Ngày 8/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tập thể Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về Đề án phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh.
Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh báo cáo với Bộ Chính trị về Đề án, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính nêu rõ: Quảng Ninh có vị trí địa chiến lược đặc biệt, điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng, có vịnh Hạ Long 2 lần được công nhận là Di sản – Kỳ quan thiên nhiên thế giới, vịnh Bái Tử Long với điều kiện sinh thái đặc sắc, có hơn 600 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; có nguồn tài nguyên khoáng sản giàu có. Quảng Ninh có hai địa bàn giàu tiềm năng, thế mạnh là Vân Đồn và cửa khẩu Móng Cái, tạo thành hai điểm đột phá trong phát triển…..
Những tiềm năng, lợi thế trên giúp Quảng Ninh có thể phát triển toàn diện, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Tuy nhiên, Quảng Ninh đang đứng trước nhiều thách thức cần tập trung tháo gỡ trong quá trình phát triển.
Mục tiêu của Đề án là xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những đầu tầu kinh tế của miền Bắc; tích cực chuyển đổi phương thức phát triển, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển từ kinh tế “nâu” chủ yếu dựa vào tài nguyên hữu hạn và nhân công giá rẻ, sang kinh tế “xanh” bền vững, thân thiện với môi trường, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. Thí điểm xây dựng hai đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Móng Cái, tạo nền tảng để Quảng Ninh phát triển nhảy vọt, toàn diện sau năm 2020, trở thành đặc khu hành chính-kinh tế trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP giai đoạn 2011-2020 đạt bình quân 14%/năm, GDP bình quân đầu người đạt 4.000 USD (năm 2015) và trên 8.000 USD (năm 2020). Năm 2020 có cơ cấu kinh tế: dịch vụ trên 51%, công nghiệp dưới 45%, nông nghiệp 4%…
Xây dựng Vân Đồn trở thành thành phố biển tiêu biểu, trung tâm du lịch sinh thái-nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp và cửa ngõ giao thương quốc tế. Móng Cái là thành phố cửa khẩu quốc tế hiện đại ngang tầm khu vực; giữ vai trò là cửa ngõ hợp tác quan trọng giữa Việt Nam với Đông Bắc Á và Đông Nam Á, xây dựng khu công nghiệp-cảng biển Hải Hà gắn với cửa khẩu Móng Cái trở thành trung tâm dịch vụ cửa khẩu và hậu cần cảng biển hiện đại.
Sau khi nghe ý kiến của tập thể Bộ Chính trị, đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, kết luận buổi làm việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Bộ Chính trị hoan nghênh và đánh giá cao tinh thần đổi mới, tìm tòi sáng tạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh trong quá trình chuẩn bị đề án này. Đề án đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, bài bản, khoa học, tranh thủ được nhiều ý kiến của các ngành, các cơ quan liên quan, thể hiện tầm nhìn xa, chiến lược, đặt Quảng Ninh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cũng như trong thế phát triển chung của đất nước, trước mắt và cả lâu dài, với những ý tưởng mới, táo bạo, quyết liệt, đột phá.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: Quảng Ninh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, đối ngoại, quốc phòng, an ninh phía Đông Bắc của Tổ quốc, có tiềm năng phát triển lớn. Với mong muốn khai thác, phát huy tốt tiềm năng thế mạnh của Quảng Ninh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều Nghị quyết, Kết luận, tạo điều kiện để tỉnh Quảng Ninh phát triển kinh tế- xã hội nhanh, bền vững.
Bộ Chính trị cho rằng: Việc xây dựng Đề án là cần thiết. Tuy nhiên, nội dung của Đề án còn một số vấn đề cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu, làm rõ để có đầy đủ căn cứ lý luận và thực tiễn, có tính thuyết phục cao hơn, tạo được sự đồng thuận nhiều hơn.
Bộ Chính trị giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ chủ trì, chỉ đạo các bộ, ngành, các cơ quan Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tiếp tục nghiên cứu kỹ, hoàn thiện Đề án, trình Bộ Chính trị cho ý kiến.
Trước mắt, tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục thực hiện tốt Kết luận số 47-KL/TW ngày 6/5/2009 của Bộ Chính trị về những chủ trương, giải pháp phát triển Quảng Ninh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, tạo nền tảng quan trọng để tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phát triển./.
Hương Thủy (TTXVN)
Hiện chưa có phản hồi nào.