- Phó giáo sư, tiến sĩ Mai Trọng Khoa, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: Internet)
Trước thảm họa kép động đất sóng thần và nguy sự cố điện nguyên tử hạt nhân Fukusima (Nhật Bản) đã gây sự quan tâm của các cộng đồng thế giới, cả người Nhật Bản và Việt Nam.
Để giúp bạn đọc hiểu đúng bản chất cũng như mức độ ảnh hưởng của phóng xạ; cách phát hiện; phòng tránh và xử lý khi bị nhiễm xạ như thế nào đối với sức khỏe cộng đồng, phóng viên đã có cuộc trao đổi với phó giáo sư, tiến sĩ Mai Trọng Khoa, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu bệnh viện Bạch Mai, Trưởng Bộ môn Y học hạt nhân Trường Đại học Y Hà Nội.
- Thưa Phó Giáo sư, phóng xạ tồn tại như thế nào trong môi trường tự nhiên?
Phó giáo sư, tiến sĩ Mai Trọng Khoa: Như chúng ta đều biết, sau thảm họa sóng thần, động đất, sự cố điện nguyên tử tại Nhật Bản là một trong những sự cố các nước đều quan tâm, trong đó có Việt Nam. Theo quy luật hết sức tự nhiên đ ối với sự cố hạt nhân ví dụ như nổ hạt nhân, lò phản ứng sẽ có nhiều chất phóng xạ, khí phóng xạ bay lên không trung, lan truyền trong không khí theo dòng đối lưu của khí quyển, theo gió và nhiều tình huống khác khiến con người hít phải.
Hoặc khí phóng xạ bay lên cao có thể gặp mây, mưa sẽ rơi xuống đất ngấm vào nước, đất, khi con người, động vật ăn phải các thực phẩm rau, củ quả, nước…nhiễm xạ thì cũng sẽ nhiễm xạ theo. Con người sẽ bị nhiễm xạ theo đường không khí khi thở, ăn uống, nhiều vật dụng, sinh vật, nước, không khí, đất đều nhiễm phóng xạ ở các mức độ khác nhau.
Có thể nói rằng, sự cố hạt nhân sẽ gây tác động nhiều chiều, là thảm họa tác động môi trường lâu dài. Có nhiều chất đồng vị phóng xạ phát tán ra không trung khi có sự cố hạt nhân, nhưng có 2 chất được đặc biệt quan tâm là Iốt phóng xạ, cụ thể là I131, Cs 137 có hàm lượng gây tác động mạnh với cơ thể con người.
- Thưa phó giáo sư, nếu chẳng may bị nhiễm Iốt phóng xạ, như I131, Cs 137 thì nó sẽ tác động và gây ra hậu như thế nào với sức khỏe con người?
Phó giáo sư, tiến sĩ Mai Trọng Khoa: Khi có sự cố hạt nhân, I131 sẽ bị tung vào không khí, đặc tính của đồng vị này là có thể thăng hoa trong không khí, phát tán đi xa, con người sẽ hấp thụ phóng xạ đó qua nhiều đường như hít qua đường thở, uống nước, qua da, ăn thực phẩm…
Khi con người nhiễm loại phóng xạ này, nó sẽ tập trung chủ yếu ở tuyến giáp, năng lượng bức xạ của loại này là tia bêta sẽ tập trung làm ảnh hưởng, tổn hại có chọn lọc với tuyến giáp. Thế nên, khi xảy ra các sự cố liên quan đến hạt nhân con người thường gặp rất nhiều loại bệnh tật, bệnh lý như nhiễm phóng xạ mãn tính, cấp tính, nhiều loại ung thư trong đó có ung thư tuyến giáp.
Đồng thời lượng phóng xạ thoát ra lớn thì tùy theo khoảng cách địa lý con người sẽ bị ảnh hưởng nhiều hay ít, ở càng xa khu vực thảm họa thì nguy cơ nhiễm bệnh càng ít. Sự cố của Nhật Bản đã khiến các khu vực xung quanh nhiễm xạ theo.
Ở Việt Nam cũng đã phát hiện được I131 trong không khí nhưng các cơ quan chức năng. cụ thể là Bộ khoa học công nghệ đã khẳng định rằng hàm lượng rất thấp, chưa gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
- Thưa Phó giáo sư, sự cố nhà máy điện điện Fukusima (Nhật Bản) có gây ả nh hưởng tới sức khỏe người Việt Nam?
Phó giáo sư, tiến sĩ Mai Trọng Khoa: Các cơ sở y tế thời gian gần đây liên tiếp tiếp nhận người dân đến kiểm tra sức khỏe tự nguyện, nhất là với những người mới trở về từ Nhật Bản.
Chúng tôi đã thăm khám để phát hiện sự nhiễm xạ bên ngoài bằng cách rà soát sự ô nhiễm phóng xạ trên quần áo, đồ đạc của người tới khám nhưng chưa phát hiện thấy phóng xạ ở những đối tượng này. Đồng thời chúng tôi cũng đã dùng các thiết bị chuyên dụng để thăm khám phát hiện nhiễm xạ trong cho một số người về từ Nhật Bản song cũng chưa phát hiện bất cứ sự nhiễm xạ trong nào ở những người này. Tới thời điểm này, người dân Việt Nam vẫn an toàn với phóng xạ.
- Thưa Phó giáo sư, với mức độ xạ như hiện nay, Việt Nam có cần triển khai biện pháp nào không?
Phó giáo sư, tiến sĩ Mai Trọng Khoa: Như tôi đã nói, ở Việt Nam các nhà khoa học có phát hiện I131 nhưng tỷ lệ rất thấp. Với mức độ phóng xạ như vậy hoàn toàn chưa gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân. Trong môi trường bình thường chúng ta sống vẫn tồn tại bức xạ tự nhiên từ vũ trụ, không khí, đất, nước gọi là phông phóng xạ tự nhiên, không gây ảnh hưởng tới sự sống con người.
Hàm lượng phóng xạ ở Việt Nam ở mức cho phép, an toàn với con người nên chưa cần có phản ứng quá mức nhưng cũng không nên thờ ơ, cần phải cập nhật thông tin liên tục từ các Bộ, ngành, các nhà khoa học, từ Nhật Bản để kịp thời đưa ra thông tin đủ mức để người dân, các cơ quan chức năng chủ động phòng ngừa.
-Xin cảm ơn phó giáo sư, tiến sĩ./.
Hiện chưa có phản hồi nào.