Thị trường chứng khoán ở dưới mức tiềm năng và chưa phát ánh hết tốc độ tăng trưởng thực tế của nền kinh tế, vì vậy Việt Nam lại trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư ngoại, theo đánh giá của tạp chí danh tiếng Barron’s
Michael Shari là biên tập viên kinh tế kỳ cựu, từng hợp tác với rất nhiều tạp chí và tổ chức nổi tiếng thế giới, như Financial Times, Daily Finance, Business Week hay Standard & Poor’s. Cuối tuần trước, trong một bài báo đăng trên Barron’s – tạp chí kinh tế cùng hệ thống với Wall Street Journal, ông nhận định Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn nhiều thị trường chứng khoán.
Đánh giá có nhiều địa chỉ đầu tư khác quen thuộc và ít rủi ro hơn Việt Nam, nhưng Shari nhận thấy nhiều giám đốc quỹ đầu tư có uy tín lại cho rằng triển vọng của quốc gia Đông Nam Á này đủ hấp dẫn để họ đổ tiền vào cổ phiếu.
Theo Shari, việc này rất dễ hiểu. Việt Nam giàu tài nguyên, là nước đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê, sau Brazil, và gạo, sau Thái Lan. Ngoài ra, đây còn là quốc gia xuất khẩu ròng về dầu thô. Theo sổ tay tiêu dùng của Trung Quốc, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đang tăng lên. Số người trẻ học thức cao tại quốc gia 88 triệu dân này cũng ngày một nhiều. Tuy nhiên, họ sẵn sàng làm việc với mức lương thấp hơn Trung Quốc.
Cổ phiếu Việt Nam cũng rất rẻ. Đây chính là điểm hấp dẫn các nhà đầu tư. Chỉ số P/E (giá/lợi nhuận) của các công ty thực phẩm, dược phẩm và cao su hiện vào khoảng 5 – 7 lần, thấp hơn 30% – 50% so với các nước đang phát triển khác, theo ước tính của ông Mark Mobius – Chủ tịch Quỹ Templeton Emerging Markets. Các công ty này cũng trả cổ tức với tỷ lệ 4% – 6%. Mobius cho biết: “Từ khóa cho trò chơi ở Việt Nam bây giờ là định giá. Nói chung, thị trường nước này khá hấp dẫn”.
Cách dễ dàng nhất để đầu tư vào Việt Nam là thông qua quỹ Market Vectors Vietnam. Quỹ này có danh mục cổ phiếu rải khắp gần 30 quốc gia, 70% số đó là ở Việt Nam. 30% còn lại cũng là các nước có ít nhất một nửa hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, theo ông Rafael Cordero – Giám đốc marketing của Van Eck Global – công ty quản lý quỹ này. Tổng giá trị tài sản của Market Vectors Vietnam đã tăng 19,1% trong 12 tháng, tính đến ngày 28/12/2012.
Quỹ đầu tư Templeton Frontier Markets của Mobius cũng có 3,8% trong số 695 triệu USD tài sản ở Việt Nam. Giá trị Templeton Frontier Markets cũng tăng 24,28% trong 12 tháng, tính đến hết 28/12/2012.
Nếu muốn mạo hiểm hơn, nhà đầu tư có thể mua cổ phiếu thông qua nhân viên môi giới. Tuy nhiên, Shari cảnh báo thị trường Việt Nam có rất nhiều scandal về việc các doanh nhân có thế lực vay lượng lớn tiền từ ngân hàng để bơm căng bong bóng bất động sản. Vì thế, khi các khoản vay này biến thành nợ xấu, ngân hàng sẽ bị mắc kẹt. Chính phủ Việt Nam cũng đang chậm chạp trong quá trình tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước, còn nhà đầu tư nước ngoài thì vẫn chưa được phép sở hữu trên 49% cổ phần công ty Việt.
Tuy nhiên, Shari nhận định ở đây vẫn có nhiều cổ phiếu tốt. Andrew Gillan, một nhà đầu tư cấp cao tại Aberdeen Asset Management, rất chuộng cổ phiếu Vinamilk khi mã này tăng giá tới 41% trong 12 tháng qua. Vinamilk có 45% thuộc sở hữu nhà nước và lượng tiền mặt dồi dào. Hệ số P/E của công ty này là 14, tuy nhiên, Gillan vẫn cho là “hấp dẫn nếu xét đến tiềm năng thị trường”.
Asha Mehta là nhà phân tích đầu tư tại Acadian Asset Management, quỹ quản lý tài sản cho rất nhiều nhà đầu tư cá nhân và tổ chức giàu có tại Việt Nam. Ông cũng nhận xét Hà Nội đang có nhiều dấu hiệu cải tổ tích cực trong việc nới lỏng quy định hạn chế tỷ lệ sở hữu với nhà đầu tư nước ngoài và thanh lọc hệ thống ngân hàng.
Giống như nhiều thị trường mới nổi khác, Việt Nam sẽ còn rất nhiều biến động. Tuy nhiên, theo Mobius, trong hai thập kỷ tới, “Việt Nam có khả năng thành Hàn Quốc thứ hai”. Rõ ràng nhất là việc Tập đoàn Samsung Electronics (Hàn Quốc) đã chuyển tới 40% bộ phận sản xuất điện thoại của mình sang Việt Nam.
(TNVN)
Hiện chưa có phản hồi nào.