Triều Tiên sở hữu một lực lượng Phòng không – Không quân đồ sộ nhiều tầng nhiều lớp. Tuy nhiên khả năng tác chiến của lực lượng này trước sức mạnh không quân Mỹ – Hàn, là một ẩn số nếu chiến tranh xảy ra.
Sau chiến tranh Triều Tiên năm 1953 đến nay, Bình Nhưỡng đã xây dựng một lực lượng Phòng không-Không quân với quy mô rất lớn. Quy mô lực lượng này khoảng 110.000 người, với 1.600-1.700 máy bay chiến đấu các loại chủ yếu có nguồn gốc từ Liên Xô và Trung Quốc.
Đông đảo nhất trong biên chế Không quân Triều Tiên là tiêm kích Mig-21 với khoảng 150 chiếc. Loại máy bay này đã có màn trình diễn ấn tượng tại chiến trường Việt Nam. Tốc độ, khả năng cơ động cao chính là điểm mạnh của Mig-21.
Với loại máy bay chiến đấu Mig-23, Triều Tiên có khoảng 56 chiếc. Đây là loại máy bay chiến đấu thế hệ 3, điểm mạnh của máy bay này là có khả năng tấn công mặt đất tương đối tốt. Tốc độ nhanh, khả năng mang tải trọng vũ khí lớn khoảng 3 tấn là lợi thế của Mig-23.
Bên cạnh đó, Triều Tiên còn có khoảng 40 chiếc máy bay chiến đấu F-7, biến thể xuất khẩu của tiêm kích J-7 do Trung Quốc sao chép từ Mig-21 của Liên Xô; 98 chiếc F-6; 100 chiếc F-5 do Trung Quốc sản xuất được sao chép từ Mig-19 và Mig-17 của Liên Xô.
Mặt khác, Không quân Triều Tiên có khoảng 80 chiếc máy bay ném bom H-5. Còn loại A-5, họ có khoảng 40 chiếc do Trung Quốc sản xuất.
Về máy bay tấn công mặt đất, họ có 36 chiếc Su-25, 18 chiếc Su-7. Ngoài ra, Không quân Triều Tiên còn có khoảng 20 chiếc trực thăng tấn công Mi-24D, 500 máy bay vận tải các loại và 357 máy bay huấn luyện các loại.
Mạnh nhất, hiện đại nhất trong biên chế Không quân Triều Tiên là tiêm kích Mig-29 với khoảng 40 chiếc các loại, trong đó có 35 chiếc Mig-29B và 5 chiếc Mig-29UB. Đây là loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 được đánh giá rất cao.
Mig-29 được trang bị hệ thống điện tử hàng không hiện đại, tốc độ nhanh, khả năng cơ động cao, tải trọng vũ khí lớn. Tiêm kích này thực sự là một đối thủ đáng gờm trên bầu trời.
(BĐV)
Hiện chưa có phản hồi nào.