Đối thoại với gần 200 thanh thiếu niên chậm tiến, Bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh cho rằng, làm người phải có lòng tự trọng, cái gì không thuộc về mình thì đừng lấy, đói quá thì đi xin.
Sáng 12/7, Công an Đà Nẵng cùng Thành đoàn và Hội Cựu chiến binh thành phố đưa thanh thiếu niên có hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật… tham quan trại giam Hòa Sơn (huyện Hòa Vang).
Khi lên xe, các nam nữ thanh thiếu niên tuổi 14 – 19 hào hứng vì bỗng dưng được đi chơi và nhận quà 300.000 đồng. Nhưng khi tận mắt chứng kiến những người phạm tội ngồi sau song sắt hay cật lực lao động cải tạo giữa trời nắng gắt, nhiều khuôn mặt non nớt bỗng trở nên ngơ ngác, sợ hãi.
Mồ côi cha mẹ từ 4 năm trước và đang sống chung với bà nội 95 tuổi, Duy Hoàng (15 tuổi, ở quận Thanh Khê) đã nhiều lần gây rối khiến bạn bè kiêng nể vì “nhỏ mà liều”. Vậy nhưng chỉ sau một vòng tham quan trại giam, Hoàng tâm sự: “Lên đây em mới biết đi tù khổ thế nào. Từ nay em sẽ không dám gây lộn, đánh nhau nữa. Em sẽ lo đi học việc kiếm tiền phụ bà nội”.
Thu hút sự chú ý trong đoàn là cô bé dáng người cao, xinh xắn Nguyễn Thị Hoài (14 tuổi, ở quận Hải Châu). Bố mẹ ly dị, Hoài sống với bố và bắt đầu tụ tập cùng nhóm bạn “đi bụi”. Liếc mắt về phía nhóm thanh niên đang cải tạo trong trại, Hoài rụt rè: “Em sẽ xin đi học lại, vừa có tương lai tươi sáng, vừa tránh được đám bạn bè xấu để khỏi phải đi tù”.
Sau buổi tham quan, các bạn trẻ đã dự buổi đối thoại với Bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh. Người đứng đầu thành phố đi thẳng vào vấn đề: “Rồi tương lai các em cũng phải có gia đình. Đến lúc đó con cái biết bố mẹ mình đã từng trộm cắp, đánh nhau, ở tù thì các em sẽ xấu hổ với con lắm, ân hận cũng quá muộn!”.
Ông phân tích, việc thanh thiếu niên vi phạm pháp luật đều do bản thân gây ra và là hậu quả của việc “nhàn cư vi bất thiện”, không được giáo dục nghiêm túc ở nhà trường và gia đình. Cái tối thiểu nhất của người có văn hóa là gặp người khác thì chào hỏi, sai thì xin lỗi, ai cho gì thì cám ơn nhưng hầu hết thanh thiếu niên chậm tiến không thực hiện được.
“Cha mẹ sinh mình ra chưa lo báo hiếu đã gây phiền toái cho gia đình và xã hội. Cái gì không thuộc về mình thì đừng có lấy, đói quá thì đi xin. Đã làm người thì phải có lòng tự trọng”, vị phụ huynh này đưa ra lời khuyên.
Bí thư Thanh cũng quả quyết, thành phố dám chi hàng trăm tỷ đồng để xây trường học thì hiện cũng cho mở rộng trại giam Hòa Sơn thêm 50.000 m2 nên thanh thiếu niên nào đã được nhắc nhở, công an đã ghi danh sách mà tiếp tục vi phạm pháp luật, lập tức sẽ bị khởi tố, cho đi tù. Là công dân Đà Nẵng phải có trách nhiệm xây dựng thành phố.
“Đừng bao giờ nghĩ rằng tự nhiên khuyết điểm của mình lên đến mức tối đa để phạm tội mà đó là cả một quá trình. Do đó, Thành đoàn và Hội Cựu chiến binh thành phố phải lưu ý, không thể để các em nghỉ học. Em nào nghèo thì giúp đỡ, nếu học kém quá thì cho đi học nghề”, ông Thanh nói.
Em Quý (19 tuổi, quận Sơn Trà) rụt rè đứng lên đề đạt nguyện vọng được đi làm công nhân nhà máy nước. Bí thư Thanh hỏi mắc khuyết điểm gì mà bị liệt vào danh sách thanh thiếu niên chậm tiến, Quý nói ăn trộm nhiều lần nhưng chỉ khai với công an là trộm hai lần. Ông Thanh liền “chỉnh” ngay: “Làm người phải quân tử, trộm nhiều lần mà lại chỉ dám nhận có hai lần, những lần trộm trước không bị phát hiện nghĩ mình không có tội là không được”.
Đến lượt Trần Hữu Mạnh (14 tuổi, ở quận Hải Châu) đứng lên xin được đi học lại, ông Thanh hỏi ngay lý do bỏ học. Mạnh nói tỉnh bơ: “Cháu đi ăn trộm xe đạp, bị bắt nên bỏ”. Bí thư truy ngay: “Cháu đi ăn trộm với ai? Với bạn thì bạn cháu có đây không”? Mạnh đáp: “Dạ bạn cháu đang ở nhà”. Bí thư Thanh liền quay sang phê bình ngay lực lượng công an khi cùng một vụ trộm lại để lọt nghi phạm.
Tại buổi đối thoại, Bí thư thành ủy Đà Nẵng đã đồng ý hỗ trợ cho một số em nhà quá nghèo được thuê chung cư, đi học lại… khi những em này đứng lên hứa trước mọi người sẽ không tái phạm.
Để có phương án lâu dài quản lý số thanh thiếu niên này, Bí thư Nguyễn Bá Thanh giao công an, Thành đoàn và Hội Cựu chiến binh thành phố lên danh sách để kèm cặp, tạo việc làm và thành phố sẽ cấp kinh phí. “Ba đơn vị này sẽ cùng thi đua với nhau, ai quản lý tốt hơn sẽ được thưởng tiền. Đặc biệt, giao cho mỗi người sắp vào Đảng kèm một em và dựa vào đó để đánh giá, nhận xét việc kết nạp Đảng”, ông Thanh chỉ đạo.
Đây là lần thứ hai Đà Nẵng cho thanh thiếu niên tham quan trại giam và đối thoại trực tiếp với lãnh đạo cao nhất thành phố. Ở lần đối thoại trước, 200 trong số 294 em tham dự đã từ bỏ lối sống cũ, được tạo điều kiện đi học lại và học nghề.
Nguyễn Đông (Vnexpress)
chắc mọi người chưa biết nhiều về webside này nên chưa có phản hồi nào, hi vọng những bài viết hay như bài về ông Nguyễn Bá Thanh sẽ được đăng trên webside nay để thu tướng có thể thấy được những diễn tiến thực tế trong đời sống xã hội nhiều hơn là trên các báo cáo, văn bản