Ngày 21/03 vừa qua, Tạp chí “Kết nối” (Connection” Magazine) của Mỹ đã tiết lộ: Ít người biết được là, tuy đã thử nghiệm cất, hạ cánh thành công trên tàu sân bay “Liêu Ninh”, nhưng tiêm kích hạm J-15 của Trung Quốc đã ít nhất 3 lần gặp sự cố kỹ thuật.
Ngày 21/03 vừa qua, trong một bài viết, Tạp chí “Kết nối” (Connection” Magazine) của Mỹ cho biết, việc Trung Quốc thử nghiệm thành công tàu sân bay Liêu Ninh và lần đầu tiên thử nghiệm thành công khả năng cất hạ cánh tiêm kích hạm, chứng tỏ họ đã có bước tiến bộ nhất định, thể hiện tiềm năng của một tàu sân bay thực thụ.
Thế nhưng, ẩn giấu đằng sau ánh hào quang ấy là những sự cố mà không mấy ai biết đến. Kể từ khi Trung Quốc thành lập lực lượng không quân trên hàng không mẫu hạm, ít nhất là J-15 đã 3 lần gặp sự cố trong quá trình thử nghiệm.
Bài báo cho biết, phát triển tàu sân bay và tiêm kích hạm là một vấn đề rất khó, cần phải có thời gian thử nghiệm và huấn luyện lâu dài. Là một “Thiếu gia” mới nổi về hải quân, nhưng quá trình thử nghiệm tiêm kích hạm của Trung Quốc có nhiều vấn đề không được như ý.
Thời gian qua, có rất nhiều tình tiết chứng tỏ Bắc Kinh đã có những bước đi sai lầm trong những thời khắc quyết định. Điều đó làm người ta hoài nghi, liệu Trung Quốc có đủ khả năng nhanh chóng xây dựng một hàng không mẫu hạm có năng lực tác chiến thực sự không?
Sự cố thứ nhất phát sinh trong khoảng thời gian từ tháng 6/2011 – 11/2012, một phi công thử nghiệm hạng mục C đang chuẩn bị điều khiển J-15 hạ cánh xuống một Trung tâm thử nghiệm máy bay thì đèn tín hiệu phát ra cảnh báo màu đỏ, thể hiện có sự rò rỉ trong hệ thống thủy lực.
Bài báo chỉ ra, sự cố này hoàn toàn không phải là một sự cố đơn lẻ, điều này là lỗi có tính chất hệ thống về kỹ thuật máy bay của Trung Quốc. Trước đây một quan chức quân sự Mỹ đã tiết lộ, hạng mục thử nghiệm của J-11B cũng gặp phải nhiều lỗi kỹ thuật, Trung Quốc đã rơi không ít máy bay vì những sự cố kiểu này.
Trước khi hệ thống thủy lực mất điều khiển hoàn toàn, phi công thử nghiệm đã khẩn cấp hạ cánh xuống sân bay và cố gắng giữ cho máy bay được cân bằng trong điều kiện không có phanh hãm. Rất may là nhân viên mặt đất đã thiết lập những hàng rào và một móc hãm ở đầu cánh máy bay đã bật ra giữ cho chiếc J-15 dừng lại trên đường băng.
Sau đó, trong thử nghiệm bay hạng mục B trên mô hình tàu sân bay trên đất liền, khi một phi công J-15 thực hành hạ cánh trên “boong tàu”, thì 1 trong 2 động cơ chết đột ngột. Vấn đề này có thể dẫn đến cháy nổ máy bay nên phi công thử nghiệm B đã nhanh trí tắt ngay động cơ bị hỏng. Đây chỉ là thử nghiệm trên mô hình đất liền, nếu không hậu quả rất thảm khốc.
Sự cố thứ 3 của J-15 thì “ấn tượng” hơn nhiều. Lúc đó phi công thử nghiệm A đang cho J-15 thực hiện phanh và tiếp đất trên mô hình tàu sân bay dùng một móc ở đuôi để móc vào sợi cáp trên đường băng. Đây là khoa mục thực nghiệm mặt đất để phi công móc vào cáp hãm đà trên tàu sân bay Liêu Ninh, có thể làm cho tiêm kích hạm dừng hẳn trong khoảng cách 100 feet (30,48m).
Trong thử nghiệm này, J-15 không bay lên mà chạy trên mặt đất với vận tốc 125 dặm Anh (Miles), tương đương 200km/h, mục đích là sử dụng móc ở đuôi máy bay móc trúng 1 trong 2 sợi cáp căng ngang trên đường băng.
Khi đó, phi công thử nghiệm A đã móc trúng 1 sợi cáp đầu tiên nhưng động tác quá mạnh làm máy bay bị giật ngược, va phần đuôi xuống dưới đất đánh “sầm” một tiếng, làm những người xung quanh toát mồi hôi. Rất may là chiếc cáp thứ 2 đã níu được chiếc J-15 lại trên đường băng.
Ngày 23/11/2012, thử nghiệm A của J-15 lần đầu tiên được tiến hành trên tàu sân bay “Liêu Ninh”. Lúc 09h08 phút phi công thử nghiệm A đã móc trúng sợi cáp hãm đà thứ 2, trong số 4 sợi và hạ cánh an toàn. Sau khi chịu vô số những nguy hiểm trong quá trình thử nghiệm, cuối cùng người Trung Quốc cũng thành công với chiếc tiêm kích hạm của mình.
Tuy nhiên, những thử nghiệm thành công trong điều kiện bình thường, không phải chịu áp lực lớn như trong chiến tranh, hơn nữa với những sự cố kỹ thuật của chiếc máy bay sử dụng công nghệ tiêm kích hạm của Liên Xô những năm 80 thế kỷ trước, không ai biết được liệu trong tương lai nó còn những trục trặc gì? Người ta hoài nghi, liệu Trung Quốc có đủ khả năng nhanh chóng xây dựng một hàng không mẫu hạm có năng lực tác chiến thực sự không?
(BANTD)
Hiện chưa có phản hồi nào.