10 trận đánh nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam
Chào mừng ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12. BBT xin gửi đến bạn đọc loạt bài “10 trận đánh nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam”. Những trận đánh này có tính chất quyết định, đánh bại kẻ thù qua các thời đại. Đồng thời, những trận đánh, chiến dịch này cũng thể hiện những nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự Việt Nam.
10 trận đánh nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam gồm: Bạch Đằng (938), Như Nguyệt (1077), Đông Bộ Đầu (1258), Bạch Đằng (1288) Chi Lăng Xương Giang (1427), Rạch Gầm Xoài Mút (1785), Ngọc Hồi Đống Đa (1789), Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), trận Điện Biên Phủ trên không (1972) và Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975).
Kỳ 1: Trận Bạch Đằng, 938
Video tái hiện trận Bạch Đằng năm 938:
Trận Bạch Đằng năm 938 là một trận đánh giữa quân dân Việt Nam ta – thời đó gọi là Tĩnh Hải quân và chưa có quốc hiệu chính thức – do Ngô Quyền chỉ huy đập tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng nhờ kế cắm cọc ở sông Bạch Đằng của Ngô Quyền. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Nam Hán lần thứ 2
Trước chiến đấu dũng mãnh của quân dân Việt Nam, quá nửa quân Nam Hán bị chết đuối, và Hoàng tử Nam Hán là Lưu Hoằng Tháo cũng bị Ngô Quyền giết chết. Đây là một trận đánh quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Nó đánh dấu cho việc chấm dứt hơn 1000 năm Bắc thuộc của Việt Nam, nối lại quốc thống cho dân tộc.
Sau chiến thắng vang dội này, vị danh tướng Ngô Quyền lên ngôi vua, tái lập đất nước. Ông được xem là một vị “vua của các vua” trong lịch sử Việt Nam. Đại thắng trên sông Bạch Đằng đã khắc họa mưu lược và khả năng đánh trận của ông.
Về Ngô Quyền
Ngô Quyền, người làng Đường Lâm (nay là xã Đường Lâm, huyện Ba Vì, Hà Tây) cùng quê với Phùng Hưng.
Ông sinh năm 897, con trai thứ sử Ngô Mân, một hào trưởng địa phương. Được truyền thống địa phương hun đúc, được cha dạy bảo, từ tấm bé Ngô Quyền đã tỏ ra có ý chí lớn. Thân thể cường tráng, trí tuệ sáng suốt, chăm rèn võ nghệ. Sử cũ miêu tả ông “vẻ người khôi ngô, mắt sáng như chớp, dáng đi như cọp, có chí dũng, sức có thể nhấc vạc dơ cao”.
Năm 920, Ngô Quyền đi theo Dương Đình Nghệ, một tướng của họ Khúc ở đất ái Châu (Thanh Hóa). Dương Đình Nghệ là anh hùng dân tộc từng có công đánh đuổi giặc Nam Hán, chiếm được thành Đại La năm 931, thúc đẩy bước tiến của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Dương Đình Nghệ lên cầm quyền, tự xưng Tiết độ sứ, giao cho Ngô Quyền cai quản Châu ái. Yêu mến tài năng và nhiệt huyết cứu đời, giúp nước của Ngô Quyền, Dương Đình Nghệ đã gả con gái cho ông.
Hoàn cảnh trận chiến
Năm 931, Dương Đình Nghệ đánh đuổi quân Nam Hán – một trong 10 nước thời Ngũ đại Thập quốc nằm liền kề với Tĩnh Hải quân – giành lại quyền tự chủ cho người Việt ở Tĩnh Hải quân, tự xưng là Tiết độ sứ.
Năm 937, Đình Nghệ bị nha tướng Kiều Công Tiễn giết hại để cướp ngôi Tiết độ sứ. Con rể và là một tướng khác của Đình Nghệ là Ngô Quyền bèn tập hợp lực lượng ra đánh Công Tiễn để trị tội phản chủ.
