Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương IV (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 chỉ rõ: Phải phấn đấu để Việt Nam trở thành quốc gia mạnh lên từ biển, giàu lên từ biển. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để thực hiện chủ trương này? Mới đây, một cuộc toạ đàm trực tuyến giữa Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Bộ NN&PTNN và UBND tỉnh Phú Yên đã được tổ chức tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Cuộc toạ đàm có thể gợi mở một số giải pháp cho vấn đề này.
Từ con tôm hùm đến đánh bắt xa bờ
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên cho biết tỉnh này có chiều dài bờ biển khoảng 190km, có nhiều vũng vịnh nước sâu, kín gió, diện tích lớn, môi trường sinh thái tốt và nguồn giống tôm hùm tự nhiên dồi dào. Nghề nuôi tôm hùm lồng đã giúp nhiều ngư dân thoát nghèo, có hộ vươn lên làm giàu. Giá trị khai thác và nuôi trổng thủy hải sản ở đây chiếm 30% giá trị sản xuất nông lâm ngư toàn tỉnh. Tuy nhiên, ngay chính tại tỉnh Phú Yên cũng đã có lần “dính” thất bại, tôm chết hàng loạt do dịch bệnh. Ông Phương cho biết: Năm 2007 ở đây xuất hiện bệnh đen thân đỏ mang, bệnh sữa. Khắc phục chưa được bao lâu, đến năm 2011 thì được mùa lớn dẫn đến việc người dân phát triển nuôi ồ ạt và gây bùng phát bệnh cũ trong năm nay. “Cái khó nhất là khâu quản lý, thực hiện quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản. Vấn đề này cũng cần sự đồng thuận của người dân…” – Ông Nguyễn Ngọc Oai, Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Bộ NN&PTNN chia sẻ.
Thức ăn cho tôm hùm là các loài thủy sản ven bờ. Nếu phát triển nghề nuôi tôm hùm thì sẽ có thể dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn thủy sản ven bờ vì đến nay chúng ta vẫn chưa sản xuất được thức ăn công nghiệp. Để giải quyết vấn đề này, theo ông Oai, không có cách nào khác là phải phát triển mạnh đánh bắt cá, nhất là đánh bắt xa bờ. Ông cho biết: Hiện thủy sản nước ta có 126 nghìn tàu cá với 700 nghìn ngư dân, vừa đảm bảo phát triển kinh tế vừa tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh trên biển, khai thác hơn 2 triệu tấn hải sản hàng năm. Trong đó, lượng cá tạp dùng làm thức ăn nuôi tôm hùm và chế biến bột cá làm thức ăn gia súc khoảng 550-600 nghìn tấn. Riêng các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có khoảng 56 nghìn tàu cá, sản lượng trên 600 nghìn tấn, trong đó có 150 nghìn tấn cá tạp. Phú Yên có trên 7.000 tàu cá, khai thác hơn 40 nghìn tấn, cá tạp khoảng 10 ngàn tấn.
Đầu tư để làm chủ ngư trường
Phú Yên hiện có hơn 90% số lượng tàu thuyền toàn tỉnh tập trung đánh bắt gần bờ; trong đó có 4.700 tàu thuyền có công suất dưới 20CV. Theo ông Nguyễn Ngọc Ẩn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, trước mắt, tỉnh tập trung phát triển khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ để chuyển ngư dân sang công thương nghiệp là chính. Hiện tỉnh có 3 khu kinh tế Nam Phú Yên để có thể giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Năm 2010 HĐND tỉnh có Nghị quyết 155 để đào tạo 20.000-30.000 lao động để chuyển đổi nghề mỗi năm. Ông Ẩn đưa ra 3 mô hình chuyển đổi sinh kế: Một là từ nghề sang nghề, như từ khai thác chuyển sang nuôi trồng, hoặc từ khai thác gần bờ sang xa bờ… Bài toán đặt ra trong mô hình này với chính quyền là phải có cơ chế để giải quyết vấn đề vốn. Mô hình thứ hai là dựa vào đất, tức là người nuôi trồng thuỷ sản tự nguyện chuyển đổi nghề thì chính quyền phải bố trí đất cho họ sản xuất, kinh doanh. Khó khăn là trong mô hình này là quỹ đất không còn nhiều. Mô hình thứ ba là phi nông nghiệp hoá, tức là qua đào tạo để giúp người dân rời nghề biển, làm trong các nhà máy, khu công nghiệp, khu kinh tế…
Từ các làm này của Phú Yên, có ý kiến cho rằng về lâu dài, Chính phủ cần nghiên cứu, sớm xây dựng và khởi động một chương trình phát triển nông thôn tổng hợp cho các làng ven biển dựa trên cơ sở thế mạnh của từng địa phương, Bộ NN&PTNT đẩy mạnh triển khai chương trình nông thôn mới xây dựng làng nghề truyền thống thủy sản. Trong năm 2012, Chính phủ đã ban hành các Quyết định 188 về hỗ trợ đóng mới tàu cá, Quyết định 742, 1479 về bảo tồn nguồn lợi thủy sản… Về cơ sở hạ tầng, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng thông tin quản lý nghề cá trên biển… Riêng về hỗ trợ tàu cá thì năm 1997, có Quyết định 393 về hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng mới, hoán cải tàu cá, và chúng ta thực hiện đóng mới được trên 1.000 tàu cá. Theo ông Oai, về hiệu quả quả kinh tế còn phải xem xét nhưng hiệu quả xã hội rất tốt. Đến nay ngành thủy sản có 126.000 tàu cá, xa bờ có hơn 25.000 chiếc. Vấn đề đặt ra là phải hiện đại hóa tàu cá.
Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về vấn đề này và trước khi triển khai rộng thì Bộ NN&PTNT phối hợp với một số tỉnh thí điểm đóng mới tàu cá bằng vật liệu mới, triển khai khai thác thu mua chế biến cá ngừ đại dương theo chuỗi tại một số tỉnh như Bình Đình, Phú Yên, Quảng Ngãi… Chúng ta vừa triển khai thí điểm, rút kinh nghiệm để triển khai rộng rãi hơn. Ngư dân từ chỗ chưa biết khai thác, đánh bắt xa bờ thì đến nay chúng ta đã làm chủ nhiều ngư trường xa.
Trần Ngọc Kha(DDK)
Hiện chưa có phản hồi nào.