Vị Sa hoàng Nga Aleksandr I Pavlovich từng đánh bại Napoleon gây tranh cãi về việc ông có đi chơi khắp nước Nga suốt mấy chục năm sau khi đã… băng hà? Ông đi chơi khắp xứ bạch dương hàng chục năm sau khi băng hà! Đó là một bí ẩn chưa thể nào giải thích.
Aleksandr I lúc còn sống có chiến công hiển hách nhất là đánh bại đoàn quân của Hoàng đế Pháp Napoléon. Tuy nhiên vào những năm cuối trị vì, Sa hoàng ngày càng có nhiều sai lầm khiến vầng hào quang dần lu mờ, và bản thân ông luôn chán chường, nghi ngờ những người xung quanh, nhất là sau một âm mưu bắt cóc ông lúc ông dự một hội nghị tại Phổ (Đức ngày nay). Nhà vua nói nhiều đến mơ ước có một cuộc sống khác, thậm chí từng nói sẽ thoái vị vào năm 1825.
Chán đời bỏ ngôi
Mùa thu năm ấy, Aleksandr I du hành xuống miền nam Nga do hoàng hậu bệnh nặng. Trên đường đi, ông bị cảm lạnh rồi bị sốt phát ban, chết ngày 1/12/1825 tại thành phố Tarangog, hưởng dương 48 tuổi. Hoàng hậu qua đời vài tháng sau đó, khi xác vua được đưa về St Petersburg an táng ngày 13/3/1826. Ngay sau đó, ở Nga dậy lên tin đồn rằng thực ra Sa hoàng vẫn sống, nhưng từ bỏ ngai vàng để bắt đầu một cuộc sống ẩn dật.
Tin đồn do trước đó ông hoàn toàn khỏe mạnh. Người tin vào giả thuyết này đưa ra rất nhiều bằng chứng khá thuyết phục: nếu Sa hoàng không có mục đích đặc biệt gì, thì tại sao lại chọn Tarangog, nơi một bên giáp thảo nguyên đầy gió cát, một bên giáp biển Azov nặng mùi uế khí để nghỉ dưỡng? Theo thông báo, trước khi băng hà, nhà vua đột ngột mắc bệnh, nhưng tại sao trong 10 bác sĩ được mời đến chữa, chỉ hai người ký tên vào bệnh án?
Chuyện thi hài của Aleksandr I cũng gây rất nhiều nghi ngờ. Hai ngày sau khi Sa hoàng mất, khi mọi người đang ướp xác, khâm liệm, họ thấy khuôn mặt người chết đã bị hủy hoại hoàn toàn, không thể nhận ra. Sau đó, quan tài bị đóng kín suốt thời gian viếng, cấm mở lại. Chính vì vậy, người ta cho rằng nằm trong quan tài là một lính bị chôn “thế thân”.
Thậm chí anh lính gác ở dinh thự Taganrog còn quả quyết vào đêm trước khi có tin Sa hoàng mất, anh nhìn thấy một người rất giống hoàng đế nhảy ra khỏi cửa sổ, biến vào đêm. Công sứ Anh tại Nga cũng nói trông thấy Alexandr I lên một chuyến tàu thủy. Những người khác nói Sa hoàng trở thành một tu sĩ. Các thông tin này càng được tin tưởng khi vào năm 1925, cuộc khai quật mộ Aleksandr I cho thấy trong ngôi mộ hoàn toàn trống rỗng.
“Cõi chết” trở về
10 năm cái chết của Sa hoàng, tin đồn Alexandr I vẫn sống lại rộ lên, từ việc ông lão dáng dấp cao quý tự xưng là Fyodor Kuzmich (gương mặt giống Aleksandr I) xuất hiện ở Siberia. Ông có thói quen cho ngón tay cái vào giữa dây lưng hệt như Sa hoàng, đến mức một lính già kinh ngạc kêu lên: “Đây chính là Sa hoàng của chúng ta”.
Kuzmich am hiểu chính sự, biết rõ chiến công đánh Napoleon của đại nguyên soái Kutuzov, nêu tên những người thân cận của Sa hoàng. Có thời gian ông hay nhận được tiền và quà của một phụ nữ tên là Maria Fedorovna (cùng tên với thái hậu, mẹ của Aleksandr I). Ngoài ra, cô gái mồ côi mà Kuzmich nuôi lại rất giống con của Aleksandr I với tình nhân.
Khi người xung quanh muốn mai mối cho cô, ông dứt khoát từ chối, nói với cô rằng thân phận con cao quý, sau này phải cưới một quan chức trong quân đội, và sau này quả đúng như vậy. Cô gái được cha nuôi giới thiệu đến gặp các gia đình quý tộc và cả đương kim Sa hoàng.
Kuzmich chết ngày 21.1.1864, thậm chí được giáo hội Chính thống Nga phong là một vị thánh. Bia mộ ông ghi: “Nơi đây yên nghỉ sự lựa chọn của thượng đế: Fyodor Kuzmich” (“Sự lựa chọn của thượng đế” chính là danh hiệu của Aleksandr I khi chiến thắng Napoleon).
