Có đến 4 địa điểm được đưa ra để lựa chọn xây nhà tang lễ nhưng lại chưa thấy các chuyên gia nói đến sự đồng tình của người dân.
Đề xuất nhiều vị trí thuận lợiSau quá trình nghiên cứu, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội vừa hoàn thiện hồ sơ xin ý kiến Thủ tướng về địa điểm xây dựng nhà tang lễ quốc gia và nghĩa trang quốc gia trên cơ sở đề xuất của Bộ Xây dựng.
Theo PGĐ Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Ngô Quý Tuấn, việc quy hoạch nghĩa trang quốc gia theo đề xuất của Bộ Xây dựng có 2 địa điểm được đưa ra để lựa chọn.
1) Địa điểm tại khu vực nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng. Địa điểm này có quỹ đất rộng 100ha, đủ khả năng đáp ứng yêu cầu về diện tích của nghĩa trang quốc gia. Hơn nữa, giao thông cũng khá thuận lợi và được người dân đồng tình.
Tuy nhiên, địa điểm này cũng còn nhiều băn khoăn do có lộ trình khá xa, di chuyển qua nhiều khu vực tập trung dân cư; các tuyến đường giao thông phục vụ nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng giai đoạn 1 nên dễ xảy ra xung đột giao thông từ tỉnh lộ 411C hoặc từ tuyến đường quy hoạch nối quốc lộ 32 – Yên Kỳ – hồ Suối Hai.
2) Địa điểm tại khu vực xóm Hương, xã Yên Trung, huyện Thạch Thất, tiếp giáp núi Ba Vì ở phía bắc, phía đông bắc và phía tây, cách dự án đường cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình khoảng 1,2km.
Đây là địa hình thung lũng, một hướng mở, dễ kiểm soát những ảnh hưởng bất lợi đến cảnh quan và môi trường. Khu đất này cũng có cảnh quan đẹp, phù hợp cho việc xây dựng một nghĩa trang cấp quốc gia. Quỹ đất có thể khai thác sử dụng khoảng 100ha.
Ông Ngô Quý Tuấn cũng cho biết 4 địa điểm được Bộ Xây dựng đề xuất để xây dựng nhà tang lễ quốc gia. Trong đó có 3 địa điểm tại huyện Từ Liêm thuộc các xã Minh Khai, Tây Mỗ và Đại Mỗ. Địa điểm thứ 4 thuộc xã Song Phương, huyện Hoài Đức.
- Địa điểm thứ nhất tại khu vực xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, giáp đường Văn Tiến Dũng để kết nối với nghĩa trang Yên Kỳ theo quốc lộ 32 (khoảng 46km) hoặc trục tây Thăng Long (khoảng 45km), kết nối với nghĩa trang tại Yên Trung theo trục Hồ Tây – Ba Vì (khoảng 39km), có diện tích khoảng 5,5ha.
- Địa điểm thứ 2 tại khu vực xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, nằm phía bắc đại lộ Thăng Long, phía tây đường 70, với quy mô quỹ đất có thể khai thác là khoảng 5,5ha.
- Địa điểm thứ 3 tại khu vực xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, nằm phía nam Đại lộ Thăng Long với quy mô quỹ đất có thể khai thác khoảng 3,5 ha.
- Địa điểm thứ 4 tại khu vực xã Song Phương, huyện Hoài Đức, rộng khoảng 5,5ha, nằm ở phía bắc Đại lộ Thăng Long, theo tuyến kết nối nghĩa trang ở xã Yên Trung.
“Trong 4 địa điểm trên, dựa trên quy hoạch chung xây dựng thủ đô, địa điểm đặt nhà tang lễ quốc gia ở khu vực xã Song Phương (Hoài Đức) được coi là có vị trí thuận lợi, đáp ứng yêu cầu để xây dựng nhà tang lễ quốc gia. Do địa điểm có cảnh quan đẹp, giao thông thuận lợi, nằm trong khu vực hành lang xanh sông Nhuệ, phù hợp hướng tiếp cận từ khu vực nội đô đi nghĩa trang quốc gia”, ông Ngô Quý Tuấn phân tích.
Cần nhất là ý kiến người dân
Trao đổi với PV, về vấn đề quy hoạch xây dựng nghĩa trang quốc gia, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Hà Nội cho rằng: “Dù ở vị trí nào đi nữa cũng cần phải lấy ý kiến người dân địa phương, phải được người dân đồng tình. Bởi khi đã là xây dựng nghĩa trang cấp quốc gia thì ở vị trí nào, các nhà nghiên cứu cũng phải xem xét địa chất, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh môi trường cảnh quan. Nhưng điều quan trọng nhất chính là việc phải có ý kiến người dân địa phương.
Khác với nhiều công trình tác động đến sự phát triển kinh tế, việc xây dựng nghĩa trang quốc gia có sự tác động về môi trường đến địa phương. Khi người dân đồng thuận thì công tác giải phóng mặt bằng, công tác đền bù, di dời mới thuận lợi”.
Ông Nghiêm lưu ý thêm: “Khi xây dựng nghĩa trang quốc gia nên vận động, hướng dẫn hợp lòng dân để họ xây dựng, bài trí nhà mồ, tránh tình trạng thiếu sự quản lý, phân biệt đẳng cấp cao thấp trong nghĩa trang.
Ngoài ra, cần quan tâm về tỷ lệ hỏa táng, phải có chính sách để khuyến khích hỏa táng, giải quyết yếu tố tâm linh với người dân”.
Tương tự đối với quy hoạch xây dựng nhà tang lễ quốc gia, ông Nghiêm cũng nhấn mạnh việc phải lấy ý kiến người dân địa phương để có được sự đồng tình.
“Trong 4 vị trí đề xuất xây dựng nhà tang lễ quốc gia, mỗi vị trí đều có sự thuận lợi nhất định. Tuy nhiên khi lựa chọn cần phải chú ý, nhà tang lễ phù hợp và thuận lợi nhất không nên ở gần khu dân cư vì nhiều yếu tố như tiếng ồn, xe cộ đi lại, khó quản lý, ảnh hưởng đến đời sống người dân địa phương… Trên thực tế hiện nay, vị trí đặt nhà tang lễ Phùng Hưng chưa phù hợp vì quá gần khu dân cư”, ông Nghiêm nói.
(KHKT)
Hiện chưa có phản hồi nào.