Công Tiễn sợ hãi, bèn sai người sang cầu cứu Nam Hán. Vua Nam Hán là Lưu Nghiễm nhân cơ hội đó bèn quyết định đánh Tĩnh Hải quân lần thứ hai.
Lưu Nghiễm cho rằng Dương Đình Nghệ qua đời thì Tĩnh Hải quân không còn tướng giỏi, bèn phong con trai thứ chín là Lưu Hoằng Tháo làm “Bình Hải tướng quân” và “Giao Chỉ vương”, thống lĩnh thủy quân.
Diệt nội phản trước
Năm 938, sau khi tập hợp các hào kiệt trong nước đứng về phía mình, Ngô Quyền mang quân từ Ái châu ra thành Đại La đánh Kiều Công Tiễn. Công Tiễn bị cô lập không chống nổi, trông chờ viện binh của Nam Hán.
Vua Hán Lưu Nghiễm cho con là Vạn Vương Hoằng Tháo làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, đổi tước phong là Giao Vương, đem 2 vạn quân sang với danh nghĩa là cứu Công Tiễn. Lưu Nghiễm hỏi kế ở Sùng Văn hầu là Tiêu Ích. Ích nói: “Nay mưa dầm đã mấy tuần, đường biển thì xa xôi nguy hiểm, Ngô Quyền lại là người kiệt hiệt, không thể khinh suất được. Đại quân phải nên thận trọng chắc chắn, dùng nhiều người hướng đạo rồi sau mới nên tiến.” – Sùng Văn Hầu Tiêu Ích
Vua Hán đang muốn hành quân nhanh để đánh chiếm lại Tĩnh Hải quân, nên không nghe theo kế của Tiêu Ích, sai Hoằng Tháo đem chiến thuyền theo sông Bạch Đằng mà vào. Lưu Nghiễm tự mình làm tướng, đóng ở Hải Môn để làm thanh viện.
Trong khi vua Hán đang điều quân thì Ngô Quyền đã tiến ra thành Đại La, giết chết Kiều Công Tiễn. Công Tiễn bị cô thế không đủ sức chống lại nên thành nhanh chóng bị hạ. Lúc đó quân Nam Hán vẫn chưa tiến vào tới biên giới.
Mượn cọc nhọn và thuỷ triều
Vùng cửa sông và vùng hạ lưu sông Bạch Đằng được Ngô Quyền chọn làm chiến trường quyết chiến. Sông Bạch Đằng có tên nôm là sông Rừng. Dân gian ở đây đã có câu ca dao:
Con ơi nhớ lấy lời cha
Gió to sóng cả động qua sông Rừng
Sông Rừng thường có sóng bạc đầu nên mới có tên gọi Bạch Đằng giang. Bạch Đằng là cửa ngõ phía Đông Bắc và là đường giao thông quan trọng từ biển Đông vào nội địa nước ta. Cửa biển Bạch Đằng to rộng, rút nước từ đồng bằng Bắc Bộ đổ ra Vịnh Hạ Long. Từ cứa biển ngược lên gần 20km là đến cửa sông Chanh. Phía hữu ngạn có dãy núi đá vôi Tràng Kênh với nhiều hang động, sông lạch và thung lũng. Hạ lưu sông Bạch Đằng chịu ảnh hưởng của thủy triều khá mạ n h . Lúc triều dâng, nước trải đôi bờ đến vài kilômét. Lòng sông vừa rộng, vừa sâu từ 8-18m. Khi triều xuống, vào độ nước cường, nước rút đến hơn 30cm trong một giờ, ào ào xuôi ra biển, mực nước.
