoyam cho biết, những khó khăn hiện nay trong quan hệ song phương Trung-Nhật nên được giải quyết thông qua đối thoại, đàm phán.

Ông Hatoyama đang có chuyến thăm kéo dài 4 ngày đến Nhật Bản. Cựu Thủ tướng Hatoyam là một nhân vật chính khách nổi bật trong Đảng Dân chủ đối lập Nhật Bản. Tuy ông Hatoyama không đại diện cho chính phủ mới ở Tokyo nhưng Trung Quốc cũng hy vọng thông qua vị chính khách này để giải quyết mối quan hệ căng thẳng hiện nay với Nhật Bản.

Trung Quốc và Nhật Bản đang rơi vào một cuộc khủng hoảng ngoại giao cực kỳ trầm trọng vì tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Đông. Bắc Kinh liên tiếp có những bước đi lấn tới trong việc “khẳng định chủ quyền” đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang nằm trong sự quản lý của Nhật Bản. Tokyo cũng quyết không lùi bước, đáp trả một cách quyết liệt. Người ta đang lo ngại về viễn cảnh nổ ra xung đột quân sự giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á.

Với những phát biểu mới nhất của cố vấn chính trị hàng đầu Trung Quốc, nhiều người đang tự hỏi, liệu có phải Bắc Kinh đã bắt đầu dịu giọng trong vấn đề tranh chấp biển đảo sau những bước đi đầy lo ngại ở biển Hoa Đông vừa rồi?

Tuy nhiên, câu hỏi trên rất khó trả lời bởi song song với những phát biểu dịu giọng, Trung Quốc vẫn có những tuyên bố đầy cứng rắn. Cùng ngày ông Jia kêu gọi đối thoại, đàm phán với Tokyo, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã lên tiếng khẳng định, Bắc Kinh tiếp tục cảnh giác cao độ trước những “hành động làm leo thang căng thẳng” ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư của Nhật Bản gần đây.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori o­nodera hôm 15/1 bày tỏ lập trường sẽ xử lý các cuộc xâm nhập vào không phận trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư của máy bay Trung Quốc theo các tiêu chuẩn quốc tế, phát ngôn viên Hồng Lỗi cho biết: “Trung Quốc rất chú ý đến những thông tin có liên quan. Các cuộc tuần tra công khai của tàu thuyền và máy bay Trung Quốc ở vùng nước và vùng không phận thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là một hoạt động thực hiện nhiệm vụ bình thường nhằm thực thi quyền tài phán ở đây”.

Ông Hồng Lỗi đã nhắc lại lập trường phản đối của Bắc Kinh đối với việc “tàu thuyền và máy bay Nhật Bản đi vào vùng lãnh hải và không phận ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư”.

Kể từ sau khi Tokyo mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ tay  một người chủ sở hữu tư nhân hồi tháng 9 năm ngoái, Trung Quốc đã hàng chục lần đưa tàu thuyền ra vào vùng tranh chấp. Sau những cuộc vờn đuổi, gầm ghè nhau của tàu thuyền hai nước Trung-Nhật ở dưới biển, Trung Quốc đã có một bước đi leo thang mới khi đưa máy bay tiếp cận quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, trong đó có cả máy bay quân sự.

KL (BVNMO)

Kết bạn với Thủ tướng trên Facebook
Thích và chia sẻ bài này trên Facebook
Tags:
Share on Link Hay! Share on Facebook! Tweet This!

Hiện chưa có phản hồi nào.

Gửi phản hồi

  • Tổng bí thư

    Nguyễn Phú Trọng

  • Chủ tịch nước

    Trương Tấn Sang

  • Chủ tịch Quốc hội

    Nguyễn Sinh Hùng

  • Biển đảo Việt Nam

    Trường sa - Hoàng sa