Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng » Quốc tế » Thấy gì từ những vị trí chủ chốt trong nội các mới của Obama?

Ba vị trí quan trọng trong nội các mới, thể hiện chính sách an ninh và đối ngoại nhiệm kỳ hai của Tổng thống Obama đã được chỉ định xong. Liệu ba nhân vật mới này có dẫn đến thay đổi lớn về chính sách đối ngoại hoặc chiến lược quốc phòng của Mỹ trong thời gian tới?

Thượng nghị sĩ John Kerry đã được chỉ định giữ chức Ngoại trưởng hồi trung tuần tháng 12/2012. Mới đây nhất, cựu Thượng nghị sĩ Cộng hòa Chuck Hagel đã được giao giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và John Brennan sẽ lãnh đạo Cục Tình báo Trung ương (CIA). Cả ba chức vụ trên còn cần được Thượng viện Mỹ phê chuẩn.

Những phân tích dưới đây có thể cho thấy, các cương vị phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia trong nhiệm kỳ hai của ông Obama đều có những thế mạnh riêng. Tuy nhiên, theo giới phân tích, những thế mạnh đó không dễ dẫn đến bất cứ thay đổi lớn nào về chính sách đối ngoại hoặc chiến lược quốc phòng của Mỹ trong thời gian tới.

Quyết định lựa chọn hai ông Kerry và Hagel cho thấy chính quyền Obama muốn duy trì các chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia trong nhiệm kỳ đầu. Tuy nhiên, những lựa chọn đó cũng thể hiện cách tiếp cận ít quyết đoán hơn và ít quân sự hóa hơn của Chính quyền Obama trong quan hệ với các nước còn lại trên thế giới.

Bộ ba “quyền lực” trong nội các mới của Tổng thống Obama

Bộ ba “quyền lực” trong nội các mới của Tổng thống Obama

Trước đây, Thượng nghị sĩ Kerry ủng hộ các nỗ lực của Chính quyền Obama trong việc điều chỉnh các mối quan hệ với Nga, từ đó đạt được các lợi ích khiêm tốn nhưng thực dụng cho Mỹ. Trong khi đó, với cương vị Chủ tịch Hội đồng Đại Tây Dương, ông Hagel đã bảo vệ giá trị can dự nhằm thúc đẩy hơn nữa lợi ích của Mỹ, đồng thời ủng hộ Chính quyền can dự với Iran trong thời gian ông ta là thượng nghị sĩ.

Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng hai ông Kerry và Hagel đều thuộc phái bồ câu, mặc dù những năm gần đây cả hai rất quan tâm thúc đẩy các mục tiêu của Mỹ và không thường xuyên sử dụng các lựa chọn quân sự hoặc các mối đe dọa tương tự. Do thỉnh thoảng chỉ trích Israel, nghi ngờ hành động quân sự và phản đối các biện pháp cấm vận chống Iran trong thời gian tại Thượng viện, ông Hagel đang bị các thành viên diều hâu trong đảng Cộng hòa tấn công quyết liệt. Cuộc điều trần phê chuẩn việc chỉ định ông Hagel chắc chắn sẽ khó khăn hơn và gây tranh cãi nhiều hơn so với cuộc điều trần phê chuẩn việc chỉ định ông Kerry. Tuy nhiên, nhiều khả năng Thượng viện sẽ không có đủ số thượng nghị sĩ sẵn sàng bác bỏ việc phê chuẩn ông Hagel sau khi Tổng thống Obama chính thức lựa chọn ông ta.

Có lẽ do đang tìm kiếm các nhà hoạt động chính trị có quan điểm chính sách quyết đoán hơn với Iran nên Tổng thống Obama đã lựa chọn ông Kerry và ông Hagel, tuy nhiên, dường như cả hai nhân vật sẽ là những người ủng hộ chính quyền tránh các cuộc xung đột không cần thiết. Ông Kerry từng ủng hộ mạnh mẽ các ưu tiên chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama và ông ta chịu trách nhiệm dẫn dắt hiệp ước cắt giảm vũ khí gần đây (Hiệp ước START mới) thông qua quá trình phê chuẩn của Thượng viện. Việc chỉ định ông Kerry cho thấy Chính quyền Obama sẽ tiếp tục theo đuổi các ưu tiên tương tự trong nhiệm kỳ đầu với một ngoại trưởng thậm chí có nhiều kinh nghiệm hơn để thực hiện các ưu tiên đối ngoại. Ông Kerry cũng có thể giúp hàn gắn một số mối quan hệ của Mỹ với các cường quốc khác, vốn bị hạn chế trong 2 năm qua.

Bên cạnh đó, ông Hagel có thể chứng minh ông là một nhân vật quan trọng trong việc đề xuất các khoản cắt giảm chi tiêu quân sự tại Lầu Năm Góc. Từng chỉ trích các vấn đề liên quan đến Iraq và quyết định của Tổng thống Obama đưa lực lượng bổ sung tới Afghanistan, ông Hagel sẽ không ủng hộ chủ trương kéo dài sự hiện diện quân sự lớn của Mỹ tại Afghanistan. Thay vì có một bộ trưởng quốc phòng chỉ cảnh báo và phản đối các khoản cắt giảm “mạnh tay” ngân sách quốc phòng như hiện nay, Tổng thống Obama sẽ có một bộ trưởng sẵn sàng tìm cách cắt giảm chi tiêu một cách hợp lý và khả thi.