Ngô Quyền nghe tin Hoằng Tháo sắp đến, ông bảo với các tướng tá rằng : “Hoằng Tháo là đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính còn mỏi mệt, lại nghe Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta lấy sức còn khỏe địch với quân mỏi mệt, tất phá được. Nhưng bọn chúng có lợi ở chiến thuyền, ta không phòng bị trước thì thế được thua chưa biết ra sao. Nếu sai người đem cọc lớn vạt nhọn đầu bịt sắt đóng ngầm ở trước cửa biển, thuyền của bọn chúng theo nước triều lên vào trong hàng cọc thì sau đó ta dễ bề chế ngự, không cho chiếc nào ra thoát.” – Ngồ Quyền
Ngô Quyền đã huy động quân dân vào rừng đẵn gỗ, vót nhọn, bịt sắt rồi đóng xuống lòng sông Bạch Đằng. Khi thuỷ triều lên, bãi cọc không bị lộ. Ngô Quyền dự định nhử quân địch vào khu vực này khi thủy triều lên và đợi nước triều rút xuống cho thuyền địch mắc cạn mới giao chiến.
Vào một ngày cuối đông năm 938, trên sông Bạch Đằng, vùng cửa biển và hạ lưu, cả một đoàn binh thuyền của do Hoằng Tháo chỉ huy vừa vượt biển tiến vào cửa ngõ Bạch Đằng.
Quân Nam Hán thấy quân của Ngô Quyền chỉ có thuyền nhẹ, quân ít tưởng có thể ăn tươi, nuốt sống liền hùng hổ tiến vào. Ngô Quyền ra lệnh cho quân bỏ chạy lên thượng lưu. Đợi đến khi thủy triều xuống, ông mới hạ lệnh cho quân sĩ đổ ra đánh. Thuyền chiến lớn của Nam Hán bị mắc cạn và lần lượt bị cọc đâm thủng gần hết. Lúc đó Ngô Quyền mới tung quân ra tấn công dữ dội. Quân Nam Hán thua chạy, còn Lưu Hoằng Tháo bỏ mạng cùng với quá nửa quân sĩ.
Vua Nam Hán đang cầm quân tiếp ứng đóng ở biên giới mà không kịp trở tay đối phó. Nghe tin Hoằng Tháo tử trận, Nghiễm kinh hoàng, đành “thương khóc thu nhặt quân còn lại mà rút lui” (Đại Việt sử ký toàn thư). Từ đó nhà Nam Hán bỏ hẳn mộng xâm lược Tĩnh Hải quân. Lưu Cung cũng than rằng cái tên “Cung” của ông là xấu.
Năm 939, Ngô Quyền lên ngôi vua, xưng là Ngô Vương, lập ra nhà Ngô, đóng đô ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội ngày nay).
Sau này trong Trận Bạch Đằng, 1288, Trần Hưng Đạo đã vận dụng lối đánh này để đánh thắng quân Nguyên Mông.
Điều kiện thành công
Chiến thuật quân sự của Ngô Quyền rất độc đáo và đúng như nhận định của Lê Văn Hưu: “Mưu giỏi mà đánh cũng giỏi” hoặc “mưu tài đánh giỏi” như trong Đại Việt Sử ký Toàn thư. Tuy nhiên, theo các nhà quân sự, việc áp dụng chiến thuật lấy cọc nhọn đâm thuyền địch muốn thành công cần có sự kết hợp chặt chẽ với một số mưu mẹo khác.
Chúng ta sẽ đi sâu phân tích nghệ thuật quân sự trong trận chiến này.Vậy Ngô quyền đã sử dụng mưu kế gì trong trận đánh này? Có thể nói Ngô quyền đã sử dụng “liên hoàn kế” cụ thể là: “phao bác dẫn ngọc” và “thượng tầng trừu đê” tức lên lầu rút thang.
