Sinh ra trong một gia đình nghèo, đôi chân lại mang dị tật bẩm sinh, nhưng 6 năm liền cậu học trò đi bằng một chân Trần Bá Quân đều đạt nhiều thành tích trong học tập. Sắp tới em còn tham gia đội tuyển học sinh giỏi 2 môn: Tiếng Anh và Ngữ Văn.
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về cậu bé Trần Bá Quân, học sinh lớp 6A, Trường THCS Quảng Lưu (Quảng Xương, Thanh Hóa) là đôi mắt sáng long lanh, thể hiện nghị lực vươn lên và không chịu đầu hàng số phận. Ngay khi chào đời, em đã không may mắn như các bạn cùng trang lứa. Em chào đời với một thân hình yếu ớt, đôi chân dị tật. Nỗi đau đó của em là hậu quả để lại sau những năm kháng chiến của ông nội.
Rồi Quân cũng lớn lên, cũng tập đi như những đứa trẻ khác nhưng thật khốn khổ mỗi khi em đứng lên thì đều ngã lăn ra đất. Thương con, bố Quân dù ốm đau quanh năm vẫn gắng đi làm cửu vạn nơi đất khách quê người, ai thuê gì làm nấy để mong kiếm tiền chạy chữa cho con. Còn mẹ của em thì tần tảo bám mấy sào ruộng để tiếp tục mưu sinh. Dù nghèo khó là vậy, nhưng mỗi khi ai mách ở đâu có người bó bột, nắn gân giỏi là gia đình lại đưa em đi, vẫn nuôi cái hy vọng có thể chữa trị đôi chân để con bớt đi những khổ cực mỗi khi đi lại. Thế nhưng đã hơn 11 năm trôi qua, món nợ về những lần đi chữa bệnh cho con chưa trả hết mà đôi chân của Quân vẫn không có gì thay đổi.
Những ngày trời lạnh, tình cảnh lại càng khốn khổ hơn đối với cậu bé đáng thương này, đôi chân co quắp không đi được giầy, dép, chịu cái lạnh thấu da nhưng em vẫn kiên nhẫn chấp nhận như đó là điều hiển nhiên mà số phận em đã an bài.
Trong căn nhà ẩm thấp, tối bưng, chị Nguyễn Thị Tuyết không cầm được nước mắt khi kể về đứa con trai tội nghiệp của mình: “Năm cháu học lớp 1, có một đoàn bác sỹ về Bệnh viện Nhi Thanh Hóa khám và điều trị cho những trường hợp bị dị tật như Quân nhưng riêng Quân là trường hợp khó khăn nhất. Họ có lấy mẫu xét nghiệm để về nghiên cứu và hứa sẽ quay trở lại. Lúc đó gia đình cũng hy vọng lắm, thế nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy hồi âm gì cả”.
“Cứ mỗi lần mua dép về cho con lại phải vứt đi một chiếc là tôi lại ứa nước mắt, mà vì cháu phải lết đi nên dép mua về chỉ được vài tuần là lại phải mua đôi khác. Điều an ủi với vợ chồng tôi là cháu rất ham học. Cứ về đến nhà là ngồi vào bàn học không cần phải mẹ nhắc. Nhiều hôm trời mưa gió bảo cháu xin phép cô nghỉ ở nhà nhưng cháu vẫn không chịu, cứ bắt mẹ đưa đi bằng được. Cháu cũng bảo với tôi rằng cố học để sau này đỡ khổ”, chị Tuyết nghẹn ngào.
Khi nghĩ đến việc con đủ 18 tuổi có thể tháo khớp và lắp chân giả, nhưng điều trăn trở lớn đối với người mẹ này là thu nhập những ngày làm thuê làm mướn của chồng cũng chỉ được mấy đồng, anh lại đau ốm quanh năm, sau Quân còn một người em đang học mẫu giáo. Mọi thứ đều trông chờ vào mấy sào ruộng do một tay chị Tuyết gánh vác, cuộc sống mưu sinh của cả gia đình còn nhiều chật vật thì liệu có đủ tiền để chữa trị đôi chân cho đứa con tội nghiệp của mình hay không. Nghĩ đến đó, chị chỉ biết nhìn con rồi khóc.
Điều đáng khâm phục ở “cậu bé một chân” này đó là nghị lực vươn lên và lòng ham học. Ngay khi thấy các bạn cùng trang lứa cắp sách đến trường, Quân cũng nằng nặc đòi bố mẹ đưa đi bằng được. Dù với đôi chân tàn tật, em chỉ có thể lê lết từng bước và dù ngôi trường cách nhà chỉ vài cây số nhưng đối với Quân đó là cả một khoảng cách xa xôi, nhưng em vẫn đều đặn đến lớp. Có lẽ hiểu được hoàn cảnh gia đình và những thiệt thòi của bản thân nên cậu bé Quân rất ham học và chỉ có đến lớp mới làm cậu bé quên đi những nỗi đau của mình, cũng ở nơi đó em tìm thấy niềm vui từ bạn bè.
Những ngày đầu đến lớp, Quân được bố mẹ rồi ông bà thay nhau cõng đi học rồi đón về. Lớn lên một chút, những ngày mùa bận rộn, bố đi làm thuê ở xa, mẹ bộn bề với công việc đồng áng, Quân lại một mình lê lết đến trường. Đối với những người bình thường thì quãng đường chỉ mất 20 phút đi bộ nhưng với Quân phải đi cả tiếng đồng hồ mới có thể đến nơi nhưng điều đó chưa bao giờ làm em nản lòng. Vượt qua những khó khăn, nhọc nhằn, Quân luôn đạt thành tích trong học tập.
Từ khi cắp sách đến trường cho đến nay, năm nào Quân cũng là học sinh tiên tiến và học sinh giỏi. Năm học lớp 6 này, Quân còn nằm trong đội tuyển đi thi học sinh giỏi 2 môn: môn Tiếng Anh và môn Ngữ Văn.
Nói về cậu học trò giàu nghị lực của mình, cô Lê Thị Oanh – giáo viên chủ nhiệm của Quân chia sẻ: “Em Quân là một học sinh đặc biệt, hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại là một học sinh khuyết tật nhưng em luôn cố gắng và nỗ lực trong học tập. Không những thế, mặc dù đôi chân làm hạn chế đi những hoạt động của em nhưng các phong trào của lớp cũng được Quân tham gia rất nhiệt tình, nhiều khi tôi còn phải nhắc em nên nghỉ ngơi và giữ gìn sức khỏe. Quân xứng đáng là một tấm gương cho nhiều học sinh khác noi theo”.
Chia tay cậu học trò khuyết tật giàu nghị lực, chúng tôi xúc động khi nghe lời bộc bạch của Quân trong ánh mắt buồn khi em nhìn xuống đôi chân của mình: “Em sẽ cố gắng học thật giỏi để trở thành bác sỹ chữa bệnh cho người nghèo và những người bị tật nguyền như em”.
NT (DT)
Hiện chưa có phản hồi nào.