“Đầu đường Xây dựng bơm xe/ Cuối đường Kinh tế bán chè đỗ đen/ Ngoại thương mời khách ăn kem/ Cạnh anh Nhạc viện thổi kèn đám ma”
“Hay đổi bà khác đúng lời của cô?”
Mới đây, trên Báo Thanh Niên có đăng bài viết của độc giả Thu Hiền với nội dung bài viết như sau:
“Con gái tôi học lớp ba. Một hôm, kiểm tra bài vở của con thì phát hiện một bài tập làm văn bị điểm bốn với lời phê “thiếu thực tế”. Đề bài như sau: “Kể về một người thân mà em yêu quý nhất”. Con gái kể về bà ngoại đại khái: Bà ngoại em có mái tóc tém nhuộm màu vàng. Hằng ngày bà mặc váy ngắn, mang giày cao gót, đi làm trên chiếc xe máy tay ga…
Thật ra thì con gái tôi tả không sai tí nào. Mẹ tôi sinh con gái đầu lòng năm mới 20 tuổi. Tôi sinh con gái đầu lòng năm 25 tuổi. Hằng ngày mẹ tôi vẫn đi làm ở công sở và vẫn còn khỏe mạnh, yêu đời… Tóc ngắn nhuộm vàng, váy ngắn tới đầu gối hay giày cao gót là chuyện thường ngày của mẹ. Mà không chỉ riêng mẹ tôi đâu, tôi thấy rất nhiều bà ngoại trẻ bây giờ đều thế cả.
Con gái ấm ức kể với tôi rằng: Cô giáo bảo tả về bà ngoại như thế là thiếu thực tế, không đúng với hướng dẫn. Bà ngoại phải là tóc dài bạc trắng búi sau gáy chứ không phải tóc tém nhuộm vàng. Bà ngoại đi xe đạp hay đi bộ chứ làm sao cưỡi được xe máy tay ga. Bà ngoại mặc đồ bộ và mang dép hay guốc chứ không phải váy ngắn tới đầu gối và giày cao gót… Nói xong, con gái tôi kết luận: “Con thấy theo như lời cô giáo tả thì giống bà cố nhà mình hơn là bà ngoại mẹ nhỉ…!”
Hướng chủ đề theo câu chuyện thực tế trên, thành viên Hiếu Orion của mạng xã hội Facebook đã viết bài thơ “Cô bắt làm văn tả bà” hiện đang được cư dân mạng lan truyền với tốc độ chóng mặt. Bài thơ như sau:
Cô bắt làm văn tả bà
Bà ngoại em vẫn chưa già
Chiều chiều bà cưỡi xe ga ra đường
Mắt bà vẫn rất tinh tường
Tóc nhuộm ánh tím soi gương mỗi ngày
Nhưng Bà em vẫn rất hay
Bà chăm con cháu luôn tay luôn mồm
Công việc bà vẫn ôm đồm
Chăm lo con cháu sớm hôm không nề
Hôm nay cô giáo ra đề
Bắt em phải tả viết về Bà em
Em tả giống hệt bên trên
Cô bắt viết lại – mắng thêm em rằng:
Đã Bà là phải rụng răng
Tóc phải bạc trắng như trăng trên trời
Bà cũng không được ăn chơi
Vì mắt phải kém và môi nhai trầu
Đã Bà là phải ngồi khâu
Không được ngồi hát Ka – Râu – Ô – Kề
Nhất là không được ghi đề
Tuyệt đối không được phóng xe ào ào
Em nghe chẳng hiểu thế nào
Em phải hỏi mẹ xem sao vụ này
Tả sai thì lại không hay
Tả đúng thì lại có ngày ăn roi
Kiểu này phải bảo mẹ thôi
Hay đổi Bà khác đúng lời của cô???
Tác giả đã vẽ nên hình ảnh người bà ngoài đời hiện lên chân thực đến từng centimet với vẻ ngoài hiện đại và… cá tính như “cưỡi xe ga”, “tóc nhuộm ánh tím”. Nhưng người bà ấy dù vẫn sống vui, sống khỏe, chăm lo hết mình cho con cháu thì cũng không được phép xuất hiện trong một bài văn tả bà của cô bé học sinh tiểu học.