Đầu tiên Ngô Quyền giả thua trận rút lui vào cửa sông Bạch Đằng để dụ Hoằng Tháo đuổi theo, song việc dụ thế nào để quân địch đuổi theo cũng là một vấn đề, từ đây chứng tỏ rằng Ngô Quyền hiểu rất rõ về quân địch, đặc biệt là Hoằng Tháo – người cầm đầu của quân Nam hán. Để Hoằng Tháo mắc mưu, đuổi theo quân của mình thì việc giả thua cũng không hề đơn giản. Phải làm thế nào cho quân địch tin rằng mình thua thực sự và rút lui là một điều tất yếu, đồng thời cũng không được để cho quân địch biết được quân ta có phục kích! Dựa vào tâm lí muốn đuổi giết tới cùng mà Ngô Quyền đã dụ được quân Nam Hán vào cửa sông đó là kế “phao bác dẫn ngọc”
Kế “lên lầu rút thang” là chỗ tinh tuý nhất của trận chiến, để áp dụng được kế này đòi hỏi người dùng nó phải nắm chắc được những điều dưới đây:
Thứ nhất, phải dụ địch đến đúng bãi cọc đã đóng giăng bẫy khi thuỷ triều còn cao, bãi cọc chưa bị phát lộ.
Thứ hai, phải nắm rất vững quy luật thuỷ triều theo từng giờ và tính toán thời điểm để khi thuyền quân địch tới bãi cọc rồi, thuỷ triều mới rút, có như vậy thuyền địch mới bị mắc cạn và bị cọc đâm.
Chỉ khi có đủ hai điều kiện trên, mưu kế mới phát huy tác dụng. Nếu nước triều rút quá sớm so với dự định, bãi cọc sớm phát lộ, thuyền địch sẽ biết và tránh xa cảnh giác, như vậy mưu sự hỏng. Không những thế, rất có thể chính các thuyền phía quân mình sẽ bị vướng cọc, thành “gậy ông đập lưng ông”.
Nếu nước triều rút quá muộn so với dự định, thuyền chiến của địch cứ thế vượt qua, không có trở ngại gì, coi như bãi cọc đóng xuống vô tác dụng. Đây chính là trường hợp mà các nhà quân sự Việt Nam đã ghi lại của trận Bạch Đằng, 981, quân Tống đã vượt qua bãi cọc để vào được đất liền mà không bị trở ngại (tuy nhiên sau đó vẫn bị mắc mưu Lê Hoàn và đại bại).
Vì vậy, để mưu sự thành công, ngoài việc chuẩn bị cọc nhọn một cách bí mật và hoàn thành sớm, việc dụ địch đi theo đúng lộ trình mình muốn và đến vào thời điểm mình muốn mang ý nghĩa quyết định. Mưu sự thành công có thể quyết định toàn bộ cuộc chiến chỉ trong 1 buổi và Ngô Quyền đã thành công bởi mưu kế độc đáo và tính toán, vận dụng chính xác quy luật của tự nhiên.
Người vận dụng lại mưu kế này là Trần Hưng Đạo trong trận Bạch Đằng, 1288 cũng biết cách kết hợp áp dụng chính xác như vậy nên lại lập đại công phá quân Nguyên. Đời sau nghe chuyện dùng cọc đâm thuyền địch có vẻ dễ dàng, nhưng khi áp dụng cụ thể mới thấy không hoàn toàn dễ dàng để có thắng lợi như sử sách đã ghi. Không phải ngẫu nhiên mà cả Ngô Quyền và Trần Hưng Đạo đều được xem là danh tướng trong lịch sử Việt Nam
Ý nghĩa của trận đánh này
“Lưu Cung tham đất đai của người, muốn mở rộng bờ cõi, đất đai chưa lấy được mà đã hại mất đứa con của mình và hại cả nhân dân, tức như Mạnh Tử nói: “Đem cái mình không yêu mà hại cái mình yêu” vậy chăng?” – Ngô Sĩ Liên
“Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của nước Việt ta mà đánh tan được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một lần nổi giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương, chưa lên ngôi đến, đổi niên hiệu, nhưng chính thống của nước Việt ta, ngõ hầu đã nối lại được.” – Ngô Sĩ Liên
Trận thắng lớn ở sông Bạch Đằng năm 938 có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam vì nó đã giúp chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc trong lịch sử Việt Nam, mở ra một thời kỳ độc lập tự chủ cho Việt Nam.
