Khoảng 9h sáng 14/4, Đặng Văn Khuyến (28 tuổi, quê Thừa Thiên Huế, ngụ phường 25, quận Bình Thạnh) đã đến đầu thú tại cơ quan công an địa phương và thừa nhận hành vi giết người.
Nạn nhân được xác định là chị L.T.T.H. (24 tuổi, quê Quảng Ngãi, tạm trú phường 22, quận Bình Thạnh) là bạn gái cũ của Khuyến.
Theo lời khai của Khuyến thì chị H. và Khuyến từng có thời gian yêu nhau. Sau khi chia tay, chị H. quen với một thanh niên khác. Nhiều lần Khuyến đã cố níu kéo tình cảm với chị H. nhưng không được nên sinh lòng thù hận, thường xuyên kiếm chuyện với chị H. và bạn trai mới của chị này. Cụ thể, Khuyến đã quấy rối, chặn đường đánh chị H. và “tình địch” rồi lăng mạ người yêu cũ trên mạng.
Không chịu được, chị H. đã đến công an phường 22 để trình báo sự việc trên. Biết chuyện chị H. “tố” mình lên công an, Khuyến đã cầm theo mã tấu tự chế phục sẵn ở giao lộ Ngô Tất Tố – Phú Mỹ (cách trụ sở công an phường 22 khoảng vài chục mét). Khi chị H. đi ngang đã bị Khuyến rút mã tấu lao đến truy sát.
Quá hoảng sợ, chị H. bỏ chạy vào quán cơm bình dân nằm bên đường cầu cứu. Tuy nhiên, Khuyến vẫn lao theo chém vào cổ khiến nạn nhân gục tại chỗ. Một số người định lao vào ngăn cản nhưng do Khuyến quá hung dữ lại lăm lăm mã tấu trong tay nên không ai dám đến gần. Hạ sát xong người yêu cũ, Khuyến thản nhiên móc điện thoại gọi cho em gái nạn nhân tuyên bố: “Tao vừa chém đứt đầu chị mày, tới mà nhận xác”, rồi tẩu thoát.
Do thương tích quá nặng, chị H. đã tử vong. Biết không thể trốn thoát, Đặng Văn Khuyến đã đến cơ quan công an đầu thú và thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Hiện công an quận Bình Thạnh đang lập hồ sơ để chuyển giao đối tượng cho phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45) công an TP.HCM thụ lí điều tra theo thẩm quyền.
Luật xưa: Giết người đền mạng
Bộ luật Hồng Đức (BLHĐ) ra đời chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng nho giáo, vì vậy, đường lối xử lý tội giết người đã thể hiện rõ tư tưởng nhân trị và tư tưởng pháp trị. Tư tưởng nhân trị được thể hiện tập trung tại Điều 2.
Theo đó, những hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo lý nho giáo đều bị coi là phạm tội thập ác, trong đó có bốn nhóm tội liên quan đến hành vi giết người là ác nghịch, bất đạo, bất mục và bất nghĩ. Khác với tư tưởng nhân trị lấy đức để giáo hoá và ngăn cản con người khỏi sa vào con đường phạm tội, hình phạt chỉ là biện pháp cuối cùng, áp dụng trong trường hợp vạn bất đắc dĩ, tư tưởng pháp trị đề cao vai trò của hình phạt dựa trên cơ sở cho rằng lấy hình mà trị dân thì dân mới sợ và như vậy mới ngăn chặn được những hành vi phạm tội. Trong BLHĐ, tư tưởng pháp trị thể hiện qua chính sách hình sự hà khắc.
Khác với Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện đại, trong BLHĐ triều Lê tội giết người không được quy định ở một chương mà được quy định trong nhiều chương với nhiều trường hợp giết người. Khi quy định tội giết người, nhà làm luật không đặt tên tội danh cho hành vi được quy định mà mô tả ngay hành vi phạm tội. Mỗi điều luật trong BLHĐ thường mô tả nhiều trường hợp giết người khác nhau với nhiều mức phạt không giống nhau. Trong đó, hành vi giết người nói chung được quy định tại Điều 415 với hình phạt thấp nhất là lưu đi châu gần, cao nhất là chém; Căn cứ để quy định các trường hợp giết người khác nhau đó chủ yếu dựa vào mức độ thực hiện ý định phạm tội; đặc điểm của nạn nhân; hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; nhân thân người phạm tội; phương pháp, thủ đoạn phạm tội…
BLHĐ quy định giết người một cách man rợ (chặt thây ra từng mảnh) đều bị coi là phạm tội thập ác.
Như vậy, chiếu theo BLHĐ thì hành vi chém đứt cổ người yêu cũ của đối tượng Đặng Văn Khuyến đã phạm vào tội bất đạo: Giết người chặt thây ra từng mảnh. Theo đó, những người phạm tội thập ác, dù từ 15 tuổi trở xuống, bị phế tật hay tự thú cũng không được giảm nhẹ… Hình phạt cao nhất đối với tội này có thể là chém đầu.
(BNDT)
Hiện chưa có phản hồi nào.