Về phần John Brennan, được bổ nhiệm làm giám đốc CIA, là một quan chức tình báo dày dạn kinh nghiệm, nói thông thạo tiếng Arập, một hậu vệ trung thành hay “cha đỡ đầu” của chương trình máy bay không người lái gây nhiều tranh cãi của Tổng thống Obama. Những người chỉ trích thuộc cánh tả nghi ngờ ông ta đã tra tấn những kẻ bị tình nghi là khủng bố dưới thời Chính quyền Bush, nhưng một số người chỉ trích thuộc cánh hữu lại cho rằng ông ta quá nhẹ tay với các phần tử Hồi giáo cực đoan.

Trong khi dành hầu hết thời gian và sức lực cho các trận chiến chính sách đối nội tại Quốc hội, Tổng thống sẽ giao nhiệm vụ cho êkíp an ninh quốc gia mới giải quyết một loạt vấn đề quốc tế cấp bách như bảo đảm Mỹ đứng ngoài cuộc xung đột về chương trình hạt nhân của Iran, ngăn chặn sự phát triển của cuộc nội chiến ở Syria, thực hiện thành công kế hoạch rút quân Mỹ khỏi Afghanistan và tránh gây căng thẳng với Trung Quốc do cái gọi là “chính sách trở lại” châu Á.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy các cuộc khủng hoảng quốc tế thường liên quan đến các kế hoạch của tổng thống Mỹ. Richard Armitage, Thứ trưởng Ngoại giao dưới Chính quyền Bush, nhất trí mục tiêu tập trung vào chính sách kinh tế trong nước của ông Obama nhưng cho rằng, một cuộc tấn công khủng bố hoặc một vụ bắt cóc người Mỹ có thể buộc Chính quyền Obama tham gia một trò chơi hoàn toàn khác. Do Tổng thống Obama quyết định chuyển hướng chính sách an ninh quốc gia của Mỹ khỏi châu Âu và hướng về châu Á, ông Kerry và Hagel có nhiệm vụ triển khai các kế hoạch cụ thể. Ông Hagel khó có thể tăng cường các cam kết quân sự của Mỹ với các đồng minh châu Á ở thời điểm khi ông phải tìm cách cắt giảm chi tiêu của Lầu Năm Góc như một phần các nỗ lực cắt giảm ngân sách của Tổng thống Obama.

Trong khi đó ông Kerry sẽ lãnh đạo một bộ ngoại giao vốn lâu nay bị hạn chế bởi thiếu nguồn lực và bị chỉ trích do quản lý yếu kém để xảy ra các cuộc tấn công khủng bố các cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ ngày 11-9 tại Libya. Ông Armitage khẳng định, Mỹ ỷ lại quá nhiều vào quân đội. Nếu trở lại châu Á, Mỹ phải có nền ngoại giao và đầu tư nước ngoài trực tiếp. Mỹ phải là một bộ phận của toàn bộ đời sống chính trị, văn hóa và thương mại của châu Á.

Giáo sư Jones của Đại học Tổng hợp Rutgers ở bang New Jersey cho rằng việc mô tả chính sách mới bằng nhóm từ “trở lại châu Á” có thể sai. Chính phủ sẽ nhận thấy rằng không thể để lại đằng sau các cuộc xung đột đang diễn ra tại các điểm nóng truyền thống ở Trung Đông. Nếu tình trạng đổ máu tiếp diễn tại Syria, êkíp an ninh mới của Tổng thống Obama buộc phải đánh giá lại các quan điểm hiện nay của Mỹ. Ông Kerry, người ủng hộ mạnh mẽ sự can thiệp do NATO lãnh đạo tại Libya, từng đặt câu hỏi trong phiên điều trần mùa hè năm ngoái là liệu việc thiết lập một khu vực cấm bay ở Syria có thực tế hoặc thích hợp không? Cùng lúc đó ông Hagel nhấn mạnh hoạt động của Mỹ thông qua Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập để tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề Syria.

Phát biểu trước một cuộc hội thảo ở Washington hồi tháng 8/2012, ông Brennan cũng cho rằng can dự trực tiếp của Mỹ tại Syria có thể tăng thêm đổ máu. Từ thực tế trên, các nhà phân tích cho rằng mặc dù Tổng thống Obama đánh bóng ông John Kerry, Chuck Hagel và John Brennan là những người “yêu nước và năng lực”, bộ ba đó không thể tạo nên những thay đổi thực sự trong chính sách của Mỹ.

(NLM)

Kết bạn với Thủ tướng trên Facebook
Thích và chia sẻ bài này trên Facebook
Tags:
Share on Link Hay! Share on Facebook! Tweet This!

Hiện chưa có phản hồi nào.

Gửi phản hồi

  • Tổng bí thư

    Nguyễn Phú Trọng

  • Chủ tịch nước

    Trương Tấn Sang

  • Chủ tịch Quốc hội

    Nguyễn Sinh Hùng

  • Biển đảo Việt Nam

    Trường sa - Hoàng sa