Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng » Thời sự » Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Không “đánh trống bỏ dùi”

Nghị quyết của Quốc hội đã được ban hành phải được triển khai thực hiện, không thể để xảy ra tình trạng “đánh trống bỏ dùi”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định như vậy sáng 11-12, trong buổi khai mạc phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Trong buổi làm việc này, các thành viên UBTVQH chủ yếu cho ý kiến đánh giá kết quả kỳ họp thứ tư vừa qua và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII.

  • >> Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Quốc hội hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra

  • >> Thu nhập 9 triệu đồng/ tháng vẫn chưa phải chịu thuế

  • >> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phân công thành viên Chính phủ họp phiên thứ tư UBTV Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc phiên họp. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc phiên họp. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Sau khi nghe Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Báo cáo Đánh giá kết quả kỳ họp thứ tư và Tờ trình Về việc chuẩn bị kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn phát biểu: Qua tiếp xúc, cử tri có lời khen về nhiều vấn đề – đặc biệt là việc đổi mới nội dung họp, ra những nghị quyết quan trọng, tăng thời lượng phát thanh, truyền hình trực tiếp… Tuy nhiên, Phó chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn cũng chỉ ra một số vấn đề cần khắc phục. Cụ thể, một số báo cáo còn quá dài, cơ quan thẩm tra cần có trách nhiệm hơn trong việc yêu cầu cơ quan soạn thảo bảo đảm nội dung báo cáo ngắn gọn. Trong tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn, thời gian bố trí cũng vẫn chưa hợp lý, nhiều câu hỏi chưa được trả lời hoặc được trả lời nhưng chưa làm đại biểu, cử tri và nhân dân thấy thỏa mãn. Phó chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn đề xuất, với những vị bộ trưởng trả lời vòng vo, Chủ tịch Quốc hội có thể cắt luôn phần trả lời. Theo đồng chí Phó chủ tịch, ở một số nước khác, khi có yêu cầu từ chủ tọa cắt phần phát biểu đang diễn ra, bộ phận điều hành máy sẽ ngắt luôn tín hiệu.

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đề nghị nhấn mạnh một số vấn đề được coi là kết quả tích cực của kỳ họp thứ tư vừa qua. Về khối lượng công việc, từ nội dung đến văn bản, các vấn đề đặt ra và giải quyết, đều lớn hơn các kỳ họp trước. Kỳ họp thứ tư cũng có nhiều điểm mới quan trọng. Đồng tình với ý kiến của Phó chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn, Chủ nhiệm Trương Thị Mai cho rằng để sử dụng hiệu quả hơn thời gian trên hội trường, cần chính thức hóa trách nhiệm giải trình của các cơ quan thực hiện dự án. Sau khi các đại biểu thảo luận ở tổ, cơ quan trình dự án phải có báo cáo giải trình tiếp thu. Về vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn, nếu vấn đề chất vấn đã được đưa vào nghị quyết nhưng chưa được thực hiện thì cần đưa ra chất vấn lại, đưa vào nghị quyết để yêu cầu tiếp tục thực hiện.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ ra thực tế được đúc rút sau những phiên trực tiếp điều hành thảo luận ở hội trường: Có những đại biểu phát biểu trên hội trường nhưng nhắc lại nội dung đã phát biểu ở tổ và ý kiến ấy đã được tổng hợp. Để khắc phục tình trạng này, Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị khi thảo luận ở hội trường cần có gợi ý cụ thể, đi sâu vào giải pháp theo những vấn đề cụ thể. Việc thảo luận mở chỉ nên áp dụng ở tổ.

Bày tỏ sự đồng tình với Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội K’sor Phước đề xuất, đại biểu có nhiều câu hỏi sẽ gửi câu hỏi bằng văn bản để các cơ quan chức năng trả lời bằng văn bản. Đại biểu chỉ nên lựa chọn từ 1 đến 2 câu hỏi bức xúc nhất để nêu ra trước hội trường. Như thế sẽ tăng được số lượng người chất vấn. Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, trong các phiên chất vấn cũng cần bố trí thời gian cho phần tranh luận.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng một lần nữa đánh giá cao hiệu quả của kỳ họp Quốc hội vừa qua. Nhắc lại số nghị quyết được thông qua tại kỳ họp thứ tư đạt số lượng lớn nhất từ trước tới nay trong một kỳ họp, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhắc nhở các cơ quan cần lưu ý trong việc thực hiện nghị quyết, “phải làm sao để các nghị quyết này đi vào cuộc sống”. “Muốn vậy phải có chuyển động của các cơ quan thuộc Chính phủ, chuyển động của các cơ quan hữu quan”, Chủ tịch Quốc hội nói. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nêu câu hỏi: Đã ra nghị quyết rồi, nếu không thực hiện nghĩa là “đánh trống bỏ dùi”, nói lắm mà không làm được thì dân sẽ nghĩ như thế nào? Từ đó, đồng chí yêu cầu các cấp, các ngành phải triển khai thực hiện nghị quyết và đại biểu Quốc hội cần tăng cường giám sát việc thực hiện ấy.

Chiều cùng ngày, UBTVQH thảo luận, thông qua Chương trình hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế năm 2013 của các cơ quan của Quốc hội.

Theo chương trình, ngày 12-11, UBTVQH sẽ thảo luận và thông qua Chương trình Công tác năm 2013 của UBTVQH; cho ý kiến lần đầu về dự thảo hướng dẫn thi hành Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

MINH THẮNG (QDND)

Kết bạn với Thủ tướng trên Facebook
Thích và chia sẻ bài này trên Facebook
Tags:
Share on Link Hay! Share on Facebook! Tweet This!

Hiện chưa có phản hồi nào.

Gửi phản hồi

  • Tổng bí thư

    Nguyễn Phú Trọng

  • Chủ tịch nước

    Trương Tấn Sang

  • Chủ tịch Quốc hội

    Nguyễn Sinh Hùng

  • Biển đảo Việt Nam

    Trường sa - Hoàng sa