Trung tâm chống Tội phạm mạng mới của Châu Âu (EC3) đã chính thức ra mắt vào ngày 11/01/2013 tại trụ sở cơ quan thực thi pháp luật Châu Âu – Europol – La Haye (Hà Lan), tuy nhiên việc ra mắt Trung tâm đã đặt ra nhiều mối quan tâm trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân đối với người dân Châu Âu. Trả lời phỏng vấn ngày 09/01/2013 tại Brussels, Giám đốc EC3 – ông Troels Oerting cho biết, nhiệm vụ của Trung tâm là ngăn chặn tội phạm mạng tấn công vào các hệ thống thông tin và cơ sở hạ tầng xung yếu của các nước thành viên, cũng như chống lại tội phạm gian lận – lừa đảo trực tuyến, xác định các hành vi trộm cắp và lạm dụng tình dục trẻ em.
Bên cạnh đó, Oerting cho biết, EC3 sẽ hợp tác chặt chẽ với các hãng công nghệ Microsoft, Google, Twitter cùng các cơ quan Châu Âu trong cuộc chiến chống tội phạm mạng. Tuy nhiên, một số nhóm về quyền riêng tư lo ngại khả năng EU sẽ thất bại trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân người dân, và nguy cơ mất chủ quyền dữ liệu khi bỏ qua việc xem Mỹ là mối đe dọa tiềm tàng đối với các dữ liệu riêng tư.
Được biết, vào tháng 12/2012, Tổng thống Mỹ đã ký lệnh gia hạn Đạo luật Giám sát Tình báo nước ngoài (FISAA) thêm 5 năm, buộc các công ty Mỹ đang lưu trữ thông tin cá nhân của công dân các nước trên các đám mây phải bàn giao các dữ liệu này khi được yêu cầu, bất chấp luật pháp bảo vệ dữ liệu của EU.
Một nghiên cứu gần đây của Nghị viện Châu Âu cũng lưu ý rằng, trong khuôn khổ đạo luật FISAA, chính phủ Mỹ hoàn toàn có quyền giám sát dữ liệu của người dân nước ngoài lưu trữ trên các đám mây tại Mỹ. Trước việc tăng cao các mối lo ngại, ông Troels Oerting khẳng định, EC3 sẽ không thỏa hiệp với đạo luật đặc biệt này và chỉ hỗ trợ cung cấp thông tin cho các nước thành viên. Tuy nhiên, Oerting khuyên người dân Châu Âu nên cẩn thận lựa chọn trước khi quyết định nơi lưu trữ dữ liệu cá nhân nhằm tránh các nguy cơ bị xâm phạm thông tin.
trandaiquang.net lược dịch (Nguồn: EU Observer)
Hiện chưa có phản hồi nào.