Trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ về kết quả 3 tháng triển khai cấp phát miễn phí tên miền tiếng Việt, ông Trần Minh Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho biết những tên miền tiếng Việt đăng ký thiếu nghiêm túc, thông tin cung cấp không đủ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, không đúng đối tượng sử dụng… người đăng ký sẽ không được quyền sử dụng.
Đã cấp miễn phí gần 320.000 tên miền tiếng Việt
Phóng viên (PV): Xin ông cho biết, kể từ thời điểm Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức cấp phát tự do, miễn phí tên miền tiếng Việt từ ngày 28/4/2011 đến nay, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đã cấp phát miễn phí bao nhiêu tên miền tiếng Việt?
Ông Trần Minh Tân, Phó Giám đốc VNNIC:Kể từ thời điểm cấp phát tên miền tự do miễn phí 28/4/2011, cho đến nay đã có gần 320.000 tên miền tiếng Việt được cấp phát miễn phí.
PV: Việc đăng ký và thủ tục đăng ký, cấp phát tên miền miễn phí tên miền tiếng Việt đã có thời điểm xảy ra quá tải chưa thưa ông?
Ông Trần Minh Tân: Trong những ngày đầu mở cửa cho đăng ký tự do tên miền tiếng Việt, cộng đồng người sử dụng rất quan tâm và chờ đón nên bình quân hệ thống tiếp nhận tới hơn 1 triệu truy vấn (request)/1 giờ nên có những thời điểm hệ thống đăng ký bị quá tải.
VNNIC đã phải khắc phục, nâng cấp mở rộng thêm máy chủ để hệ thống hoạt động ổn định và đáp ứng tiếp nhận kịp thời các yêu cầu của các chủ thể đăng ký.
PV: Ông có thể dẫn chứng việc một số tên miền tiếng Việt sau khi được cấp phép miễn phí đã hoạt động và hiệu quả ra sao, thưa ông?
Ông Trần Minh Tân: Có thể thấy rằng, tên miền tiếng Việt đang đón nhận nhiều sự quan tâm của cộng đồng Internet, đặc biệt đối với những đối tượng người dùng Internet ở nông thôn, nơi ít có điều kiện sử dụng thông thạo ngoại ngữ mà chủ yếu là bằng tiếng Việt, ngôn ngữ thuần Việt trên Internet.
Có thể ví dụ như việc cấp tên miền http://nộnkhê.vn/ của cộng đồng người dân làng Nộn Khê, với tên miền tiếng Việt này đã đem đến cho họ sự rõ nghĩa trong việc thể hiện tên miền (khác với tên miền nonkhe.net) và cũng là trải nghiệm mới lạ đối với người sử dụng ở đây.
Ngoài ra, những tên miền ngắn gọn như cáđiêuhồng.vn được dùng thay thế cho tên miền:http://quangbasanpham.vn/gian-hang/762/trai-ca-dieu-hong-minh-quan.html là một ví dụ cho thấy tính tiện dụng, hiệu quả khi dùng tên miền tiếng Việt thay cho những tên miền truyền thống dài hoặc phức tạp.
Sẽ tiến hành hậu kiểm, thu hồi những tên miền vi phạm
PV: Tuy nhiên, có một thực tế là, có những trường hợp đăng ký tên miền tiếng Việt thiếu nghiêm túc, không phù hợp với thuần phong mỹ tục hoặc không đúng đối tượng sử dụng. Vậy xin ông cho biết chế tài đối với những hành vi này hiện là như thế nào?
Ông Trần Minh Tân:Quy định về quản lý tên miền tiếng Việt không có gì khác quy định quản lý tên miền truyền thống không dấu với phần mở rộng “.vn”. Cơ sở pháp lý là Thông tư số 09/2008/TT-BTTTT ngày 24/12/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn quản lý và sử dụng tài nguyên Internet.
Theo đó, tên miền do tổ chức, cá nhân tự chọn để đăng ký phải đảm bảo không có các cụm từ xâm phạm lợi ích quốc gia hoặc không phù hợp đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục của dân tộc; phải thể hiện tính nghiêm túc để tránh sự hiểu nhầm hoặc xuyên tạc do tính đa âm, đa nghĩa hoặc khi không dùng dấu trong tiếng Việt.
Những tên miền tiếng Việt đăng ký thiếu nghiêm túc; thông tin cung cấp không đủ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục; không đúng đối tượng sử dụng… người đăng ký sẽ không được quyền sử dụng. VNNIC sẽ tiến hành hậu kiểm và có quyền thu hồi những tên miền vi phạm.
PV: Với những tên miền tiếng Việt đã cấp nhưng không sử dụng, hoặc sử dụng không đúng mục đích, VNNIC sẽ giải quyết như thế nào?
Ông Trần Minh Tân: Sau khi đăng ký tên miền tiếng Việt, các chủ thể đăng ký có thể sử dụng tên miền của mình để chuyển hướng (redirect) đến các website sẵn có sử dụng tên miền truyền thống.
Do có nhiều chủ thể đã đăng ký tên miền tiếng Việt nhưng chưa có website với tên miền truyền thống nên việc chưa sử dụng tên miền tiếng Việt cũng khá phổ biến. Trong thời gian tới, VNNIC sẽ cùng với đối tác là Nhà đăng ký tên miền cung cấp dịch vụ website miễn phí cho người sử dụng, nhằm khuyến khích việc đưa tên miền tiếng Việt vào sử dụng trong thực tế.
Đối với những tên miền tiếng Việt có dấu hiệu sử dụng sai quy định sẽ căn cứ theo Thông tư số 09/2008/TT-BTTTT để xem xét, xử lý theo quy định như đã nói ở trên.
Trường hợp website sử dụng tên miền tiếng Việt có nội dung vi phạm, VNNIC sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Thanh tra), các Sở Thông tin và Truyền thông để xem xét, xử lý vi phạm.
PV: Về tổng quát, xin ông cho biết ý nghĩa của việc cấp phát miễn phí tên miền tiếng Việt từ ngày 28/4/2011 có ưu điểm gì so với quy định trước đây, cũng như có tác dụng gì đối với công tác quản lý nhà nước đối với vấn đề tên miền trong thời gian tới?
Ông Trần Minh Tân: Giai đoạn triển khai cấp phát tự do miễn phí tên miền tiếng Việt từ 28/4/2011 là giai đoạn 2 trong lộ trình cấp phát tự do, miễn phí tên miền tiếng Việt.
Trước đó, giai đoạn 1 (đăng ký ưu tiên) đã được triển khai từ ngày 10/1/2011 đến hết ngày 27/4/2011.
Từ thời điểm 10/1/2011, khác với việc đăng ký tên miền tiếng Việt trước đây, VNNIC sẽ cho phép đăng ký tên miền tiếng Việt độc lập thay vì chỉ được cấp kèm theo tên miền truyền thống. Điều này giúp tăng thêm một lựa chọn hữu ích cho người sử dụng Internet, đặc biệt đối với những đối tượng thích sử dụng ngôn ngữ thuần Việt.
Đối với công tác quản lý, tên miền tiếng Việt cũng nằm trong hệ thống tên miền quốc gia “.VN” của Việt Nam nên cũng chịu sự quản lý thống nhất theo Thông tư số 09/2008/TT-BTTTT.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Hoàng Diên – Minh Diễm thực hiện
Hiện chưa có phản hồi nào.