Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng » Quốc tế » Làn sóng biểu tình lan rộng tại Libya đòi Tổng thống từ chức

Biểu tình lan rộng tại Libya

Theo tin nước ngoài, làn sóng biểu tình ở Libya tiếp tục lan rộng và ngày 20/2 đã xuất hiện tại thủ đô Tripoli.

Hàng chục nghìn người biểu tình đã tập hợp tại các thành phố Benghazi, Misrata đòi Tổng thống Moammar Gadhafi từ chức.

Các nguồn tin cho biết, xung đột đã nổ ra giữa lực lượng an ninh và người biểu tình làm nhiều người thương vong.

Một bác sĩ tại thành phố Benghazi, nơi tình hình được cho là nghiêm trọng nhất, cho biết ít nhất 50 người đã thiệt mạng và 100 người khác bị thương nặng riêng trong buổi chiều 20/2.

Một số nguồn tin còn nói rằng, người biểu tình dường như đã kiểm soát toàn bộ Benghazi, thành phố lớn thứ nhì của Libya.

Tại thủ đô Tripoli, đụng độ đã nổ ra giữa hai phe chống đối và ủng hộ ông Gadhafi. Các nhân chứng cho biết, cảnh sát đã sử dụng hơi cay để giải tán biểu tình, người ta nghe thấy tiếng súng nổ dữ dội ở trung tâm thành phố.

Giới phân tích nhận định, biểu tình lan tới thủ đô là một diễn biến nghiêm trọng kể từ khi các hoạt động phản đối bùng nổ ở Libya. Trước đây, các cuộc biểu tình hầu hết chỉ xảy ra tại khu vực miền Đông, nơi chính phủ khó kiểm soát hơn.

Cùng ngày, Đại diện thường trực Libya tại Liên đoàn Arập (AL) Abdel Moneim al-Honi tuyên bố từ chức để phản đối việc trấn áp biểu tình. Tuy nhiên, các nguồn tin từ AL cho biết, khối này chưa được thông tin về quyết định từ chức của ông Honi. Libya hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên của AL.

Phát biểu trên truyền hình quốc gia tối 20/2, ông Seif al-Islam Gadhafi, con trai của Tổng thống Gadhafi cảnh báo, làn sóng biểu tình phản đối chính phủ trong sáu ngày qua có thể dẫn tới một cuộc nội chiến tại quốc gia Bắc Phi này và cáo buộc các phần tử Libya lưu vong kích động bạo lực trong nước. al-Islam cũng khẳng định quân đội vẫn ủng hộ chính phủ.

Trong một động thái nhằm làm dịu tình hình, ông Islam cũng đề xuất thúc đẩy thực hiện cải cách trong những ngày tới, đồng thời cam kết chính quyền sẵn sàng dỡ bỏ một số hạn chế và bắt đầu thảo luận về hiến pháp.

Trước tình hình phức tạp tại khu vực Trung Đông, ngày 20/2, Áo tuyên bố sẽ cử một máy bay quân sự đến Manta chuẩn bị di tản công dân Áo và châu Âu ra khỏi Libya và các nước Arập khác.

Mỹ đã cho phép thân nhân của các nhân viên sứ quán rời khỏi Libya và khuyến cáo công dân Mỹ không nên tới Libya. Nhiều nước khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Australia, Hàn Quốc cũng đã hoặc đang triển khai các kế hoạch sơ tán công dân khỏi Libya.

Liên minh châu Âu (EU) đã ra tuyên bố kêu gọi nhà chức trách Libya kiềm chế và tôn trọng quyền của người dân. Đáp lại tuyên bố này, Thủ tướng Libya Al-Baghdadi Al-Mahmoudi khẳng định với các đại sứ các nước EU rằng Libya có quyền áp dụng mọi biện pháp để bảo vệ sự thống nhất và ổn định của đất nước.

Libya cũng triệu đại sứ Hungary, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên EU, đến để cảnh báo sẽ ngừng hợp tác với EU trong vấn đề đối phó với người nhập cư bất hợp pháp nếu EU tiếp tục bày tỏ ủng hộ làn sóng chống chính phủ tại nước này.

Cùng ngày, hàng nghìn người biểu tình chống chính phủ tại Morocco đã tập hợp ở thủ đô Rabat đòi cải tổ chính trị, hạn chế quyền của Quốc vương Mohammed. Những người biểu tình đã hô khẩu hiệu đòi một bản hiến pháp mới, cải thiện điều kiện kinh tế và diệt trừ tham nhũng./.

Kết bạn với Thủ tướng trên Facebook
Thích và chia sẻ bài này trên Facebook

Hiện chưa có phản hồi nào.

Gửi phản hồi

  • Tổng bí thư

    Nguyễn Phú Trọng

  • Chủ tịch nước

    Trương Tấn Sang

  • Chủ tịch Quốc hội

    Nguyễn Sinh Hùng

  • Biển đảo Việt Nam

    Trường sa - Hoàng sa