“Xuất” ra một khoản tiền lớn, lên tới 757 tỉ đồng để mua – bán lại cổ phiếu (CP) nhưng khoản này lại không được Ngân hàng Sacombank (STB) ghi nhận trong mục đầu tư chứng khoán. Sự thiếu rõ ràng và độ rủi ro quá lớn của hợp đồng này đang khiến cổ đông, các nhà đầu tư lo ngại, nhất là vụ việc xảy ra sau khi NH này bị thâu tóm.
Tự xây dựng chính sách kế toán riêng
Vụ việc chỉ bị phát hiện sau khi kiểm toán là Công ty TNHH Pricewaterhouse Coopers VN (PwC), đơn vị thực hiện soát xét báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2012 của STB, “lưu ý” giao dịch mua và bán lại CP giữa STB với 7 cá nhân, gồm CP của CTCP chứng khoán Beta, CTCP chứng khoán Phương Nam (PNS) và NH Bưu điện Liên Việt với tổng số tiền lên tới 757 tỉ đồng trong thời hạn 6 và 12 tháng. Trong thời gian thực hiện hợp đồng, nếu giá CP giảm 75% so với giá mua ban đầu, STB có quyền yêu cầu đối tác thực hiện 1 trong 3 việc: mua lại trước hạn toàn bộ chứng khoán đã bán theo giá trị bán được thỏa thuận trong hợp đồng (bằng với giá NH đã mua cộng với chi phí vốn); ký quỹ số tiền tương ứng với giá trị sụt giảm của các CP này so với giá mà NH mua trước đó; bán chứng khoán cho bên thứ 3 để thu hồi vốn, giảm thiệt hại cho cả hai bên.
Nói cho dễ hiểu là NH STB bỏ ra 757 tỉ đồng mua CP của 7 cá nhân, đến thời hạn theo cam kết trong hợp đồng thì bán lại cho 7 cá nhân này.
Tuy nhiên, theo kiểm toán, hiện tại chưa có quy định kế toán về các giao dịch mua – bán lại CP có kỳ hạn. STB đã tự xây dựng chính sách kế toán của mình và áp dụng cho nghiệp vụ này. Kiểm toán khuyến nghị về quy trình quản trị rủi ro đối với nghiệp vụ này. Đơn cử, việc xác định mức độ suy giảm giá trị 75% so với giá mua ban đầu có thể là quá cao, dẫn đến tổn thất tài chính không được ghi nhận một cách kịp thời.
Giải trình về việc này, STB cho rằng, do trong thỏa thuận các CP này không chuyển quyền sở hữu nhưng STB vẫn ràng buộc các điều kiện để đảm bảo kiểm soát an toàn và thu được lợi ích kinh tế trong tương lai. Vì vậy, STB không ghi nhận các CP này vào khoản mục đầu tư chứng khoán; số tiền đã trả cho các chứng khoán được mua đồng thời cam kết sẽ bán lại được ghi nhận vào khoản mục tài sản khác trên bảng cân đối kế toán của NH. Tuy nhiên, theo công ty kiểm toán, số tiền này được ghi nhận ở mục “khoản phải thu” nhưng tới ngày 30.6, SBT chưa ghi nhận dự phòng cho các khoản phải thu này với lý do vẫn còn trong hạn.
Nhận rủi ro về mình
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận xét, việc hạch toán số tiền 757 tỉ nói trên của STB vào “khoản phải thu” là không chuẩn. Ở VN, “khoản phải thu” trong báo cáo tài chính của hầu hết các công ty đều “đổ” vào rất nhiều những giao dịch không rõ ràng. Nếu cứ đẩy vào “khoản phải thu” thì không ai kiểm soát nổi. Đặc biệt, thỏa thuận mức suy giảm 75% giá trị so với giá mua ban đầu là “quá kinh khủng và khó hiểu”. “Thông thường, mua một CP mà bị giảm 10 – 20% đã là đáng lo, giảm 50% là “tiêu rồi” mà ở đây, giảm tới 75% của một giá trị giao dịch lên tới 757 tỉ đồng thì quá rủi ro”, ông Hiếu nói. Ông Nguyễn Trí Hiếu cũng đặt vấn đề, phải làm rõ số vốn này được sử dụng làm gì? Nếu đầu tư vào NH là không được bởi chức năng của NH là cung cấp tín dụng cho sản xuất.
Một chuyên gia tài chính tại TP.HCM lại cho rằng, có quá nhiều khuất tất trong hợp đồng này. Đơn cử, mua CP với giá bao nhiêu, không rõ ràng. Trên thực tế, cũng khó có căn cứ để xác định giá các CP này. Ví dụ với CP của PNS, chỉ có 5 cổ đông sở hữu 100% cổ phần của công ty này nên đây không phải là CP đại chúng, không có giao dịch. Tương tự CP của CTCK Beta và NH Liên Việt đều là CP OTC và hầu như không có giao dịch. Không giao dịch thì không thể nói tăng hay giảm giá. Cũng có nghĩa là thỏa thuận “giảm 75% giá trị ban đầu” như trong hợp đồng là gần như không thể xảy ra và không thể yêu cầu người bán mua lại hay nộp thêm tiền. Quan trọng hơn, nếu sau thời hạn cam kết là 6 – 12 tháng, nếu người bán không thực hiện hợp đồng thì điều kiện thế nào, không thấy đề cập tới. “Nếu là tôi, tôi sẽ không mua lại. Những hợp đồng này không chỉ rủi ro, nguy hiểm cho cổ đông của STB mà còn ảnh hưởng nguy hiểm cho hệ thống tài chính. Vì vốn của NH là huy động từ dân, với rủi ro cao thế này, hoàn toàn có thể trở thành nợ xấu, khiến lãi suất không thể hạ xuống”, chuyên gia này nói. Như vậy, có thể thấy hợp đồng này rủi ro hoàn toàn thuộc về STB. Chính kiểm toán cũng khẳng định, đây là một hợp đồng có mức độ rủi ro cao.
7 cá nhân này là ai mà khiến STB tự mở ra một hợp đồng chưa có nghiệp vụ kế toán ở VN? Tại sao STB lại ký một hợp đồng mà rủi ro rất lớn thuộc về mình? Số vốn rất lớn này được sử dụng thế nào… Tất cả những điều này cần được làm rõ để tránh trường hợp các cá nhân này sử dụng chính số vốn này để thâu tóm NH như đã từng xảy ra với chính STB trước đây.
Theo (TNO)
Hiện chưa có phản hồi nào.