Lợi dụng chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, các thế lực thù địch trong và ngoài nước đang dấy lên làn sóng xuyên tạc, vu cáo, bôi nhọ Đảng, Nhà nước, lãnh tụ và chế độ xã hội ta. Một trong những trọng điểm mà họ tập trung chống phá là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được ghi trong bản Hiến pháp năm 1992.
Họ cho rằng: “Điều 4 Hiến pháp 1992 phá hủy nền tảng của chính bản Hiến pháp”. Bởi lẽ: “Điều 2 Hiến pháp 1992 viết “Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân…”, trong khi Điều 4 lại khẳng định: “Đảng Cộng sản (ĐCS) Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, tức là nước Cộng hoà XHCN Việt Nam theo một chế độ Đảng trị = Đảng chủ”. Hơn nữa, theo họ: “Điều 83 của Hiến pháp viết “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam… Như vậy, cơ quan cao nhất ở đây “không thuộc về ĐCS Việt Nam như Điều 4”.
Về đường lối kinh tế, họ nói: “Điều 15 của Hiến pháp viết: “Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN… dựa trên chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, trong đó sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng…”. Như vậy, Điều 15 trái với Điều 4 ghi: “ĐCS Việt Nam theo chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh”. Vì chủ nghĩa Mác – Lê-nin phủ nhận kinh tế thị trường = tư bản, xóa bỏ sở hữu tư nhân” và họ hỏi: “Vì sao theo chủ nghĩa Mác – Lê-nin lại phát triển kinh tế tư bản?”, v.v.
Tựu trung lại, họ kêu gọi: “cần phải xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp 1992” mà thực chất là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của ĐCS Việt Nam, đơn giản chỉ là như vậy!
Có lẽ không cần phải phân tích những sai trái trong từng lập luận của họ. Bởi vì, mọi người có thể thấy rõ tất cả những lập luận trên chỉ là sự sao chép tư duy chính trị dân chủ đa nguyên mà các phần tử hành nghề chống cộng ở ngoài nước đã đưa đầy rẫy trên mạng internet cùng với sự ngụy biện thô thiển mà thôi.
Người làm chính trị, khoa học hay văn hóa, nghệ thuật trước hết phải thực sự nghiêm túc, chân thành, trung thực… Thế nhưng, những lập luận ngụy biện, vòng vo rằng: “Điều 4 Hiến pháp 1992 phá hủy nền tảng của chính bản Hiến pháp” chẳng những không có sức thuyết phục về trí tuệ mà còn thể hiện lập luận hoàn toàn ngụy biện, không đáng tin cậy.
Với họ, đã là Nhà nước pháp quyền XHCN thì Quốc hội – cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, không chịu sự lãnh đạo của bất cứ chính đảng nào! Ở lập luận này, trước hết, họ đã bộc lộ sự thiếu hiểu biết của mình. Họ không thấy rằng: trong tất cả các nền dân chủ hiện đại bao giờ cũng có đảng chính trị lãnh đạo, cầm quyền. Sự khác nhau chỉ là ở mục tiêu và phương thức lãnh đạo mà thôi. Ở Hoa Kỳ, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa thay nhau lãnh đạo. Ở Cộng hòa Liên bang Đức cũng như vậy, phần lớn thế kỷ XX do Đảng Dân chủ Thiên chúa và Đảng Dân chủ xã hội cầm quyền. Ở Úc thì Đảng Lao động và Liên Đảng Quốc gia – Tự do thay nhau cầm quyền… Thử hỏi: Nếu ở Hoa Kỳ, Đức, Úc thì họ có phê phán chế độ đó là không dân chủ với lập luận: “Nhà nước pháp quyền, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân…”, sao lại có đảng cầm quyền? Vì sao đã là Nghị viện – cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của quốc gia sao quyền lãnh đạo lại vẫn thuộc về đảng này đảng nọ? Thật ra, họ chỉ muốn loại trừ ĐCS Việt Nam ra khỏi vai trò lãnh đạo, cầm quyền mà thôi, còn những đảng khác lãnh đạo, cầm quyền thì vẫn hợp lý!
Lại nói về lập luận của họ về Điều 17 của Hiến pháp 1992. Điều này quy định: “Phát huy mọi năng lực sản xuất, mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế gồm kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài…”. Theo họ, thì chính sự khẳng định: “ĐCS Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế TBCN (ở Điều 17 này) đã “giết chết chủ nghĩa Mác – Lê-nin là tôn giáo và cương lĩnh của Đảng như Điều 4”.
