Với quỹ đất mà Chính phủ Lào đã cấp cho Hoàng Anh Gia Lai trồng cao su, công ty này sẽ tạo ra 15.000 việc làm ổn định.
Ngày 25/2, tại lễ khánh thành nhà máy chế biến mủ cao su Hoàng Anh Attapeu, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức cho biết: Với quỹ đất mà Chính phủ Lào đã cấp cho tập đoàn HAGL để đầu tư trồng cao su, riêng tại Lào sẽ tạo ra 15.000 việc làm ổn định và tạo ra doanh số bán hàng lên đến hàng trăm triệu USD.Nhà máy chế biến mủ cao su là khâu cuối cùng của quá trình đầu tư từ lúc khai hoang, trồng mới, chăm sóc, khai thác cho đến khâu chế biến thành phẩm và xuất khẩu. Với quyết tâm tạo ra sản phẩm cao su chất lượng cao được thế giới chấp nhận, Hoàng Anh Gia Lai đã tập trung nguồn lực và chỉ sau thời gian ngắn đã hoàn thành xây dựng nhà máy.
Bầu Đức cho hay: đây là nhà máy chế biến cao su có công suất 25.000 tấn/năm. Sản phẩm chính là cao su mủ khối SVR 10. Nhà máy tọa lạc trên diện tích đất 5ha và có giá trị đầu tư 11 triệu USD. Sử dụng dây chuyền công nghệ hiện đại, thiết bị đồng bộ và tiên tiến nhất hiện nay với đầy đủ các hạng mục từ dây chuyền sản xuất đến nhà điều hành, nhà kho, nhà ở công nhân, nhà ăn, khuôn viên cây xanh…
Địa điểm xây dựng nhà máy được bố trí tại vị trí trung tâm và gần trục đường chính để thuận tiện trong việc vận chuyển mủ về nhà máy và vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ.
“Nhà máy được xây dựng hoàn thành có một ý nghĩa rất đặc biệt đối với tập đoàn HAGL, là một dấu mốc lịch sử, một bước chuyển từ giai đoạn đầu tư sang giai đoạn kinh doanh và là minh chứng cho quá trình đầu tư giờ đây đã được đơm hoa, kết trái” – chia sẻ với phóng viên, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai – Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) nói.
Sự kiện khánh thành nhà máy chế biến mủ cao su này được coi tiền đề cho những thành quả lớn hơn nữa mà tập đoàn HAGL sẽ gặt hái trong tương lai sắp tới.
Theo Bầu Đức: điều này càng có ý nghĩa lớn hơn khi nhà máy chế biến mủ cao su Hoàng Anh Attapeu là nhà máy chế biến mủ cao su SVR đầu tiên được tập đoàn xây dựng cho đến thời điểm này và cũng là nhà máy đầu tiên có công suất 25 ngàn tấn/năm được xây dựng ở Lào.
Thu nhập 300 triệu USD/năm
Bầu Đức chia sẻ: tuy Attapeu và Xê Kông là những tỉnh nghèo nhưng HAGL đã lựa chọn và tập trung đầu tư trồng cao su ở đây với số vốn đầu tư rất lớn. Không những thế, HAGL còn mạnh dạn đi đầu ứng dụng những công nghệ hiện đại nhất thế giới mà các nước trồng cao su lớn trên thế giới như Thái Lan, Malaysia chưa áp dụng.
Cây cao su mà tập đoàn HAGL trồng tại Lào có sự khác biệt so với những nơi khác: thay vì khoan hố sâu 60cm, HAGL khoan 1,2m. Nhờ đó rễ cây sẽ ăn sâu, hấp thụ nước và các chất dinh dưỡng từ đất tốt hơn.
Ngoài ra, HAGL áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt cho toàn bộ diện tích trồng với các thiết bị hiện đại nhất thế giới nhập khẩu từ Israel. Nhờ tưới nước trong suốt mùa khô, cao su HAGL không bị rụng lá, cây tươi tốt quanh năm. Đồng thời, HAGL cũng thay đổi quy trình bón phân từ 2 lần trong năm (trước và sau mùa mưa) thành bón phân rải đều 4 lần trong năm để cây cao su hấp thụ tốt hơn.
Thêm vào đó, trong quá trình trồng và chăm sóc đều có sự tư vấn và hỗ trợ của các chuyên gia hàng đầu đến từ Thái Lan và Malaysia.
“Nhờ những biện pháp cải tiến trên, cao su của HAGL có tốc độ phát triển rất tốt. Đối với vườn cây thông thường thì thời gian kiến thiết cơ bản là 6 đến 7 năm, nhưng vườn cây cao su của HAGL chỉ sau 4 năm đã đủ tiêu chuẩn để khai thác. Thời gian cạo mủ trong năm cũng tăng lên đáng kể so với những vườn cây bình thường khác. Năng suất cao su của HAGL dự kiến sẽ đạt bình quân 2,5 tấn/ha” – Bầu Đức tự hào.
“Khi toàn bộ diện tích vườn cây đi vào khai thác, sản lượng mủ cao su hàng năm thu được sẽ lên đến 100 ngàn tấn, mang về thu nhập 300 triệu USD/năm” – ông chủ của tập đoàn HAGL nhấn mạnh khi trao đổi với báo chí.
BGDVN
Hiện chưa có phản hồi nào.