Chiến thắng Bạch Đằng có thể coi là trận chung kết toàn thắng của dân tộc Việt Nam trên con đường đấu tranh chống Bắc thuộc, chống đồng hóa, đấu tranh giành lại độc lập dân tộc. Phải đặt trong bối cảnh Bắc thuộc kéo dài sau 1117 năm (179 TCN – 938) mới thấy hết ý nghĩa lịch sử vĩ đại của nó.
Hơn thế nữa, trong hơn 1000 năm Bắc thuộc đó, kẻ thù của dân tộc Việt là một đế quốc lớn mạnh bậc nhất ở phương Đông với chủ nghĩa bành trướng Đại Hán đang lúc phát triển cao độ, nhất là dưới thời Hán, Đường. Tiếp tục công cuộc bành trướng của Tần Thủy Hoàng, nhà Hán đã chinh phục miền Bắc xứ Triều Tiên chiếm đất đai các bộ lạc dụ mục phía Bắc, mở rộng lãnh thổ về phía Trung Á, xâm lược các nước Hạ Lang, Điền ở Tây Nam. Đầu thế kỷ thứ 7, nhà Tùy bành trướng mạnh về phía Đông, chinh phục Triều Tiên, Lưu Cầu (Đài Loan), Giao Châu, Lâm Ấp, Tây Đồ Quốc…, nhà Đường mở rộng bành trướng về mọi phía, lập thành một đế chế bao la như Đường Thái Tông đã từng tuyên bố: “Ta đã chinh phục được hơn 200 vương quốc, dẹp yên bốn bề, bọn Di Man ở cõi xa cũng lần lượt về quy phục” (theo Đường thư).
Từ đầu công nguyên, dân số của đế chế Hán đã lên đến 57 triệu người. Thời gian đó, dân số của Việt Nam chỉ độ một triệu. Sau khi chiếm được Việt Nam, mưu đồ của nhà Hán không phải chỉ dừng lại ở chỗ thủ tiêu chủ quyền quốc gia, bóc lột nhân dân, vơ vét của cả, mà còn tiến tới đồng hóa vĩnh viễn dân tộc Việt, sát nhập đất đai vào Trung Quốc. Chính sách đồng hóa là một đặc trưng nổi bật của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán, đã được thực hiện từ thời Hán và đẩy mạnh tới nhà Đường. Trong toàn bộ tiến trình lịch sử Việt Nam, đây là một trong những thời kỳ vận mạng dân tộc trải qua một thử thách cực kỳ hiểm nghèo.
Ngô Quyền – người anh hùng của chiến thắng oanh liệt trên sông Bạch Đằng năm 938 – trở thành vị vua có “công tái tạo, vua của các vua” theo như nhận định của Đại Việt Sử ký Toàn thư.[1] Ông xứng đáng với danh hiệu là “vị tổ trung hưng” của dân tộc như nhà yêu nước Phan Bội Châu lần đầu tiên đã nêu lên trong Việt Nam quốc sử khảo.
Sau chiến thắng Bạch Đằng, Việt Nam bước vào thời kỳ xây dựng đất nước trên quy mô lớn. Đó là kỷ nguyên của văn minh Đại Việt, của văn hóa Thăng Long, kỷ nguyên phá Tống, bình Nguyên, đuổi Minh, một kỷ nguyên rực rỡ của các nhà Lý, Trần, Lê.
Nhà sử học Ngô Thì Sĩ đánh giá: “Trận thắng trên sông Bạch Đằng là cơ sở cho việc khôi phục quốc thống. Những chiến công đời Đinh, Lê, Lý, Trần sau này còn nhờ vào uy danh lẫm liệt ấy để lại. Trận Bạch Đằng vũ công cao cả, vang dội đến nghìn thu, há phải chỉ lẫy lừng ở một thời bấy giờ mà thôi đâu” – Việt sử tiêu án – Ngô Thì SĨ.
Trường Sa (tổng hợp)
Mời các bạn đón đọc Kỳ 2: Trận Như Nguyệt (1077): diệt quân Tống xâm lược trên phòng tuyến sông Cầu do Lý Thường Kiệt chỉ huy.