• Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp các nhà lãnh đạo tham dự ASEM 9 | 05/11/2012
  • Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: ASEM cần tạo động lực mới cho hợp tác kinh tế | 05/11/2012
  • Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Lào | 04/11/2012
Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng » Thời sự » Khai mạc phiên họp thứ 12, UBTV Quốc Hội khóa XIII

Chiều 5/10, Phiên họp thứ 12, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII đã khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh đây là phiên họp quan trọng để chuẩn bị cho kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII. Theo dự kiến Chương trình, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về việc chuẩn bị trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi); cho ý kiến về tờ trình Quốc hội về Nghị quyết về quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Một nội dung quan trọng khác, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về: tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2012; phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2013; cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2012 của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao; Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2012.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian thực hiện và nguồn lực cụ thể của các dự án thành phần thuộc từng Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 và phương án phân bổ Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2013-2015; thảo luận, cho ý kiến về năm dự án Luật và thảo luận một số nội dung quan trọng khác.

Ngay sau khai mạc, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật việc làm.

Tờ trình dự án Luật nêu rõ sự cần thiết ban hành Luật việc làm, trong đó nhấn mạnh việc làm là một trong những nhu cầu cơ bản của người lao động để bảo đảm cuộc sống và phát triển toàn diện. Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề, Hiến pháp năm 1992 đã quy định “Nhà nước và xã hội có kế hoạch tạo ngày càng nhiều việc làm cho người lao động.”

Theo đó, Bộ Luật lao động, Luật bảo hiểm xã hội (năm 2006), Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (năm 2006), Luật Dạy nghề (năm 2006)… và các văn bản hướng dẫn thi hành luật bước đầu đã điều chỉnh một số nội dung trong quan hệ xã hội về việc làm.

Các quy định này bước đầu đã tạo hành lang pháp lý cho các quan hệ xã hội về việc làm, thị trường lao động phát triển theo các quy luật của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần tạo ngày càng nhiều việc làm và giảm tỷ lệ thất nghiệp. Tuy nhiên, cùng với sự hình thành và phát triển thị trường lao động trong nền kinh tế thị trường, các quan hệ xã hội về việc làm ngày càng phát triển đa dạng và linh hoạt hơn, vì vậy thực hiện chính sách pháp luật về việc làm đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, ngoài ra còn có một số vấn đề mới về việc làm phát sinh cần được pháp luật điều chỉnh.

Theo dự án, Luật việc làm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội về việc làm bao gồm cả việc làm khu vực chính thức, khu vực phi chính thức; việc làm của những người lao động tự do, những người tự làm; việc làm trong và ngoài nước.

Luật việc làm quy định về bảy nhóm vấn đề lớn của việc làm: phát triển việc làm; thông tin thị trường lao động; quản lý lực lượng lao động; phát triển kỹ năng nghề; dịch vụ việc làm; tuyển, đăng ký sử dụng lao động; bảo hiểm việc làm.

Luật việc làm áp dụng đối với ba nhóm đối tượng, đó là: người lao động Việt Nam là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, đang có việc làm hoặc không có việc làm nhưng có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc; người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân sử dụng lao động có liên quan đến việc làm. Dự thảo Luật Việc làm gồm 9 chương và 112 điều.

Thảo luận về dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển cùng đánh giá dự án Luật việc làm liên quan đến nhiều văn bản luật khác rất quan trọng như luật lao động, bảo hiểm xã hội, các quy định về giáo dục…Vì vậy, ban soạn thảo cần rà soát để có sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật, tránh sự chồng chéo.

Nhiều ý kiến cho rằng dự án Luật còn có một số quy định chung chung, chưa rõ ràng, cụ thể nên ban soạn thảo cần nghiên cứu để cụ thể hóa; đồng thời đảm bảo chủ trương thực hiện cải cách hành chính.

Bàn về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án Luật, có ý kiến cho rằng cần thu hẹp đối tượng áp dụng, dự án luật việc làm chỉ nên tập trung vào điều chỉnh việc làm của nhóm lao động chính thức và nhóm lao động phi chính thức trong nước; nhóm lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã có Luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhóm lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã quy định trong Bộ Luật lao động và nhóm này nếu đưa vào dự án Luật việc làm cũng không phù hợp.

Một số ý kiến đánh giá chính sách bảo hiểm việc làm quy định trong dự thảo Luật theo hướng là chính sách thị trường lao động chủ động, được kế thừa và phát triển từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp, mở rộng chính sách hỗ trợ không chỉ đối với người lao động đã bị thất nghiệp mà còn đối với người lao động đang làm việc và các doanh nghiệp để duy trì sự ổn định, phát triển doanh nghiệp và duy trì việc làm cho người lao động, đảm bảo tốt hơn chính sách an sinh xã hội ở góc độ phòng ngừa rủi ro cho người lao động.

Tại phiên họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến v ề chính sách phát triển việc làm; phát triển kỹ năng nghề; tổ chức hoạt động dịch vụ việc làm…

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị ban soạn thảo, trên cơ sở các ý kiến đóng góp của Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục tiếp thu để hoàn thiện dự án Luật.

Ngày mai, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục làm việc theo Chương trình./.

Quỳnh Hoa (TTXVN)


Mạng chia sẻ:

Hiện chưa có phản hồi nào.

Gửi phản hồi

  • Tổng bí thư

    Nguyễn Phú Trọng

  • Chủ tịch nước

    Trương Tấn Sang

  • Chủ tịch Quốc hội

    Nguyễn Sinh Hùng

  • Biển đảo Việt Nam

    Trường sa - Hoàng sa