Người Nga khẳng định ông chính là Aleksandr I. Biết ông mất, một bác sĩ từng chữa bệnh cho Aleksandr I rơi nước mắt nói: “Sa hoàng thật sự đã băng hà”. Vị bác sĩ này bao năm qua không bao giờ cầu nguyện cho Sa hoàng vào các ngày giỗ, mà chỉ làm việc đó vào ngày Kuzmich chết.
Chết “sân khấu hóa”
Có những lời chứng lúc trẻ Kuzmich thuộc đẳng cấp cao trong xã hội, nhưng việc ông có phải là Alexander I vẫn bị nghi ngờ, dù nhiều nhà nghiên cứu nghiêng về giả thuyết này, sau khi tìm được cuốn nhật ký của đại tá Daniel Tira của quân đánh thuê Cossack (Cô-dắc), trong đó có đoạn quân Cossack được thuê để bảo vệ “một người dân trốn khỏi giới quyền lực”.
Nhưng người phủ nhận giả thuyết trên lập luận: nếu quả thật Sa hoàng dựng màn kịch băng hà để ra đi, tại sao không giải quyết xong chuyện chọn người kế vị trước khi đi? Và để dựng màn kịch đó, ông phải có nhiều người thân cận giúp đỡ, trong đó có hoàng hậu. Nhưng những bức thư mà hoàng hậu viết cho người thân khi lâm cảnh góa bụa bộc lộ sự đau thương vô hạn, liệu bà có thể đóng kịch giỏi đến thế?
Một người cháu của Aleksandr I là Nicolas Mikhailovich đã nghiên cứu kỹ tài liệu mật trong hoàng cung đã khẳng định, Sa hoàng thực sự qua đời năm 1825. Ông cũng khẳng định ở tuổi xấp xỉ ngũ tuần và với tính cách của Aleksandr I, thật khó có chuyện nhà vua từ bỏ ngai vàng sống cuộc đời khổ cực trong dân gian. Vậy sự hiện diện của Fyodor Kuzmich thì sao? Theo Nicolas, Kuzmich là con riêng của Sa hoàng Pavel 1 với tình nhân, tức anh em cùng cha khác mẹ với Aleksandr I.
Anh em loạn luân ?
Aleksandr I sinh ngày 22.12.1777, lên ngôi năm 24 tuổi. Ông được bà nội là nữ hoàng Ekaterina II cưới vợ cho từ lúc 16 tuổi. Hôn thê của ông là công chúa Elisabeth Alexeyevna 14 tuổi của vương quốc Bazen. Ông nói với bạn bè rằng đó chỉ là cuộc hôn nhân chính trị do bà nội dàn xếp. Hai đứa con của họ chết non mới gắn kết được cặp vợ chồng. Hoàng hậu “cũng thông cảm” chuyện chồng có con ngoại hôn Sofia (con gái) với người tình Maria Naryshkina.
Vị vua nổi tiếng đa tình này lúc đầu cũng rất yêu vợ, nhưng sau đó nhanh chóng để trái tim loạn nhịp vì vô số bóng hồng khác.Thậm chí người Nga còn đặt ra nghi vấn, giữa Sa hoàng và em gái, công chúa Ekaterina nhan sắc tuyệt trần, phải chăng có tình cảm yêu đương?
Căn cứ của nghi ngờ này là sự thân mật thái quá giữa hai anh em. Họ thường ngồi trò chuyện với nhau thâu đêm suốt sáng, cử chỉ suồng sã hơn mức bình thường. Tuy cùng ở trong cung, gặp nhau liên tục nhưng họ vẫn viết thư cho nhau hằng ngày, và khi phải xa nhau thì thư từ càng thắm thiết.
Đây là những dòng thư Sa hoàng gửi em gái: “Người đáng yêu trong lòng anh, thần tình yêu trong lòng anh, em chính là sắc màu rực rỡ của thế kỷ, là vật xuất sắc trong thế giới tự nhiên…”, “Cái mũi nhỏ ơi, người mà tôi yêu nhất, đang làm gì vậy. Anh muốn áp môi thơm lên cái mũi nhỏ của em…”, “Anh điên lên mất vì em…”, “Anh yêu em như người điên, anh mừng rỡ như kẻ điên mỗi khi nhìn thấy em. Anh như kẻ bôn ba khắp nơi chỉ ước được ở trong vòng tay em để thả lỏng mình một chút…”. Liệu đây có giống lời lẽ của một người anh trai viết cho em gái?
Năm 1808 khi Napoleon mà tên tuổi đang lừng lẫy cầu hôn công chúa, Aleksandr I tuy đang rất có cảm tình với Napoleon vẫn thấy khó chịu, và cản trở bằng cách nói rằng chỉ mẹ đẻ ra công chúa mới có quyền quyết định. Và thái hậu đã đưa ra nhiều điều kiện quá mức để từ chối. Sa hoàng sợ vua Pháp cầu hôn nữa nên lập tức gả em gái cho một vị quý tộc rất tầm thường. Ba năm sau, ông này chết, hai anh em lại thân thiết như xưa.
Tuy nhiên, cũng như tất cả những chuyện thâm cung bí sử khác, mối tình loạn luân này có thật hay không vẫn là điều bí ẩn.
(TG&HN)
Hiện chưa có phản hồi nào.