Các cụ vẫn nói, “mái tóc là góc con người”. Điều đó khẳng định rằng, phụ nữ cần phải quan tâm đến mái tóc.
Vì, mái tóc có tính quyết định đến cái đẹp của khuôn mặt, hình thể. Nối tóc cho người sống bằng tóc của người chết…
Hiểu được tầm quan trọng của mái tóc, nhiều cô gái trẻ, phụ nữ lớn tuổi rất chăm chút cho nó. Một mái tóc đen, dài, mượt bên cạnh một khuôn mặt trái xoan, tươi tắn với nước da trắng hồng… quả là tuyệt vời. Với những cô gái cá tính, phụ nữ năng động, mái tóc ngắn đem lại cho hình thức của họ diện mạo mới. Thế là cắt, nuôi, nối, làm tóc xoăn ra đời. Có thông tin cho rằng, nhiều “góc con người” được nối bằng “tóc ma” – tóc của người đã chết. Thực hư chuyện này ra sao?“Hàng rong” kể chuyện mua – bán tóc
Chị Nguyễn Thị Bình (gần 50 tuổi, ở huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) hành nghề mua – bán tóc đã gần 15 năm nay. Chị Bình “phụ trách” việc mua tóc ở 3 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Hưng Yên. Trước khi chuyển hẳn sang mua – bán tóc, chị Bình giống như các bà “đồng nát” bây giờ. Gia chủ bán gì, mua đó, hôm thì giấy viết, thùng catton; hôm thì cái quạt hỏng, cái máy bơm cháy, rồi thì cái nồi nấu canh bị thủng… Chị Bình cho biết: “Trên chiếc xe đạp cà tàng, vứt ngoài đường, chẳng ma nào thèm lấy (con nghiện ma tuý vẫn lấy – PV), chị rong ruổi khắp hang cùng, ngõ hẻm để mua – bán “đồng nát” lấy chút lãi về nuôi con.
Một lần, người họ hàng của gia đình ở Sài Gòn ra chơi, mách với chị rằng, đừng mua “đồng nát” nữa, đến những cửa hàng cắt tóc, gội đầu, mua tóc rối, tóc mượt dài, bán lãi nhiều mà nhàn hạ hơn. Người họ hàng này còn móc nối nơi bán tóc cho chị. Mua – bán tóc riết thành quen, chị Bình cũng thấy việc này nhàn hạ hơn thật.
Tôi hỏi: “Mối mua tóc chính của chị là ở các tiệm cắt tóc, gội đầu, mối phụ có phải ở các nhà xác tại bệnh viện không?”. Chị Bình tái mặt, chối đây đẩy “như đỉa phải vôi”: “Em nói gì mà khiếp thế. Tóc người chết á! Ai bán – ai mua cơ chứ! Chị chưa mua được thứ tóc đó bao giờ”. Sau một hồi thì thầm và bán cho chị Bình 2 thứ đồ “đồng nát” với giá rẻ, chị Bình bật mí: “”Đội quân” thu mua tóc của chúng tôi, có 3 người “phụ trách” địa bàn Hà Nội. Những người này đạt “doanh thu” cao nhất đấy. Có thể, họ cũng tiếp cận được nguồn tóc ở nhà xác của các bệnh viện. Tôi cho cậu số điện thoại của cô này nhé…”.
Theo giới thiệu của chị Bình, tôi điện thoại đến số 012571xxxx, nhận điện thoại là một phụ nữ trung tuổi, tên H. Chị H. cho biết: “Tôi đi mua tóc rối ở tất cả hang cùng, ngõ hẻm của Hà Nội, đâu bán thì tôi mua. Có lần, mua đồ bỏ đi ở một bệnh viện, tôi cũng mua được 1kg tóc. Tôi không quan tâm đó là tóc người chết hay của người sống. Tôi chưa vào nhà xác bệnh viện mua tóc bao giờ…”. Khi tôi vào vai, mình có tóc nhưng nguồn là tóc của người chết ở bệnh viện tuồn ra, bán, hỏi chị H. có mua không, thì… thái độ của chị “đồng nát” này khác hẳn. Cuộc trao đổi cởi mở hơn rất nhiều.
Chị H. hỏi: “Tóc dài hay ngắn? Nhiều hay ít? Tóc tơi hay bết…”. Tôi hiểu, chị H. đã rất thích “món hàng hơi” của mình nên lại bắt đầu từ từ, không chuyện trò vồ vập như trước nữa. Tôi chưa kịp trả lời, chị H. đã nói tiếp: “Nếu loại tóc ngắn, dưới 10cm, xoăn là không mua. Nếu mua, giá rẻ lắm, chỉ bằng 1/3 tóc thường. Vì, rất có thể đó là lông… Loại này, đại lý mua rất rẻ, họ dùng làm mi giả”. Nghe đến đây, tôi phát hoảng vì cách nói tưng tửng, không úp mở của chị “đồng nát”.
Có hay không chuyện mua – bán “tóc ma”?
Nghề nghiệp cho tôi tính lọ mọ. Tôi lượn một lượt, đến vài bệnh viện lớn trên địa bàn Thủ đô, hỏi mối hàng “đồng nát”. Một bảo vệ kỳ cựu ở bệnh viện V. nói: Cậu cần “tìm gì” trong đống “đồng nát” ấy, tôi mách cách mua – bán cho. Thấy tôi đặt vấn đề khá trơn tru, bác bảo vệ sắp xếp cho tôi gặp một nhân viên nhà xác tên Đ..
