Trong những ngày qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã vạch mặt các trang mạng có nội dung thông tin chống Đảng, Nhà nước, nhiều người dân, bạn đọc đã gửi tới Cổng TTĐT Chính phủ ủng hộ việc công bố ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xử lý nghiêm các trang phản động Quan làm báo, Dân làm báo.
Dưới đây là một số trong rất nhiều ý kiến như vậy gửi tới Cổng TTĐT Chính phủ:
Ông Lê Duy Lâm, nguyên Phó Chủ tịch phường Quang Trung, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên: Thường xuyên quan tâm theo dõi thông tin truyền thông, tôi thấy các thông tin trên các trang mạng xấu đích thực là một thứ cỏ dại, nấm độc, một thứ lá ngón. Những trang Quan làm báo, Dân làm báo tự rêu rao là yêu nước nhưng thực chất lại không phải là như vậy. Bởi khi mới biết về những trang này, tôi cũng tò mò vào xem, thấy có những chuyện bán tín bán nghi, nhưng sau một thời gian theo dõi thì tôi thấy rằng, một số trang này nhằm vào chia rẽ các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước ta, có những bài viết lời lẽ vô văn hóa, xúc phạm đến cá nhân, thậm chí là viết chửi đổng…
Tôi cho rằng đây là việc nhằm kích động nhân dân ta, gây mất đoàn kết, mất niềm tin trong dư luận, rõ ràng đây là một cách thông tin rất nguy hiểm tôi rất ủng hộ việc xử lý nghiêm, không để tồn tại những trang mạng xấu này.
Tôi cũng thắc mắc là, tại sao một trang tin có dụng ý xấu như thế mà vẫn để tồn tại quá lâu. Tôi đề nghị phải có biện pháp xử lý các blog phản động này. Nhà trường cũng phải có biện pháp giáo dục không để những thông tin xấu này lan vào trong thanh thiếu niên, bởi tôi cho rằng từ việc gieo vào những tư tưởng kích động nổi loạn như vậy đến khủng bố chỉ là gang tấc.
Chị Phạm Ngọc Dung, y tá, Khu 7, Phường Hồng Hà, TP Hạ Long, Quảng Ninh: Công việc của tôi ở cơ quan cũng thường xuyên phải sử dụng internet, ngoài ra, khi rảnh rỗi tôi cũng hay truy cập internet để đọc báo hay tìm kiếm tin tức cần thiết cho những vấn đề liên quan đến sức khỏe hay công việc; cập nhật thông tin cho trang cá nhân.
Thông tin trên mạng hiện nay nhiều quá nên nhiều khi cũng khó lựa chọn, tôi chỉ hay đọc nhưng trang thông tin quen mà tin tức có dẫn nguồn đáng tin cậy.
Thực ra tôi cũng được một số bạn bè gửi đường link về các trang dạng phản động, nói xấu chế độ như Quan làm báo, Dân làm báo…, tôi cũng có vào xem qua, nhưng nói thật là cá nhân tôi thấy không chấp nhận được nội dung thông tin kiểu “tung hỏa mù” mà ngôn từ lắm khi theo giọng “chợ búa đường phố”, rất phản cảm. Chưa kể thông tin thì “chả biết đường nào mà lần”… nên nói chung tôi không vào đọc những trang như vậy vì mất thời gian, vô bổ.
Chị Trần Thái Linh, Đống Đa, Hà Nội: Tôi thấy hầu hết những thông tin trái chiều hiện nay đều được lan truyền qua “thông tấn xã vỉa hè”. Thực ra chỉ một vài người đọc rồi nói lại với người khác và người ta coi đó như chuyện ‘trà dư tửu hậu” chứ nói là tin thật thì chắc không có nhiều người.
Theo tôi cho là việc dẹp bỏ hay kiểm soát thông tin trên các trang mạng hiện nay là rất khó và thiếu khả thi vì có xóa trang này nó lại mọc trang khác thôi, quan trọng là có nhiều người vào đọc và tin những thông tin kiểu này không. Nên tôi cho rằng nếu chúng ta cung cấp những thông tin tích cực, đa dạng và cởi mở hơn về tình hình Việt Nam thì những trang phản động sẽ không có đất sống, nói xấu thì chẳng ai tin.
Ông Nguyễn Cảnh Hảo (Khối I, phường Bến Thuỷ, Vinh, Nghệ An): Mấy trang mạng phản động tôi cũng đã nghe nói nhưng mối quan tâm của tôi hiện giờ là xăng tăng giá bao nhiêu, điện tăng thế nào… Nên theo tôi nền kinh tế ngày càng tốt lên, đời sống của người dân ngày càng tốt lên thì sẽ chẳng có cơ hội cho những thông tin độc hại như vậy phát triển.
Bà Nguyễn Thị Kim Chung, cán bộ hưu, quận Hoàng Mai, Hà Nội: Nếu chân chính thực sự, nếu là vì dân thực sự như những blog này vẫn rêu rao là “báo lề dân” thì phải công khai rõ ràng nguồn gốc, tên tuổi chủ blog.
Nhưng thực tế những blog xấu này đều nặc danh. Tuy nhiên, tôi cũng lấy làm lạ là cơ quan an ninh của chúng ta bao lâu nay đã từng phá được những vụ án nghiêm trọng, phức tạp, mà sao không xử lý được những blog “khủng bố” này, để chúng hoành hành, tự tung tự tác trên mạng toàn cầu để reo rắc thông tin xuyên tạc gây hại cho nhân dân, đất nước ta. Tôi nghe nói trang mạng này có nguồn gốc từ nước ngoài. Cơ quan an ninh cần phối hợp với an ninh nước ngoài để bắt được những kẻ tung tin phá hoại đất nước như mấy blog Quan làm báo, Dân làm báo.
Chị Nguyễn Thị Phượng, giáo viên môn Văn trường THPT Tây Thụy Anh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình:
Do tò mò, tôi cũng đã một vài lần vào những trang Quan làm báo, Dân làm báo để đọc. Thú thật là ban đầu, tôi cũng bán tin bán nghi về những thông tin mà họ tung ra liệu có phần sự thật nào hay không, nhất là khi nghe họ hô hào những vấn đề đang được người dân và dư luận quan tâm, như chống tham nhũng, bảo vệ biển đảo Tổ quốc…
Nhưng qua một vài lần, tôi nhận ra rằng những thông tin có hơi hướng sự thật thì cũng chính là những thông tin hoàn toàn công khai trên các báo chí Việt Nam, chẳng hạn như việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, những sai phạm của nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Dương Chí Dũng, việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại… Tuy nhiên, các trang mạng này cũng đã cài những thông tin rõ ràng là xuyên tạc, bịa đặt gây cho người đọc “nửa tin nửa ngờ”.
Tôi cho rằng đây chính là thủ đoạn chủ yếu nhất mà các trang mạng này sử dụng. Nhưng không thể lừa bịp được mãi, vì báo chí trong nước qua hoạt động thông tin của mình đã gián tiếp bác bỏ rất nhiều thông tin mà các trang này tung ra. Mà như các cụ nhà ta nói, một lần bất tín vạn sự bất tin, huống hồ họ đã nói sai quá nhiều lần.
Ngoài ra, tôi cũng thấy ngôn từ, cách trình bày thông tin trên các trang này là không thể chấp nhận được, với những lời lẽ theo kiểu “chợ búa” “hàng tôm hàng cá”, có lúc như du côn, côn đồ.
Tôi ủng hộ việc cần phải có biện pháp nghiêm trị, chấm dứt những luồng thông tin hết sức độc hại này.
Theo VGP
Hiện chưa có phản hồi nào.