Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng » Kinh tế – Chính trị – Xã hội » Bớt gánh nặng cho học sinh, Việt Nam sẽ có nhiều nhân tài

Chủ đề dạy thêm học thêm đang là một trong những vấn đề được dư luận quan tâm những ngày qua, nhất là sau thông tin một số báo đưa về việc có nơi kiểm tra, lập biên bản cấm dạy thêm, hoặc “bắt dạy thêm như bắt trộm”… Một số người có người thân ở nước ngoài, du học sinh, kiều bào đã gửi email, chia sẻ qua Cổng TTĐT Chính phủ về chương trình giáo dục ở nước ngoài với con cái họ.

Chị Nguyễn Hải Yến kiều bào đang có con học lớp 1 ở Mỹ tâm sự: Ở Mỹ, việc học của các cháu ở lớp hay bài tập về nhà đều rất nhẹ nhàng và đơn giản, không cảm giác bị áp lực của học hành. Học sinh đi học nhưng vẫn có thời gian vui chơi để phát triển tuổi thơ một cách tự nhiên. Các cháu học ở trường từ 8 giờ sáng đến 3 giờ chiều, học hành, vui chơi, ăn sáng, ăn trưa tại trường. Đặc biệt, các cháu hoàn toàn không phải đi học thêm.

Nên đi sát thực tế, để trẻ tự học là phương pháp tốt. Ảnh minh họa

Nên đi sát thực tế, để trẻ tự học là phương pháp tốt. Ảnh minh họa

Anh Trần Văn Hùng (kiều bào), có con học lớp 2 tại Đan Mạch cho biết, lớp học bắt đầu từ lúc 9h15, sau đó nghỉ giải lao, ăn trưa và kết thúc buổi học lúc 12h30. Các cháu thường học các môn học bắt buộc như: tiếng Đan Mạch, tiếng Anh, các môn Lịch sử, Xã hội. Ngoài ra các cháu còn được học các môn chính như Toán, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Vật lý, Địa lý, Sinh vật, Hóa, Giao thông, Giới tính, Thể dục, Âm nhạc… Phụ huynh nào có nhu cầu thì đăng ký cho bé ở lại trong câu lạc bộ trong trường đến tối. Tại câu lạc bộ, các cháu có giáo viên bộ môn hướng dẫn và tham gia các trò chơi, giải trí. Các cháu không bị giao bài tập về nhà.

Ở Canada, lớp học tiểu học bắt đầu từ 9h5–15h, chương trình học ở đây gồm có tiếng Anh, tiếng Pháp, Toán, Khoa học, Công nghệ, Nghệ thuật, Xã hội học, Giáo dục thể chất…. Sau giờ học, các gia đình có thể đăng ký cho con tham gia các chương trình ngoài giờ, tùy theo độ tuổi với các môn học như: thể dục nhịp điệu, bóng đá, võ, khiêu vũ, múa hiện đại… Tùy điều kiện sức khỏe của trẻ, kinh tế gia đình cũng như giờ giấc làm việc của cha mẹ để chọn đăng ký cho con những lớp học phù hợp nhất.

Nhiều người có con nhỏ học tại Úc đều nói, giáo dục tiểu học ở Úc “chơi nhiều hơn học, học mà như chơi, lại hiệu quả”. Anh Phạm Thế Phương, có con học lớp 3 tại một trường công lập Úc chia sẻ: học sinh tiểu học ở các trường Úc “chơi là chính” nhưng chơi để học và học qua các trò chơi. Cũng như ở Việt Nam, các em được học đọc, viết và làm toán, không chỉ qua sách giáo khoa mà qua nhiều hình thức khác nhau.

Ngoài việc dạy kiến thức cho học sinh, các trường tiểu học ở Úc còn rất chú ý tạo môi trường vui chơi và rèn luyện thân thể cho các em bằng cách lắp đặt các thiết bị leo trèo, đu xà, cầu trượt… trong khuôn khổ sân chơi của trường. Tất cả các thiết bị này đều rất an toàn, phù hợp với từng lứa tuổi. “Ở đây, các cháu học rất thoải mái, theo đúng sở thích, hứng thú và chẳng hề bị gò ép”, anh Phương nói.

Theo các ý kiến du học sinh, kiều bào chia sẻ, không chỉ ở cấp tiểu học mới được áp dụng chương trình học linh động, phù hợp theo khả năng của học sinh mà ở các cấp giáo dục cao hơn như phổ thông trung học hay đại học, sinh viên cũng có thể được chủ động lựa chọn môn học.

Anh Đinh Xuân Trường, đã từng học đại học tại Mỹ chia sẻ: Ở Mỹ, sinh viên không phải lên lớp nhiều và họ chủ yếu dành thời gian để tự học, nghiên cứu. Ngoài ra, dù học bất cứ ngành chính nào như toán, vật lý, hóa học, kinh tế, văn chương… thì khoảng 1/3 thời gian đào tạo là các môn mà học sinh được tự chọn.

Việc tự chọn là rất quan trọng để sinh viên mở mang kiến thức về nhiều ngành học khác nhau. Sau khi ra trường, bạn có thể làm việc ở nhiều chuyên môn khác nhau chứ không bị bó vào ngành chuyên môn duy nhất mà mình học ở trường…

Bạn Phương Thảo, du học sinh ở New Zealand cho biết: Mình đã có thời gian học lớp 10, 11 ở đây, phương pháp học ở bên này khác ở Việt Nam. Khối lượng kiến thức không lớn, nhưng bài tập áp dụng thì rất nhiều. Kiến thức chủ yếu là do quá trình tự học của bản thân. Ngoài ra, việc tự tìm sách, tự đọc, rồi tự rút ra những điều quan trọng là rất cần thiết. Có thể nói, phương pháp giáo dục này chú trọng vào thực hành và phát huy tính chủ động, tự giác, rèn luyện kỹ năng tư duy của người học…

Những câu chuyện, chia sẻ về chương trình giáo dục ở nước ngoài thiết nghĩ cũng có giá trị tham khảo đối với thực tế phương thức, cách thức luyện con chữ cho con trẻ ở Việt Nam ta hiện nay.

Phùng Huyền – Thu Hằng (VGP)

Kết bạn với Thủ tướng trên Facebook
Thích và chia sẻ bài này trên Facebook
Tags:
Share on Link Hay! Share on Facebook! Tweet This!

Hiện chưa có phản hồi nào.

Gửi phản hồi

  • Tổng bí thư

    Nguyễn Phú Trọng

  • Chủ tịch nước

    Trương Tấn Sang

  • Chủ tịch Quốc hội

    Nguyễn Sinh Hùng

  • Biển đảo Việt Nam

    Trường sa - Hoàng sa