Mấy ngày nay, dư luận xôn xao về “hòn đá lạ” có nhiều chữ viết cổ và họa tiết phức tạp khó hiểu xuất hiện tại đền Thượng trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ).
Hòn đá này cao khoảng 50 cm, bề rộng nhất 35 cm, hình cánh buồm đặt trên bệ, được đặt trên bệ hình bát quái tại góc trong cùng bên trái của đền Thượng. Mặt trước và sau của hòn đá có ký tự cổ, dấu ấn vuông, họa tiết phức tạp khó hiểu, trông như một lá bùa có hai mặt. Thông tin về hòn đá lạ còn khiến nhiều người lo lắng và đồn thổi, đây là một dạng bùa yểm không tốt.Theo thông tin trên, liên quan đến sự việc gây xôn xao này, ông Nguyễn Tiến Khôi, nguyên Giám đốc Ban quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng, hiện là Chủ tịch Hội sử học tỉnh Phú Thọ và ông Nguyễn Minh Thông, hiện là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng Phương Đông (ở Hà Nội), người được xem là tác giả nắm rõ nhất nguồn gốc, ý nghĩa của hòn đá đặt tại đây, đã có văn bản trả lời về vấn đề này.
Theo đó, viên đá được công đức này đã được các chuyên gia thẩm định chất lượng, đo năng lượng, rồi được chạm thêm ngọc rubi và nhiều loại ngọc quý khác trước khi đưa đá lên đền Thượng.
Theo ông Thông, mặt trước đá chạm: “Trận đồ bát quái thiên tinh Phật Tổ Như Lai” dựa trên trận đồ bát quái trong Binh thư yếu lược của nhà Trần và theo mô phỏng của Từ điển thuật ngữ quân sự, gọi là Thiên tinh vì ghép tượng hình chòm sao Bắc Đẩu và trận đồ của Đức Thánh Trần ứng dụng khi đánh quân Nguyên Mông. Trên mặt của Trận đồ còn có câu mật chú thiền phái Mật Tông làm tăng hòa quang của Phật và độ linh, độ uy của Phật để giải hóa bách nạn, bách khổ, bách bệnh cho nhân dân.
Văn bản trả lời của ông Thông cho biết tiếp, mặt sau của viên đá ngọc, phía trên là Ấn của Vua Hùng (mà hiện Khu di tích đang dùng), dưới có chạm lá bùa giải bách họa cho nhân dân mà các nhà sư đi tu ai cũng biết.
Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ cho biết sẽ tổ chức hội thảo khoa học sau dịp Quốc giỗ để nghiên cứu, đánh giá hòn đá này là như thế nào, ý nghĩa các ký tự ra sao, liệu đặt hòn đá tại vị trí đó có phù hợp không hay phải di dời. Trong khi đó, chủ đề liên quan đến “hòn đá lạ” này vẫn đang làm “nóng” dư luận và cư dân trên nhiều diễn đàn.
Trên diễn đàn, thành viên Mrkid chia sẻ: “Hôm 14/4, mình đi đền Hùng, thấy hòn đá này đặt trong đền Thượng, góc bên trái đền. Mà nhiều người cũng buồn cười, chả biết hòn đá có ý nghĩa gì mà cũng ra đặt tiền và vái tảng đá”.
Thành viên Bachtuocxinh bình luận trên diễn đàn Webtretho: “Hòn đá với các kiểu chữ, vòng kỳ lạ thế nhìn có vẻ không giống kiểu tín ngưỡng trong nước, thế mà nó tồn tại gần 4 năm rồi ở một nơi linh thiêng thờ Quốc tổ như thế…”.
Còn theo nickname Haiduongnet100 (Vozforums) thì “kiểu phong thủy yểm bùa, đặt điện, đặt đá… là mê tín dị đoan (?)”.
Trong khi đó, đa phần người đọc đều cho rằng “nên đưa hòn đá ra khỏi đền trước khi có kết luận chính thức”.
Bình luận trên một trang báo điện tử, bạn đọc có nickname Van Lang cho biết: “Việc hòn đá được phát hiện trong đền Thượng, tôi nghĩ cần đưa ra khỏi đền Hùng trước ngày Giỗ Tổ (10/3) năm nay. Sau khi khảo sát và nguyên cứu, Ban quản lý có thể đưa vào sau. Tránh để tới ngày giỗ Quốc giỗ tổ chức xong thì mọi chuyện có thể đã muộn (theo duy tâm). Vậy chân thành cảm ơn Ban quản lý trước nếu di chuyển hòn đó trước ngày Giỗ Tổ.”
“Tôi là một người dân đất Tổ mà thật sự bức xúc không hiểu các nhà quản lý nghĩ gì mà lại cho đưa một vật không có nguồn gốc và không có gì liên quan đến khu di tích vào đặt trong ngôi đền thờ như vậy. Tôi nghĩ không phải thành lập hội đồng khoa học làm gì cho tốn tiền. Các nhà quản lý mời nhà hảo tâm đến mang hòn đá về không để trong đền nữa là xong. UBND tỉnh cần xem xét lại công tác quản lý tại khu di tích lịch sử thiêng liêng này” – bạn đọc Hai Tran góp ý.
Bạn đọc Phương Hoa bày tỏ ý kiến: “Đề nghị các sở ban ngành có trách nhiệm phải làm rõ vụ việc này. Tránh gây hoang mang trong dư luận. Tôi là một con người quê hương đất Tổ cũng cảm thấy rất sốc với vụ việc trên. Nếu là điều tốt tại sao không công khai cho bà con biết. Nếu là điềm xấu thì thì tại sao lạ để vào nơi tôn nghiêm như vậy”.
(BKTO)
Hiện chưa có phản hồi nào.