Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng » Thời sự » Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ

Sáng nay (8/7), tại Trung tâm Văn hoá Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, MTTQ Việt Nam và tỉnh Bắc Ninh tổ chức trọng thể Lễ mít tinh kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912 – 9/7/2012).

Dự lễ kỷ niệm có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm; các đồng chí là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Bộ, ngành, các tướng lĩnh quân đội, bà mẹ Việt Nam Anh hùng và đông đảo nhân dân tỉnh Bắc Ninh…

Đại biểu tham dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ

Đại biểu tham dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi lẵng hoa chúc mừng.

Trước đó, đầu giờ sáng nay, đoàn đại biểu dự lễ kỷ niệm đã đến dâng hương và cắt băng khánh thành Nhà tưởng niệm cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ tại làng Phù Khê, huyện Từ Sơn.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ những cống hiến to lớn và sự hy sinh oanh liệt của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ góp phần làm rạng danh Tổ quốc, dân tộc, tô thắm thêm lịch sử và truyền thống vẻ vang của Đảng.

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một tấm gương tiêu biểu về tinh thần tự học tập, rèn luyện và trưởng thành qua thực tiễn cách mạng. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ có tư duy lý luận sắc sảo, sáng tạo; nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn được đồng chí giải quyết một cách nhuần nhuyễn, phù hợp với thực tế khách quan.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã có những quyết định đúng đắn, quan trọng, góp phần chuyển hướng chiến lược của cách mạng nước ta ở những thời điểm lịch sử. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng, cho lý tưởng cao đẹp của Đảng và nhân dân, toàn bộ cuộc đời đồng chí là một mẫu mực về phẩm chất cao quý của người cộng sản.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một tấm gương sáng về sự gắn bó máu thịt với nhân dân. Bất kỳ ở đâu, giữa những người công nhân, phu mỏ hay bà con nông dân tận miệt vườn Nam Bộ, khi đi “vô sản hoá”, khi mới chỉ là đảng viên, hay khi đã trở thành Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí luôn hoà mình với quần chúng, học hỏi và tổ chức, động viên quần chúng tham gia cách mạng.

Đồng chí luôn giữ nghiêm chế độ sinh hoạt và kỷ luật của Đảng; tìm mọi cách bảo vệ Đảng, bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng; dùng tự phê bình và phê bình để làm trong sạch Đảng, bảo đảm cho Đảng thống nhất về tư tưởng, chính trị, tổ chức, bằng uy tín đạo đức, trí tuệ giữ được vai trò tiên phong; cán bộ, đảng viên không ngừng hoàn thiện về nhân cách, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân.

Trong 13 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ nhiều lần bị thực dân Pháp bắt, giam cầm, tra tấn rất dã man, tàn bạo, nhưng đồng chí luôn nêu cao tinh thần kiên trung, bất khuất. Khi bị giải ra pháp trường, trước họng súng kẻ thù, đồng chí vẫn hiên ngang tỏ rõ khí phách của người cộng sản.

Những khẩu hiệu cách mạng mà Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và các đồng chí của mình hô vang trước lúc bị giặc Pháp xử bắn vào rạng sáng 28/8/1941 còn vang vọng mãi đến hôm nay, thúc giục, động viên chúng ta vươn lên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tấm gương hy sinh lẫm liệt của đồng chí Nguyễn Văn Cừ mãi mãi là niềm tự hào của Đảng Cộng sản và dân tộc Việt Nam.

Tổng Bí thư chỉ rõ, nhận thức rõ vai trò quyết định của sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và công tác xây dựng Đảng đối với sự nghiệp cách mạng nước ta trong giai đoạn mới, Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung Đảng khoá XI đã ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Để thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 kết hợp với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, mỗi cán bộ, đảng viên cần thấm nhuần quan điểm tự phê bình và phê bình của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ.

Trong tác phẩm Tự chỉ trích, đồng chí Nguyễn Văn Cừ cho rằng, đối với một đảng chính trị, việc mắc phải khuyết điểm, thậm chí sai lầm là khó tránh khỏi. Điều quan trọng là phải biết tự phê bình, “công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những lỗi lẫm của mình và tìm phương châm sửa đổi… để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng, để cho Đảng càng được thống nhất và củng cố, để đưa phong trào phát triển lên, đưa cách mạng tới thắng lợi; chứ không phải đặt cá nhân mình lên trên Đảng… Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định “những tư tưởng đó của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đến nay vẫn còn nguyên giá trị”.

Tổng Bí thư chỉ rõ, học tập tấm gương đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh chính trị và tư duy sáng tạo của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, chúng ta nguyện nêu cao ý chí cách mạng, tự giác phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người cộng sản, kiên trì học tập, nâng cao nhận thức, trình độ mọi mặt, tích cực hoạt động thực tiễn, đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng và nhân dân lên trên lợi ích cá nhân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc.

Học tập và noi gương đồng chí Nguyễn Văn Cừ, chúng ta đẩy mạnh việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tệ quan liêu, tham nhũng, bè phái, cục bộ, những thói hư tật xấu; xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân, lãnh đạo toàn dân ra sức thi đua đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước trên con đường xã hội chủ nghĩa./.

Đặng Linh-Hữu Tiến/VOV-Trung tâm tin


Mạng chia sẻ:

Hiện chưa có phản hồi nào.

Gửi phản hồi

  • Tổng bí thư

    Nguyễn Phú Trọng

  • Chủ tịch nước

    Trương Tấn Sang

  • Chủ tịch Quốc hội

    Nguyễn Sinh Hùng

  • Biển đảo Việt Nam

    Trường sa - Hoàng sa