Việt Nam là quốc gia có vùng biển lớn ở khu vực Đông Nam Á. Nhiều ngành, nhiều lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của Việt Nam đều gắn với biển như dầu khí, nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản, hàng hải và du lịch biển… Việc Quốc hội Việt Nam mới đây thông qua Luật Biển Việt Nam sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế biển.
Theo tài liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam có vùng biển đặc quyền kinh tế rộng hơn 1 triệu ki -lô-mét vuông, gấp 3 lần diện tích đất liền; có bờ biển dài 3.260km. Vùng biển Việt Nam có hơn 3000 đảo lớn, nhỏ, hơn 80 cảng biển lớn, nhỏ trong gần 100 địa điểm có thể xây dựng cảng, thuận lợi cho việc giao lưu phát triển kinh tế – văn hóa và giao thương kinh tế quốc tế. Vùng thềm lục địa của Việt Nam là nơi tập trung nhiều loại khoáng sản khác nhau, trong đó có dầu khí với tiềm năng dự báo khoảng 10 tỷ tấn dầu quy đổi, trữ lượng khai thác từ 4 đến 5 tỷ tấn và trữ lượng khí đồng hành khoảng 300 tỷ mét khối. Biển Việt Nam được công nhận là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển trên thế giới, nơi hội tụ hàng loạt các hệ sinh thái biển. Các nhà khoa học đã ghi nhận hơn 2000 loài cá, 2.500 loài thân mềm, 1.500 loài giáp xác… Du lịch biển được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta hiện nay. Hằng năm vùng biển thu hút khoảng 73% số lượt khách du lịch quốc tế, với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 12 %/năm…
Tiềm năng thế mạnh của biển chỉ được đánh thức và phát huy tác dụng khi có hành lang pháp lý đầy đủ và cơ chế chính sách phù hợp. Nhiều quốc gia có biển trên thế giới, sau khi phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 đã xây dựng Luật về biển của nước mình bảo đảm phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và tạo cơ sở pháp lý cho việc phát triển kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền vùng biển của nước họ. Luật về biển đã tạo điều kiện quan trọng cho nhiều nước phát triển kinh tế biển. Ví dụ Ca -na-đa đã xây dựng và ban hành Luật Biển từ năm 1997 và từ đó đến nay kinh tế biển của Ca -na-đa đã có những bước phát triển khá toàn diện. Nhật Bản ban hành Luật cơ bản về Biển năm 2007. Ngay sau khi ban hành Luật cơ bản về Biển, Nhật Bản đã thành lập một cơ quan đầu mối về chính sách biển tổng hợp do Thủ tướng đứng đầu nhằm thúc đẩy biện pháp về biển một cách tập trung và tổng hợp. Cơ quan này đã hoạt động rất tích cực và hiệu quả…
Ở nước ta, trước khi Quốc hội thông qua Luật Biển Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta cũng đã ban hành nhiều nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế chính sách để phát triển kinh tế biển.
Ngày 22-9-1997, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ những quan điểm cơ bản của nghị quyết này, cùng với việc tiếp tục nhấn mạnh chủ trương lớn xây dựng Việt Nam trở thành một nước mạnh về biển, phát triển kinh tế – xã hội vùng biển, hải đảo, ven biển phải gắn kết với yêu cầu bảo vệ đất nước, có thể thấy rõ hơn chủ trương rất quan trọng là: Cần đặt kinh tế biển trong tổng thể kinh tế cả nước, trong quan hệ tương tác với các vùng và trong xu thế hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới.
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-2-2007 “Về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, trong đó xác định các quan điểm chỉ đạo về định hướng Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Mục tiêu tổng quát là đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh. Mục tiêu cụ thể là xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học – công nghệ, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP của cả nước. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển; có thu nhập bình quân đầu người cao gấp hai lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước. Cùng với xây dựng một số thương cảng quốc tế có tầm cỡ khu vực, hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh, sẽ xây dựng một số khu kinh tế mạnh ở ven biển; xây dựng cơ quan quản lý tổng hợp thống nhất về biển có hiệu lực, hiệu quả, mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực về biển.
Chiến lược phát triển kinh tế -xã hội đến năm 2020 do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI thông qua (năm 2011) đã nhấn mạnh: “Phát triển mạnh kinh tế biển tương xứng với vị thế và tiềm năng biển của nước ta, gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển. Phát triển nhanh một số khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp năng lượng, đóng tàu, xi măng, chế biến thủy sản chất lượng cao… Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, tạo thành các trung tâm kinh tế biển mạnh, tạo thế tiến ra biển, gắn với phát triển đa dạng các ngành dịch vụ, nhất là các ngành có giá trị gia tăng cao như dịch vụ xuất, nhập khẩu, du lịch, dịch vụ nghề cá, dịch vụ dầu khí, vận tải… Phát triển cảng biển, dịch vụ cảng và vận tải biển, sông – biển; phát triển các đội tàu, công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển… Phát triển kinh tế đảo phù hợp với vị trí, tiềm năng và lợi thế của từng đảo”.
Luật Biển Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua đã dành hẳn một chương (Chương IV) với 5 điều (từ Điều 42 đến Điều 46) quy định về “Phát triển kinh tế biển”. Bốn nguyên tắc phát triển kinh tế biển đã được ghi rõ tại Điều 42, đó là: Phục vụ xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; Gắn với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn trên biển; Phù hợp với yêu cầu quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển; Gắn với phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương ven biển và hải đảo.
Điều 43 của Luật Biển Việt Nam quy định: Nhà nước ưu tiên tập trung phát triển các ngành kinh tế biển: Tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu, khí và các loại tài nguyên, khoáng sản biển; Vận tải biển, cảng biển, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, phương tiện đi biển và các dịch vụ hàng hải khác; Du lịch biển và kinh tế đảo; Khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản; Phát triển, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ về khai thác và phát triển kinh tế biển; Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực biển.
Điều 46 của Luật Biển Việt Nam cũng quy định rõ, Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mạng lưới hậu cần biển, phát triển kinh tế các huyện đảo; có chính sách ưu đãi để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư sinh sống trên các đảo. Nhà nước khuyến khích, ưu đãi về thuế, vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đầu tư khai thác tiềm năng và thế mạnh phát triển trên các đảo, tăng cường hoạt động ngư nghiệp và các hoạt động khác trên biển, đảo; bảo vệ hoạt động của nhân dân trên biển, đảo.
Công khai các lĩnh vực Nhà nước ưu tiên tập trung các ngành kinh tế biển sẽ khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư vào các lĩnh vực này và tạo hành lang pháp lý để các ngành kinh tế biển mũi nhọn của Việt Nam phát triển.
Luật Biển Việt Nam còn có những quy định về “Chính sách quản lý và bảo vệ biển” (Điều 5); “Quy hoạch phát triển kinh tế biển” (Điều 44); “Xây dựng và phát triển kinh tế biển” (Điều 45) … Đó là những căn cứ pháp lý quan trọng để Việt Nam phát triển bền vững kinh tế biển.
Tuy nhiên, để Luật Biển Việt Nam đi vào cuộc sống và phát huy tích cực trong đời sống xã hội, rất cần những văn bản dưới Luật, đặc biệt là các Nghị định của Chính phủ, các Thông tư của các Bộ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật. Nhân dân đang mong chờ những văn bản quy phạm pháp luật này để có cơ sở pháp lý phát triển kinh tế biển, sớm đạt được mục tiêu Việt Nam sẽ là quốc gia “Mạnh về biển, làm giàu từ biển”.
Theo (QĐND)
Hiện chưa có phản hồi nào.