Trong lập luận trên, họ đã thể hiện mâu thuẫn trong tư duy và sự thiếu trung thực. Bởi vì, họ cho rằng: ĐCS Việt Nam “đang xây dựng nền kinh tế TBCN”, là “giết chết chủ nghĩa Mác – Lê-nin”. Ở đây họ đóng vai trò là người bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lê-nin; thế nhưng, ngay ở câu đó lại nói: “chủ nghĩa Mác – Lê-nin là tôn giáo”. Và ở một đoạn khác họ cho rằng: “nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường – khái niệm “định hướng XHCN” hoàn toàn vô nghĩa”.
Xin nói rằng, bình luận “định hướng XHCN hoàn toàn vô nghĩa” của họ là hoàn toàn sai lầm. Bởi vì, không có một nền kinh tế nào nằm ngoài một không gian chính trị, nằm ngoài một quốc gia với một nhà nước và một đảng chính trị cầm quyền.
Những ai hiểu biết về lịch sử tư tưởng kinh tế thì đều biết rằng, chủ nghĩa tự do cổ điển (Classical liberalism) về kinh tế thị trường còn gọi là “bàn tay vô hình” do Adam Smith đề xướng cho rằng: tự cơ chế thị trường sẽ bảo đảm được sự hài hòa lợi ích giữa các nhóm xã hội… Tuy nhiên, trên thực tế ở các nước TBCN cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã xuất hiện suy thoái và khủng hoảng nghiêm trọng. Đó là cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 – 1933 ở hệ thống TBCN, mở đầu ở nước Mỹ.
Không ai khác, chính Tổng thống Mỹ Phranh-klin Ru-dơ-ven (Franklin Roosevelt) đã nhận thấy khiếm khuyết của kinh tế thị trường tự do. Ông đã chủ trương chuyển sang thực hiện chính sách kinh tế thị trường có sự can thiệp của nhà nước; mà về mặt học thuật, đại diện cho lý luận kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước là John Maynard Keynes. Thế nhưng, vào những năm 80 (thế kỷ XX), ở hệ thống TBCN lại ra đời học thuyết: “Chủ nghĩa tự do mới” mà nội dung của nó là hạn chế sự can thiệp của nhà nước theo phương châm “thị trường nhiều hơn, nhà nước ít hơn”… Tiếp đó, vào đầu thập niên 90 (thế kỷ XX), một lần nữa CNTB hiện đại lại điều chỉnh mô hình kinh tế thị trường. Mô hình mới được gọi là “Con đường thứ ba” mà nội dung của nó là kết hợp giữa chủ nghĩa tự do mới với các ưu tiên dành cho chính sách xã hội, như: đầu tư vào lĩnh vực đào tạo, việc làm, y tế, giáo dục,… Còn ở Trung Quốc, như mọi người đều biết, nền kinh tế của quốc gia này được gọi là “nền kinh tế thị trường XHCN”. Vì vậy, từ lý luận và thực tế cho thấy, định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường Việt Nam không phải là ngoại lệ, hơn nữa còn là một tất yếu đối với chế độ ta.
Định hướng XHCN đối với nền kinh tế thị trường Việt Nam dựa trên các nguyên tắc và quy luật phổ biến của kinh tế thị trường, đồng thời phát huy chức năng của nhà nước pháp quyền XHCN để tác động vào thị trường hướng vào mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Cụ thể hơn, đó là việc bảo đảm công bằng xã hội, hạn chế sự phân cực giàu – nghèo, bất công xã hội.
Xin hỏi tất cả những ai kêu gọi xóa bỏ định hướng XHCN trong nền kinh tế thị trường nhằm mục đích gì? Nếu ai đó nói rằng, nền kinh tế của Việt Nam chưa hoàn thiện về thể chế, về cơ chế, chính sách, còn tình trạng tham nhũng, lãng phí, còn tình trạng lợi ích cục bộ, phân hóa giàu – nghèo, lợi ích nhóm thì đó là một nhận định khách quan, có trách nhiệm. Song nếu cho rằng, khái niệm “định hướng XHCN hoàn toàn vô nghĩa” thì thực sự đó là một ý đồ chính trị đen tối.
Thiết tưởng hiện nay, Việt Nam rất cần sự “định hướng XHCN”; bởi pháp luật chưa hoàn chỉnh, lại thiếu cơ chế quản lý hữu hiệu, vẫn còn những khoảng trống pháp lý, những sơ hở, khiếm khuyết về cơ chế, những quy định cụ thể, đặc biệt là thiếu sự nghiêm minh trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến thất thoát của cải, tài nguyên quốc gia, tiền đóng thuế của người dân.
