Lần tiếp xúc trực tiếp gần đây nhất giữa Nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên Kim Jong Un và các quan chức lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã có một cái kết hoàn toàn không đẹp như mối quan hệ vốn có giữa hai nước.
Một phái đoàn quan chức cấp cao từ Trung Quốc do ông Lý Kiến Quốc (Li Jianguo) – ủy viên Bộ Chính trị, dẫn đầu đã đến thăm Tháp Hữu nghị ở thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên hồi tháng 11 năm ngoái. Trong chuyến thăm này, ông Lý Kiến Quốc đã mang theo một bức thư của Nhà lãnh đạo cao nhất Trung Quốc – tân Tổng Bí thư Tập Cận Bình gửi ông Kim Jong Un. Bức thư chứa đựng một thông điệp đơn giản: Đừng phóng tên lửa đạn đạo.12 ngày sau, ông Kim Jong Un đã có câu trả lời nhưng là câu trả lời khiến Trung Quốc tức giận. Đó là một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm xa khiến cộng đồng quốc tế xôn xao.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên trong quá khứ luôn được miêu tả là thân thiết, gắn bó như “môi với răng”, môi hở thì răng lạnh. Tuy nhiên, thâm tình sâu nặng giữa hai nước láng giềng này dường bắt đầu phai nhạt bởi ông Kim Jong Un – một nhân vật trẻ chưa đầy 30 tuổi và hoàn toàn mới trên chính trường, liên tục thách thức ông Tập Cận Bình.
Mối quan hệ liên minh gắn bó giữa cường quốc kinh tế Trung Quốc và nước láng giềng nhỏ bé Triều Tiên sẽ xấu đi đến mức nào đang trở thành một đề tài được bàn tán, thảo luận công khai trên báo chí và các diễn đàn ở Trung Quốc. Một số tin rằng, đó là sự rạn nứt nghiêm trọng. Ngay trong nội bộ chính phủ Trung Quốc được cho là cũng đã nổ ra một cuộc tranh luận nóng bỏng về cách thức xử lý vấn đề liên quan đến Nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên. Thậm chí, một số quan chức và giới chuyên gia đã lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh từ bỏ đồng minh Triều Tiên.
Trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Trung Quốc hồi tuần trước, một số điều trong mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đã trở nên rõ hơn.
Mối quan hệ cá nhân giữa Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình đã không còn thân thiết như thời ông Kim Jong Il cầm quyền. Các nhà phân tích cho rằng, nguyên nhân một phần của mối quan hệ ít thắm thiết giữa lãnh đạo hai nước là sự khác biệt về tuổi tác giữa Nhà lãnh đạo non trẻ Kim Jong Un và những chính khách lão luyện, đầy kinh nghiệm của phía Trung Quốc.
Kể từ sau chuyến thăm “bẽ bàng” hồi tháng 11 năm ngoái, không có thêm bất kỳ thông báo chính thức nào về các chuyến thăm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc đến Triều Tiên.
Trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước trở nên xấu đi sau khi ông Kim Jong Un tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ba hồi tháng 2 vừa rồi, Bắc Kinh đã gợi ý cử một số quan chức cấp cao tới Bình Nhưỡng, trong đó có ông Đới Bỉnh Quốc – Ủy viên Quốc Vụ viện Trung Quốc vừa nghỉ hưu hồi tháng 3 và là một chuyên gia đầy kinh nghiệm về Triều Tiên. Tuy nhiên, Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã phũ phàng khước từ lời đề nghị này. Giới lãnh đạo Trung Quốc coi đây là dấu hiệu chứng tỏ tân Lãnh đạo Triều Tiên muốn thể hiện ông này ít phụ thuộc vào Bắc Kinh hơn là người cha của mình, các nhà phân tích đã nhận định như vậy.
Không rõ liệu ông Tập Cận Bình đã từng gặp ông Kim Jong Un bao giờ chưa. Lần gần đây nhất ông Tập Cận Bình đến thăm Bình Nhưỡng là vào tháng 6 năm 2008 khi ông này đang ở cương vị Phó Chủ tịch Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình đã đến Triều Tiên trước khi ông Kim Jong Il bị đột quỵ. Như vậy, khi đó Bình Nhưỡng chưa bắt đầu tiến trình chuẩn bị cho một chuyển giao quyền lực dẫn tới việc đưa ông Kim Jong Un lên cầm quyền như hiện nay.
Sự chêch lệch tuổi tác và mối quan hệ xa lạ, lỏng lẻo giữa lãnh đạo Trung Quốc và Triều Tiên đã khiến quan hệ giữa hai nước ngày càng thiếu tính gắn bó.
Sau gần một tháng bán đảo Triều Tiên biến thành chảo lửa, Trung Quốc dường như đã cảm thấy quá đủ và họ đã không còn có thể im lặng được trước những lời nói, động thái gây sóng gió của chính quyền Bình Nhưỡng. Lần này, Bắc Kinh đã công khai thể hiện sự không hài lòng trước những hành động bất cẩn của đồng minh.
Khi Ngoại trưởng Trung Quốc Wang Yi có cuộc điện đàm với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon hôm 6/4, ông này đã bày tỏ sự phản đối đối với những lời đe dọa và hành động nhằm gây bất ổn trong khu vực Đông Bắc Á. Hơn nữa, ông Wang còn nhấn mạnh rõ, Trung Quốc sẽ không cho phép ai “gây rối ngay trước cửa ngõ của mình”.
Ngày hôm sau, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố tại Diễn đàn Khu vực Bắc Ngao rằng, không nước nào “được phép đẩy khu vực và thậm chí là toàn bộ thế giới vào vòng hỗn loạn chỉ vì lợi ích ích kỷ”. Ông Tập Cận Bình không chỉ đích danh nước nào nhưng những lời lên án của ông này được tất cả mọi người cho là ám chỉ đến Triều Tiên.
Báo chí nhà nước Trung Quốc cũng cho thấy sự mất kiên nhẫn và ít khả năng chịu đựng của họ trước nước láng giềng Triều Tiên. Một số nhà bình luận trên báo chí đã miêu tả tuyên bố tái khởi động lò phản ứng hạt nhân Yongbyon là hành động “mất kiểm soát” và “điên rồ”.
Tờ Thời báo Hoàn cầu – một tờ báo luôn có quan điểm cứng rắn, đã có bài viết trước thềm chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, trong đó cho biết, sự chịu đựng, nhẫn nại của nước này có giới hạn. “Khi những hành động của Bình Nhưỡng vi phạm nghiêm trọng lợi ích của Trung Quốc, chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép nó xảy ra”, bài báo viết.
Trong khi đó, tờ People’s Daily kêu gọi Bình Nhưỡng đừng “phán đoán sai tình hình” đồng thời chỉ trích chính phủ Triều Tiên vì đã vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về việc phóng tên lửa đạn đạo và thủ hạt nhân.
Mặc dù đã giơ ra “thẻ vàng” với chính quyền Kim Jong Un nhưng nhiều người tin rằng, điều đó không có nghĩa là Bắc Kinh đã sẵn sàng từ bỏ đồng minh Triều Tiên của mình. Lý do là Triều Tiên có tầm quan trọng chiến lược đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc. Bắc Kinh luôn coi nước láng giềng đồng minh là tấm “lá chắn” bảo vệ cho nước họ.
VNMEDIA
Hiện chưa có phản hồi nào.