Tác giả kết thúc bài thơ bằng một câu hỏi hài hước nhưng cũng khiến người đọc phải suy ngẫm: “Hay đổi Bà khác đúng lời của cô?
SV Nhạc viện thổi kèn đám ma, SV Ngoại ngữ viết sớ…
Để nói về một thực trạng sinh viên ra trường không có việc làm, thành viên ruoimuoi của fanpage Hanoi đã sưu tầm bài thơ mang tính chất hài hước mang tính chất châm biếm:
Thực trạng
Đầu đường Xây dựng bơm xe
Cuối đường Kinh tế bán chè đỗ đen
Ngoại thương mời khách ăn kem
Cạnh anh Nhạc viện thổi kèn đám ma
Ngân hàng ngồi dập đô la
(In giấy vàng mã, sống qua từng ngày)
Sư phạm trước tính làm thày
Giờ thay kế toán, hàng ngày tính lô.
Điện lực chẳng dám bô bô,
Giờ đang lầm lũi phụ hồ trên cao.
Lập trình chả hiểu thế nào,
Mở hàng trà đá, thuốc lào…cho vui
Nông nghiệp hỏi đến ngậm ngùi
“Số em chắc chỉ tiến lùi theo trâu”
Nhìn quanh, Thương mại đi đâu?
Hóa ra là đã nhảy tàu đi buôn…..
Ngoại ngữ vẻ mặt thoáng buồn
Đang ngồi viết sớ, kiêm luôn bói bài
Bài thơ này được cho là “ăn theo” một trích đoạn trong cuốn truyện Mảnh đất lắm người nhiều ma của nhà văn Nguyễn Khắc Trường.
Trong fanpage, nhiều độc giả đã bày tỏ quan điểm của mình, độc giả Lê Anh Dũng Quy chỉ ra quy luật xin việc ở Việt Nam: “Nhất hậu duệ/ Nhì quan hệ/ Ba Tiền Tệ/ Bốn Trí Tuệ”.
Thành viên Takumi Sakamoto bày tỏ sự thất vọng: “Nhưng giờ có than cũng vậy thôi, trừ khi có tiền học các trường quốc tế thì may ra. Thôi thì cứ cố mà cầm cái bằng tốt nghiệp trước đã rồi tính gì thì tính”.
Thậm chí, thành viên Chú Chuột Đồng còn làm tiếp bài thơ:
Tài chính cũng lắm gieo neo
Mần bàn vé số, tính kèo đá banh.
Du lịch chọn việc hợp ngành
Bưng, bê, dọn, rửa, chạy quanh nhà hàng.
Hành chính thì lựa nhẹ nhàng
Phô tô, dán ép văn bằng hồ sơ.
Ô hô đại học bây giờ!!!
Tuy nhiên, thành viên Điệp Huân lại tin tưởng: “Khủng hoảng không là mãi mãi, khủng hoảng là cái thời đoạn mọi thứ đang vùng vẫy để tìm ra lối thoát mới. Với những cái đầu có sỏi thì lối mới đó không xa nữa đâu”.
Hai bài thơ tuy không đề cập cùng vấn đề nhưng cùng phản ánh thực trạng của ngành giáo dục nước ta hiện nay, đó là một nền giáo dục ứng thí, rập khuôn, bên cạnh đó là sự mâu thuẫn giữa việc ồ ạt mở trường ĐH và tỷ lệ sinh viên thất nghiệp cao kỷ lục. Để thay đổi được thực trạng trên, có lẽ không chỉ trông chờ vào chính học sinh, sinh viên mà còn cần sự chấn chỉnh của cả hệ thống giáo dục.
(BNLM)
-
Bịa chuyện cảm động trên mạng ăn theo vụ đánh bom ở Boston
- 17/04/2013
-
Xúc động chuyện “nhận được 5.000 đồng từ người ăn xin”
- 17/04/2013
-
Hình ảnh khiến giới trẻ bật khóc khi xem
- 17/04/2013
-
Xôn xao bức ảnh “hot boy” kề môi hôn nhau
- 16/04/2013
-
Hình ảnh chim chết đầy vỉa hè gây hoang mang
- 16/04/2013
Hiện chưa có phản hồi nào.