Khi tôi đặt vấn đề, muốn mua tóc của người chết thì anh Đ. hốt hoảng thật sự. Anh Đ. nói: “Tại bệnh viện này làm gì có chuyện, cắt trộm tóc người chết để bán”. Tôi cười mà rằng: “Trong đống đồ bán “đồng nát” ra ngoài của một số bệnh viện, có tóc đấy thôi?”. Nghĩ hồi lâu, anh Đ. phân tích: “Đó là tóc của những người bị phẫu thuật trên đầu, bác sỹ bắt buộc phải cắt, thậm chí cạo trọc đi để thuận lợi cho phẫu thuật chứ không phải cắt trộm tóc. Cũng có bệnh nhân, phẫu thuật xong, bệnh quá nặng, không qua khỏi được thì đó là tóc người chết, chứ sao? Người chết ở nhà xác, tôi khẳng định, chẳng ai cắt trộm tóc để đi bán cả. Chuyện “động trời” thế, ai dám làm. Ai cố làm, bị “giời vật chết” đấy!”. Nghĩ kỹ, thấy anh Đ. nói có lý. Song, tôi vẫn phải đi tìm thêm lời giải cho cái gọi là “tóc ma” này.
Ông Nguyễn Văn Tr., bác sỹ về hưu, từng là chuyên gia phẫu thuật phần đầu cho các bệnh nhân ở bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội, xác nhận: “Trước khi phẫu thuật, bộ phận giúp việc kíp mổ phải làm vệ sinh, vô trùng cho bệnh nhân. Những bệnh nhân mổ sọ, phần lớn bị cắt, thậm chí cạo tóc. Tuỳ theo ca phẫu thuật mà cắt, cạo một phần tóc, nửa đầu hay cả đầu. Tóc đó được bỏ vào thùng rác thải của bệnh viện. Nó được bán, được đem đổ, tiêu huỷ ở đâu là việc của các bộ phận chuyên môn khác, không liên quan đến bác sỹ thực hiện phẫu thuật như chúng tôi. Thời điểm nhiều bệnh nhân bị tai nạn, bệnh ở vùng đầu thì rác thải là tóc cũng rất nhiều…”.
Nối bằng “tóc ma”, có thể xảy ra
Trên các trang mạng xã hội, có một thời gian, rộ mốt các cô gái đi nối tóc làm đẹp. Thấy bạn gái “hành hạ” mái tóc nhiều lần quá trong một thời gian ngắn, bạn trai đã nghĩ ra một câu chuyện rùng rợn là tóc được nối là tóc của người chết. Và, có chuyện, đêm đêm, người đã chết về đòi lại tóc của người đang sống, gắn ở trên đầu… Cô bạn gái khiếp sợ đã bỏ ngay kiểu làm đẹp tóc chạy theo mốt ấy. Chuyện này được truyền đi rộng rãi đến mức, một thời gian sau đó, rất ít bạn gái dám đi nối tóc.
Chị Hoàng Minh Hằng, chủ tiệm làm tóc lớn ở khu vực Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “Tóc để nối được nhập về từ nhiều nguồn, trong đó có tóc Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc… Khi thành phẩm là tóc công nghiệp, nó đã được chế biến nên không thể phân biệt được tóc người chết hay tóc người sống. Hơn nữa, chúng tôi không quan tâm đến điều đó”. Cũng theo chị Hằng: “Có những bạn gái “tay chơi” đã tìm hẳn nguồn “tóc sống” – tức người bán tóc, đến cắt tóc tại tiệm – để nối. Phải khẳng định rằng, “tóc sống” này mà nối trực tiếp, ngay lập tức khi vừa cắt thì rất nhanh và hiệu quả. Tóc có thể tiếp nhận được dinh dưỡng từ tóc của người được nối nhanh hơn. Vì thế, trông bộ tóc mới được nối thật hơn, ít bị rụng hơn. Tất nhiên, giá thành cho việc nối “tóc sống” này khá cao. Chỉ những bạn nữ, gia đình kinh tế khá giả mới thực hiện được. Nối “tóc chết”, tóc hay bị khô, cứng…”.
Tôi thắc mắc: “Tóc không có nguồn gốc rõ ràng, tóc của người bị bệnh, nối vào, liệu có sao?”. Chị Hằng thừa nhận: “Điều này thì tôi cũng chịu. Tôi là chuyên gia về tóc chứ không phải là bác sỹ chuyên khoa lây nhiễm”. Đem những tò mò, thắc mắc của mình đến bác sỹ da liễu Trịnh Văn Dương, tôi nhận được giải thích: “Văn khoa y học thế giới không để lại nghiên cứu nào về điều này. Y học hiện đại cũng chưa có nghiên cứu nào về việc lây nhiễm bệnh qua đường nối tóc. Nối tóc là tác động thô bạo đến cấu trúc tự nhiên của tóc, có thể gây chấn thương sợi tóc, làm cho tóc yếu và rụng nhanh, nhiều hơn so với tóc mọc tự nhiên của con người. Nếu dùng hoá chất độc hại để nối tóc sẽ nguy hại cho da đầu. Da đầu có thể bị dị ứng. Với những người có mạch máu da đầu lưu thông không tốt hoặc bị viêm mũi, viêm xoang, hóa chất nối tóc sẽ làm bệnh trở lên nghiêm trọng hơn”.
Bác sỹ Trịnh Văn Dương khuyến cáo, phụ nữ hãy để tóc được phát triển tự nhiên. Đừng vì chạy theo mốt mà nối hay mua thuốc nuôi tóc nhanh mọc làm ảnh hưởng tới da đầu. Da đầu rất nhạy cảm với các loại hoá chất, vì thế, hãy tránh xa cả việc nhuộm, ép, làm xoăn tóc bằng hoá chất.
(BNDT)
Hiện chưa có phản hồi nào.