NHỮNG VẤN ĐỀ ẢNH HƯỞNG AN NINH QUỐC GIA MỸ ĐẾN TỪ CÁC
DOANH NGHIỆP VIỄN THÔNG TRUNG QUỐC – HUAWEI VÀ ZTE
Phần 15: Huawei không khẳng định được độc lập về tài chính với Chính phủ Trung Quốc
Huawei đã không trả lời các câu hỏi quan trọng cũng như không cung cấp các tài liệu nhằm làm rõ khẳng định độc lập về tài chính với Chính phủ Trung Quốc
Là một công ty giữ vị trí chiến lược quan trọng tại Trung Quốc, tầm cỡ của Huawei sẽ được phản ánh qua mức hỗ trợ về tài chính và chỉ đạo từ Chính phủ hay Đảng Cộng sản Trung Quốc. Một cách để xem xét chính sách hỗ trợ cũng như chỉ đạo từ phía nhà nước là thông qua các nguồn tài chính mà công ty nhận được. Nhiều chuyên gia và các doanh nghiệp viễn thông cho biết Huawei bán phá giá các sản phẩm trên thị trường. Vì vậy, Ủy ban đã tìm thêm thông tin về tài chính của Huawei, bao gồm cả thông tin tài chính của các khách hàng có liên quan. Các thông tin thu thập được sẽ cung cấp nhiều thông tin hơn về cơ cấu tài chính của một doanh nghiệp mà phần lớn vẫn đang bị che giấu.
Tại phiên điều trần của Ủy ban, ông Ding cho biết, ông không hiểu và cũng không có bất cứ khái niệm nào về thuật ngữ “doanh nghiệp độc tôn” (“national champion”) được gán cho các công ty Trung Quốc trong tất cả các tài liệu kinh tế của đất nước này. Ủy ban cho rằng, việc ông Ding không nắm được ý nghĩa của cụm từ trên là dối trá. Trong một bài thuyết trình vào tháng 11/2011 trước Capitol Hill, chính Huawei đã nhiều lần sử dụng thuật ngữ “doanh nghiệp độc tôn”. Để trả lời cho Ủy ban về việc nhiều lần sử dụng thuật ngữ trên, Huawei đã không phủ nhận đã từng sử dụng các tài liệu cũng như cung cấp các tài liệu có chứa thuật ngữ trên. Chính xác hơn, Huawei tuyên bố rằng nội dung của slide đặc biệt trên nằm trong một tài liệu dài và quan trọng của Huawei, được một bên thứ ba viết ra, do đó, không thuộc trách nhiệm của Huawei. Ủy ban cũng tìm ra rằng, những kiến thức được Huawei chọn lọc từ các tài liệu để sử dụng trong những cuộc thảo luận với các đại diện nước Mỹ cũng đủ cho thấy rằng Huawei nắm rõ ý nghĩa của thuật ngữ trên. Việc từ chối trả lời câu hỏi về việc công ty nào được coi là “doanh nghiệp độc tôn” trong lĩnh vực viễn thông quốc tế đã chứng minh cho sự bế tắc của ông Ding. Trong thực tế, câu trả lời của ông với Ủy ban là như sau “Trước đây, Huawei đã không quan tâm đến ý nghĩa của thuật ngữ ‘doanh nghiệp độc tôn’, câu trả lời trên rõ ràng không đúng sự thật khi công ty Huawei đã nhiều lần sử dụng thuật ngữ này trong những tài liệu thuyết trình trước đây. Hơn nữa, câu trả lời của ông cho thấy ông không muốn giải thích làm thế nào Huawei nhanh chóng trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông số một tại Trung Quốc, nhưng lại không phải một công ty có tầm quan trọng chiến lược của chính phủ, như nhiều cả thế giới nhìn nhận.
Các quan chức Huawei cũng phủ nhận việc họ nhận các ưu đãi và hỗ trợ tài chính đặc biệt từ Chính phủ Trung Quốc. Huawei tuyên bố rằng công ty chỉ đơn giản là tận dụng các cơ hội của các ngân hàng nhà nước tại Trung Quốc, nhưng không tìm cách gây ảnh hưởng hay hợp tác với các ngân hàng này, ví dụ như Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, Ngân hàng Xuất Nhập khẩu, cả hai đều thuộc quyền kiểm soát của chính phủ. Trong một bài thuyết trình mới đây, Huawei cho biết, hoạt động kinh doanh của Huawei đóng vai trò như một “cầu nối và trung gian” giữa các tổ chức tài chính nhà nước với khách hàng. Tuy nhiên, Huawei đã từ chối trả lời chi tiết và chính xác hơn về cách thức phát triển hoạt động tín dụng. Huawei cũng từ chối cung cấp thông tin về mối quan hệ chính thức với các ngân hàng nhà nước, mà chỉ trả lời rằng nó duy trì “mối quan hệ kinh doanh bình thường” với Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc.
