Một lần nữa Mourinho lại nhắc đến Việt Nam trong bài phỏng vấn cuối cùng trên tư cách HLV Real Madrid. Với những phát ngôn gây sốc và đầy tranh cãi thường thấy, Mourinho bảo làm việc ở Real Madrid chả khác gì làm việc ở… Việt Nam.
Chủ tịch Florentino Perez bảo chính áp lực, từ truyền thông, người hâm mộ và nội bộ đội bóng đã khiến Mourinho rời Madrid sớm hơn dự kiến. Trên chương trình Punto Pelota, Mourinho nói ngược lại hoàn toàn với ý của Perez. Nguyên văn như sau: “Tôi chưa từng cảm thấy áp lực trong ba năm qua. Tôi là HLV duy nhất trong lịch sử Real Madrid chưa từng ăn ở những nhà hàng sang trọng, chưa từng thăm thú toà soạn các báo. Khi cầm quân, bạn có 20 cầu thủ, 20 quả bóng và một sân vận động thì là ở Real, Trung Quốc hay Việt Nam, cũng không có sự khác biệt nào”.
Đây không phải là lần đầu tiên Mourinho nhắc đến Việt Nam. Lần đầu tiên ở Ý, khi PV có ý chê bai chức vô địch của Inter Milan là quá dễ dàng bởi các đối thủ đều đã suy yếu, Mourinho nói: “Vô địch ở đâu cũng khó, Việt Nam còn khó nữa là”.
Lần thứ 2 là sau một trận đấu tại La Liga. Khi ấy vì quá khó chịu với cách chơi bạo lực của các cầu thủ Sevilla và sự dung túng của trọng tài, Mourinho nói: “Nếu tôi ngồi ở nhà và xem trận này qua truyền hình thì 15 phút là tôi chuyển kênh. Mở Eurosport coi Việt Nam đá sướng hơn”.
Khi người ta nhắc đi nhắc lại một điều gì đó, rõ ràng nó phải mang tính điển hình. Ở đây Việt Nam chính là một điển hình… xấu. Mourinho so sánh những trận đấu bạo lực, những vị trọng tài kém năng lực, một giải đấu dở và một môi trường làm việc không áp lực với Việt Nam là bởi nó quá… dễ hiểu và mang tính đặc trưng cao. Chẳng hạn như khi người ta hỏi: “Chừng nào Việt Nam vô địch World Cup” thì chả cần phải nói là mấy chục năm, mấy trăm năm, chỉ cần nói “tới tết Congo” là người nghe sẽ hiểu nó… xa ơi là xa và dám… không bao giờ tới.
Việt Nam, chính xác hơn là bóng đá Việt Nam, đã “nổi tiếng” đến mức độ phổ quát như thế. Người nước ngoài dùng Việt Nam làm một vế so sánh bởi nó quá dễ hiểu và dễ mường tượng. Khi cả đất nước Tây Ban Nha kêu gọi triệu tập Raul Gonzalez trở lại đội tuyển cách đây hai năm mà HLV Vicente del Bosque vẫn phớt lờ, tờ Marca thậm chí đã đưa lên trang nhất: “Tại sao Raul không được gọi, phải chăng anh ấy là người Việt Nam?”
Khi Tây Ban Nha để thua Argentina 1 – 4 trong một trận giao hữu hậu World Cup 2010 thì tờ AS đã mô tả 15 phút đầu Tây Ban Nha đá như… Việt Nam. Hai tờ báo có số phát hành cao nhất Tây Ban Nha (riêng Marca là một trong những tờ có doanh số cao nhất châu Âu) đưa chữ Việt Nam để cho hàng tít và thông tin của mình có sức nặng. Đọc một cái là… hiểu liền.
Trở lại với phát ngôn của Mourinho. Đấy chắc chắn không phải là lần cuối cùng “người đặc biệt” nhắc đến Việt Nam trong những phát ngôn của mình. Khi bạn cứ nói đi nói lại một điều gì đó, hoặc là bạn rất thích nó, hai là bạn rất ghét nó. Mourinho là người Bồ, có thể ông là bạn của… Calisto và mê bóng đá Việt Nam chăng? Nếu không, hẳn ông… có thù với nền bóng đá nước ta. Nhưng lần này ông đã nói sai. Ông chê bóng đá Việt Nam dở, chê bạo lực, chê trọng tài thì cũng… chấp nhận được đi, chứ làm sao nói bóng đá Việt Nam không có áp lực. Cứ thử mà sang đây cầm quân xem, giúp Việt Nam vô địch AFF Cup dám còn khó hơn giúp Real vô địch Champions League ấy chứ.
(BSG)