Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng » Kinh tế - Chính trị - Xã hội » Sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng là cần thiết

Chiều 18/9, Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã tạo lập khung pháp lý quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của các tổ chức Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động và đạt được những kết quả bước đầu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức đơn vị; xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức đã phát huy tác dụng, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn và kiềm chế tham nhũng trên một số lĩnh vực quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, qua sơ kết triển khai thực hiện, nhiều quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cũng như chủ trương, quan điểm chỉ đạo trong nghị quyết, văn kiện của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng và các yêu cầu trong những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Quan điểm, nguyên tắc sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng theo hướng củng cố, nâng cao hiệu quả của các quy định về phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng và coi đây là nhiệm vụ then chốt, nhất là việc đẩy mạnh công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan nhà nước, gắn với các biện pháp nâng cao trách nhiệm giải trình của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Dự án Luật sửa đổi liên quan tới các nội dung như tăng cường công khai, minh bạch trong các lĩnh vực quản lý, nhất là lĩnh vực ngân sách nhà nước (bao gồm cả thu chi và phân bổ ngân sách); quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản; quản lý tập đoàn, tổng công ty nhà nước; việc tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động, quản lý cán bộ; quy định cụ thể hơn trong việc thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập theo hướng từng bước mở rộng diện kê khai, tăng cường công khai bản kê khai tài sản, thu nhập và trách nhiệm giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm và một số vấn đề khác…Dự án Luật sửa đổi gồm 8 chương và 110 điều.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật của Ủy ban Tư pháp tán thành với đề nghị của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng trên cơ sở tổng kết, đánh giá một cách kỹ lưỡng, sâu sắc việc thi hành Luật phòng, chống tham nhũng trong 6 năm qua.

Thảo luận về công khai bản kê khai tài sản, thu nhập (Điều 52), loại ý kiến thứ nhất cho rằng, Luật sửa đổi chỉ nên quy định việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại nơi người có nghĩa vụ kê khai thường xuyên làm việc, công tác. Loại ý kiến thứ hai đề nghị để thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa X), cần quy định việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại cả nơi người có nghĩa vụ kê khai thường xuyên làm việc, công tác và nơi cư trú.

Theo dự án luật, trước mắt nên thực hiện việc công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người kê khai thường xuyên làm việc. Sau một thời gian nhất định sẽ tổ chức đánh giá hiệu quả của việc công khai này rồi mới thực hiện việc công khai tại nơi cư trú. Mặt khác, việc công khai tại nơi cư trú cần phải được quy định rất chặt chẽ, tránh lạm dụng vào các mục đích tiêu cực.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đánh giá quy định như dự án luận vẫn còn mang tình hình thức. Đại biểu nhấn mạnh điều quan trọng trong kê khai tài sản là phải kiểm soát được nguồn thu nhập.

Quy định về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập (Điều 48), Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước tán thành với nội dung dự án luật, đối tượng kê khai tài sản, thu nhập bao gồm người có nghĩa vụ kê khai theo quy định hiện hành, đồng thời bổ sung thêm những cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên. Qua tổng kết 05 năm triển khai Luật Phòng, chống tham nhũng cho thấy, việc thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập chưa đi vào thực chất.

Để khắc phục tình trạng này, trước mắt mở rộng từng bước về diện đối tượng có nghĩa vụ kê khai, nhưng quan trọng là phải có các biện pháp tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả hơn, trách hình thức. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng chưa nên mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, “cần đảm bảo thực chất trong việc này”- Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Về vai trò và trách nhiệm của báo chí, Khoản 4, Điều 101 dự án luật quy định: “Cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng”. Một số ý kiến tán thành với cơ quan thẩm tra cho rằng, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh tùy tiện trong việc yêu cầu báo chí, phóng viên cung cấp thông tin về tham nhũng và phòng, chống tham nhũng thì cần quy định ngay trong dự án luật về cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin cũng như những loại thông tin, tài liệu mà báo chí, phóng viên có nghĩa vụ phải cung cấp khi có yêu cầu.

Tại phiên họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội tập trung phân tích, đánh giá về phạm vi sửa đổi, tính khả thi của dự án luật; quy định về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng./.

Quỳnh Hoa (TTXVN)


Tags:
Mạng chia sẻ:

Hiện chưa có phản hồi nào.

Gửi phản hồi

  • Tổng bí thư

    Nguyễn Phú Trọng

  • Chủ tịch nước

    Trương Tấn Sang

  • Chủ tịch Quốc hội

    Nguyễn Sinh Hùng

  • Biển đảo Việt Nam

    Trường sa - Hoàng sa