Nói tới Điều 4 Hiến pháp 1992 là nói tới những cơ sở lịch sử, chính trị và pháp lý về vai trò lãnh đạo, cầm quyền của ĐCS Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội ta. Về lịch sử, ai cũng biết hơn 80 năm qua, ĐCS Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện là lực lượng duy nhất tổ chức vận động, lãnh đạo, đồng thời là người đi tiên phong, không sợ hy sinh, gian khổ trong cuộc Cách mạng Tháng Tám, giành lại độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, xây dựng nước Việt Nam hiện đại với chế độ dân chủ – cộng hòa. Lần đầu tiên trong lịch sử, các quyền công dân và quyền con người của người dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 và được bảo đảm trong thực tế. Tiếp đó, ĐCS Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ thành quả của cách mạng. ĐCS Việt Nam cũng là lực lượng chính trị duy nhất khởi xướng công cuộc đổi mới, hội nhập với cộng đồng quốc tế, tạo nên vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế.
Về chính trị – tư tưởng, ĐCS Việt Nam đi theo chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh với tinh thần cách mạng và sáng tạo. Mục tiêu của Đảng là: Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; vừa giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, vừa xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, hội nhập quốc tế trên tinh thần: Việt Nam sẵn sàng là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm với tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập dân tộc và sự tiến bộ xã hội.
Những kẻ đang tuyên truyền cho nền dân chủ phương Tây thường lập luận rằng, chủ nghĩa Mác – Lê-nin là “tôn giáo”, đã lỗi thời và CNXH đã sụp đổ; do đó, Việt Nam cần phải thực hiện chế độ dân chủ đa nguyên… Họ lờ đi hoặc xuyên tạc tư duy mới, đường lối đổi mới của ĐCS Việt Nam về CNXH và con đường đi lên CNXH. Trong đó, ĐCS Việt Nam đã thừa nhận những sai lầm, khuyết điểm của mình trong thời kỳ trước đổi mới, như: chủ quan duy ý chí, xóa bỏ kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường… Đảng ta đã khẳng định cần phải xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xã hội và hội nhập với cộng đồng quốc tế, v.v.
Về vai trò lãnh đạo của Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung và phát triển năm 2011) viết: “ĐCS Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động… Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống ấy. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”1.
Về pháp lý, vai trò lãnh đạo của ĐCS Việt Nam đã được quy định tại Điều 4, Hiến pháp nước Cộng hoà XHCN Việt Nam năm 1992. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với pháp luật quốc tế. Tại Điều 1, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (năm 1966) ghi: “Tất cả các quốc gia đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình, tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá”2.
Quy định trên có nghĩa: việc lựa chọn chế độ chính trị nào, thể chế tam quyền phân lập hay phân công phối hợp có sự giám sát của nhân dân; đề cao hệ tư tưởng nào? Giai cấp tư sản hay giai cấp công nhân? CNTB hay CNXH? và việc có ghi hay không ghi vào Hiến pháp, điều đó hoàn toàn là quyền của mỗi dân tộc, không ai có quyền can thiệp, kể cả Liên hợp quốc. Vai trò lãnh đạo, cầm quyền của ĐCS Việt Nam được Quốc hội quyết định ghi vào Hiến pháp 1992 chỉ là văn bản hóa vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ta trên thực tế hơn một nửa thế kỷ qua mà thôi.
Không phủ nhận rằng, xã hội ta hiện nay còn nhiều vấn đề, thậm chí có những vấn đề bức xúc, như: tình trạng phân hóa giàu – nghèo, quan liêu, tham nhũng chưa bị đẩy lùi, đặc biệt là sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên cho đến nay, xã hội ta đã tạo lập được những cơ sở chính trị, tư tưởng, pháp lý vững chắc để giải quyết những vấn đề đó, nhất là quyết tâm chính trị của toàn Đảng ta thể hiện trong Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” để làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh lãnh đạo nhân dân ta xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Bởi vậy, tất cả sự xuyên tạc, hoặc mưu toan áp đặt một mô hình dân chủ nào đó cho xã hội ta, đều là nhằm loại bỏ sự lãnh đạo của ĐCS Việt Nam, tạo cơ hội cho các thế lực thù địch trong và ngoài nước thực hiện dã tâm chuyển hóa xã hội ta trở lại chế độ bóc lột, trở lại chế độ thuộc địa cho ngoại bang mà thôi. Hơn nữa vai trò lãnh đạo, cầm quyền của ĐCS Việt Nam còn là một giá trị của dân tộc ta trong thế kỷ XX – thế kỷ mà dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đứng lên giành được độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng một xã hội mới hướng đến những tiêu chuẩn chung của nền văn minh nhân loại.
PHƯƠNG NHI (Theo Quoc phong toan dan)
Hiện chưa có phản hồi nào.