Sáng 21/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi tiếp xúc cử tri theo chuyên đề tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trên địa bàn quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh và xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương để thu thập ý kiến, nguyện vọng của cử tri về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực giáo dục đào tạo và phát triển kinh tế xã hội.
Đóng góp ý kiến tại buổi tiếp xúc, cử tri Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ tin tưởng, phấn khởi trước quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ trong mục tiêu kiềm chế lạm phát, nhằm duy trì phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh.
Cử tri đề nghị, Chính phủ giao quyền tự chủ cao hơn nữa, ban hành cơ chế đặc biệt cho phép Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm mô hình, phương pháp giáo dục mới có trọng tâm, trọng điểm, có sự giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm thực hiện mục tiêu tạo bước đột phá trong nền giáo dục đại học.
Cử tri cũng đề xuất những ý kiến nhằm sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng, chủ quyền Tổ quốc và việc chăm lo đời sống, lương cán bộ, công chức.
Báo cáo các cử tri là các giảng viên, sinh viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình và kết quả điều hành phát triển kinh tế-xã hội đất nước năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết năm 2012 tình hình kinh tế thế giới biến động rất phức tạp tác động tiêu cực đến nền kinh tế đã hội nhập sâu rộng và có độ mở lớn như nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam phải dành nhiều thời gian và công sức để đối phó với thiên tai, dịch bệnh, các âm mưu thủ đoạn gây mất ổn định chính trị-xã hội và đe dọa chủ quyền quốc gia.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định trong điều kiện khó khăn, thách thức đó, công tác lãnh đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2012 đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong các nghị quyết của Đảng và Quốc hội, đạt và vượt 10 trên 15 chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra. Giá tiêu dùng chín tháng tăng 5,13%; trong những tháng cuối năm sẽ thực hiện các biện pháp để giữ mức lạm phát cả năm khoảng 8%. Tăng trưởng nền kinh tế 9 tháng đạt 4,73%, ước cả năm đạt khoảng 5,2%, thấp hơn kế hoạch nhưng quý sau cao hơn quý trước. Đây là những dấu hiệu tích cực để phát triển bền vững trong thời gian tới.
Thêm vào đó, tỷ lệ hộ nghèo ước cả năm giảm 1,76%. Trong điều kiện kinh tế khó khăn thì đây là một cố gắng lớn. 1,13 triệu việc làm mới cũng được giải quyết, tăng 0,27% so với cùng kỳ; thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho trên 280.000 lao động; quan tâm chăm lo 8,8 triệu người có công. Công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai được tiến hành kịp thời, phục hồi sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn 5 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra. Tiếp tục quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và Kết luận của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI), trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2012, Chính phủ đề nghị xác định mục tiêu tổng quát của năm 2013 là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012; đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm ổn định chính trị-xã hội; tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo.
Đánh giá cao đề xuất của các cử tri về việc tạo cơ chế để nhà trường triển khai thí điểm các mô hình giáo dục mới, đào tạo nhân lực chất lượng cao, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh phát triển giáo dục là một trong ba khâu đột phát đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, hướng tới mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng việc giao cơ chế riêng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phát huy tính năng động, sáng tạo; nâng cao vai trò, vị trí của một cơ sở đào tạo đại học hàng đầu của đất nước, không ngừng cải thiện vị trí, uy tín trong nền giáo dục khu vực. Thủ tướng đề nghị nhà trường sớm xây dựng Đề án, trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Về đề xuất của cử tri trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ đặt quyết tâm cao trong việc đấu tranh, ngăn chặn, đầy lùi vấn nạn tham nhũng, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).
Chính phủ cũng đã vừa tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 và Luật phòng chống tham nhũng; từ đó, nhận ra những khuyết điểm, hạn chế để có biện pháp khắc phục; đồng thời trình Quốc hội cho ý kiến sửa đổi sao cho Luật Phòng chống tham nhũng phù hợp hơn, sát với điều kiện nước ta hơn và thực thi đem lại hiệu quả cao hơn.
Thủ tướng nhấn mạnh phòng chống tham nhũng không chỉ bằng pháp luật mà còn ở vấn đề con người. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống để mỗi cán bộ, công chức có lòng tự trọng, có trách nhiệm cao với đất nước cũng có vai trò rất quan trọng. Ngoài ra, để phòng chống tham nhũng có hiệu quả còn phải có trách nhiệm của cả cộng đồng, nhân dân trong việc giám sát, đấu tranh. Trong phòng chống tham nhũng, Nhà nước cũng phải có trách nhiệm đảm bảo đời sống, thu nhập cho cán bộ, công chức.
Chính phủ cũng đã đặt ra quyết tâm cao về từng bước cải cách tiền lương cho cán bộ công chức để phấn đấu từng bước ngăn chặn, đẩy lùi nạn tham nhũng, Thủ tướng khẳng định./.
Quang Vũ (TTXVN)
Cố lên Bác
Tôi vẫn tin anh Dũng có khả năng nhất để lãnh đạo ,thay đổi diện mạo nền kinh tế vĩ mô của đất nước hiện nay – Anh có bài học đắt giá về con người về chi tiết gây ra thất bại – Vinh quang và cay đắng luôn đồng hành với những người làm chính khách ,anh Dũng hãy cố lên để chứng tỏ năng lực của mình )
Nếu con người ta có đạo đức lãnh đạo và có trái tim lãnh đạo thì thất bại cũng chưa là gì; Nhưng cũng cần lưu ý, Nhật Bản là một quốc gia mà lãnh đạo thường xuyên chỉ làm có một năm rồi lại bị thất cử nhưng đó là lại là một trong những quốc gia phát triển nhất thế giới.