Trong phiên điều trần với Ủy ban vào tháng 02/2012, Huawei đã trình bày một danh sách Bản ghi nhớ về các Thỏa thuận (the Memoranda of Understanding – MOUs), trong đó, Huawei tuyên bố đã ký kết với một số ngân hàng Trung Quốc về việc giao dịch tín dụng cho khách hàng của mình. Huawei thừa nhận rằng, tổng trị giá tín dụng của các khách hàng Huawei lên đến 100 tỷ USD, nhưng Huawei khẳng định chỉ có khoảng 5,867 tỷ USD đã được rút ra từ năm 2005 đến năm 2011. Hơn nữa, trong văn bản trả lời của mình, Huawei đã chỉ ra rằng đây là một “cơ hội tài chính dành cho khách hàng chứ không phục vụ riêng cho Huawei”. Tuy nhiên, Huawei cũng từng giải thích trong cuộc họp với Ủy ban điều tra vào ngày 23/02/2012 rằng, mục tiêu của các khoản tín dụng khổng lồ trên nhằm giúp Trung Quốc có một “sự xuất hiện ấn tượng” và “Huawei phải tham gia hoặc sẽ không nhận được khoản vay nào từ phía ngân hàng nhà nước. Trong khi phải đối phó với các câu hỏi liên tục đặt ra và những yêu cầu về tài liệu có liên quan, Huawei đã thất bại khi cung cấp các văn bản giải thích về các lợi nhuận Huawei thu nhận được từ những thỏa thuận tài chính, và cũng chưa cung cấp được các tài liệu nội bộ hay bất kỳ thông tin nào giúp giải trình về phạm vi và quá trình diễn ra các hoạt động tài trợ này.
Tương tự, Huawei cũng đã từ chối cung cấp chi tiết về các mối quan hệ hợp tác với các ngân hàng trực thuộc chính phủ. Điển hình là tuyên bố của ông Ding về việc Huawei nhận được các thỏa thuận cho vay từ 10 ngân hàng Trung Quốc, tuy nhiên, ông từ chối trả lời có bao nhiêu ngân hàng trong số đó thuộc quyền quản lý của nhà nước.14 Như đã mô tả trong phần trước, Huawei cũng từ chối cung cấp thêm các “chi tiết về các mối quan hệ với công ty tư vấn” do không muốn gây ảnh hưởng đến “các thông tin nhạy cảm và độc quyền” theo điều khoản trong thỏa thuận. Liên quan đến các câu hỏi đặt ra cho Huawei về việc sự tăng trưởng và thành công trong kinh doanh của Huawei có sự hỗ trợ đặc biệt từ phía Chính phủ Trung Quốc, đại diện Huawei đã trả lời với Ủy ban rằng chính sự hợp tác với các công ty tư vấn và lời khuyên do các công ty này cung cấp là nguồn gốc cho thành công trên toàn cầu của công ty. Do Huawei từ chối cung cấp chi tiết về các mối quan hệ với công ty tư vấn, Ủy ban không thể xác định nguồn gốc thông tin trên có chính xác hay không. Do đó, Ủy ban quyết định gạt bỏ vai trò của các công ty tư vấn và tiếp tục triển khai điều tra về sự hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc dành cho Huawei.
Tóm lại, Huawei đã thừa nhận rằng khách hàng của Huawei nhận được hàng tỷ USD hỗ trợ từ phía các ngân hàng nhà nước Trung Quốc và chính Huawei cũng nhận được những khoản vay ưu đãi trong nhiều năm qua. Huawei từ chối cung cấp câu trả lời trực tiếp về cách thức bảo đảm cho chính sách hỗ trợ trên, cũng không cung cấp các tài liệu hoặc hồ sơ tài chính cho phép Ủy ban xác minh lời khẳng định của Huawei về việc các thỏa thuận giữa Huawei và các ngân hàng có được thực hiện theo quy định và tiêu chuẩn của hiệp định thương mại quốc tế hay không. Những lời tuyên bố và phát biểu do các nhà điều hành Huawei lần lượt cung cấp đã làm gia tăng những nghi ngờ cho Ủy ban về nguồn tài chính của công ty. Ví dụ, trong một tuyên bố vào tháng 06/2007, một nhân viên làm việc cho Huawei chi nhánh tại Anh, ông Ren cho biết, ông đánh giá cao những nỗ lực của các công ty con để tạo ra các báo cáo tài chính “cho dù dữ liệu có chính xác hay không”. Dựa trên những thông tin sẵn có, Ủy ban tìm thấy các thông tin cho biết Huawei nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ Chính phủ Trung Quốc và các ngân hàng nhà nước, đây là hỗ trợ chủ yếu giúp Huawei đạt được vị trí hiện nay trên thị trường quốc tế.
nguyentandung.org lược dịch (Nguồn Intelligence House)
Hiện chưa có phản hồi nào.